Khảo về tiền thông dụng thời Nguyễn

Chủ đề thuộc danh mục 'Tiền việt nam qua các thời kỳ' được đăng bởi youngboss1vn, 30/1/10.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    (Sưu Tầm tin tức)

    Nói đến tiền tệ triều Nguyễn, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào trên thế giới có thể mô tả và bàn luận hết các loại tiền của thời đại này…
    - Về chính trị lịch sử, đây là triều đại phong kiến cuối cùng có nhiều biến cố trọng đại nên tiền tệ giai đoạn này - đặc biệt khác hẳn tiền tệ thời trước - gắn liền với lịch sử triều đại.
    - Về kinh tế xã hội đương thời, nổi bật là kinh tế hàng hoá, giao lưu thương mãi mở rộng nên tiền tệ cũng phát triển phù hợp với nền kinh tế đang phát triển.
    - Lại nữa, văn hoá nghệ thuật đương triều đạt đến đỉnh cao nên các loại hình tiền tệ cũng thay đổi rất nhiều.
    Mối liên quan tương hỗ giữa ba yếu tố trên, khắc nét đậm lên mặt tiền tệ, làm tiền tệ thời đai này cực kỳ phong phú và đa dạng nhất trong lịch sử tiền tệ Việt.Chúng gồm các hệ thống:

    1, Tiền của triều đình phát hành, gồm các loại :
    - Tiền thông dụng dân gian.
    - Các loại hoá tệ như thoi vàng nén bạc.
    - Các loại tiền được đúc để ban thưởng các công thần bằng vàng, bạc, đồng, kể cả các loại huy chương…

    2, các loại tiền của chính quyền Pháp phát hành, tức là tiền của Ngân hàng
    Đông Dương (Banque de l’Indochine) gồm hai loại :
    - Các hệ thống tiền đúc và đồng bạc thương mãi (Piastre de commerce).
    - Các hệ thống tiền giấy.

    Để bàn hết các loại tiền trên, đây là một vấn đề vô cùng rộng lớn, trong giới hạn khảo cứu này, tôi chỉ xin giới thiệu phần tiền thông dụng dân gian…

     
    Last edited: 28/4/10
  2. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    TIỀN THỜI GIA LONG (1802-1819):

    Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lấy niên hiệu Gia Long, bắt đầu cho đúc tiền để dân gian thông dụng, nhưng mãi đến năm 1816 mới thật sự có chiếu ban bố tiền Gia Long Thông Bảo và thu hồi các loại tiền Tây Sơn… Đại Nam Thực Lục cho biết: ”Quý Hợi, năm Gia Long thứ 2 (1803)… Tháng 6… Bắt đầu đúc tiền Gia Long Thông Bảo. Sai cai đội Cáp Văn Cẩn trông coi công việc. Đúc xong đưa 1000 đồng ra Bắc Thành để đúc theo cho có quy thức nhất định. (Mẫu tiền, mỗi đồng đường kính 5 phân 5 ly, mỗi quan tiền nặng 2 cân 4 lạng)”. Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ cho biết thêm: “Gia Long năm thứ 2, đặt trường đúc tiền ở Bắc Thành… chiếu theo mẫu tiền mới ban ra đúc tiền Gia Long Thông Bảo…”.
    Tuy lệnh đúc có qui thức nhưng tiền Gia Long Thông Bảo được tìm thấy có nhiều kích cỡ chứng tỏ được đúc nhiều khuôn, nhiều lần:

    1, Loại lớn, đường kính 24mm, mặt lưng không có dấu hiệu gì ngoài gờ viền. Loại này được truy đúc năm 1823 như Minh Mạng Chính Yếu chép: ”Minh Mạng năm thứ 4 (1823), Dụ rằng… Trẫm nghĩ hoàng khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta thần công thánh đức tỏ bày trong vũ trụ, nên để mỹ hiệu ấy còn sáng tỏ đến nghìn năm. Vậy sắc cho phần việc truy đúc tiền đồng lớn hiệu Gia Long Thông Bảo 10.000 quan…”.
    2, Các loại nhỏ đường kính từ 20-22mm, mặt lưng chỉ có gờ viền.
    3, Mặt lưng có đúc nổi một điểm sao cạnh lỗ vuông, như vậy, nếu phân loại chi tiết hơn thì sẽ có 4 loại có điểm sao ở 4 cạnh của lỗ vuông.
    4, Mặt lưng có hai vành lưỡi liềm, lưng đối diện qua lỗ vuông, như vậy sẽ có hai loại: hai vành lưỡi liềm ở vị trí trên - dưới hoặc trái - phải của lỗ vuông.
    5, Mặt lưng có hai chữ triện ‘’Thái bình’’.
    6, Mặt trước 4 chữ viết rất lớn so với bình thường.
    7, bốn chữ viết rất mảnh so với bình thường.
    8, Chữ “long” viết không đúng nét.
    9, Chữ “thông” có đầu thay vì viết “>“, lại viết là “]“.
    10, Sát viền trong của đồng tiền có dấu trùng luân.
    11, Cả hai mặt đồng tiền đều có trùng luân.
    12, đồng tiền có 2 mặt giống nhau, hai chữ Gia Long mặt trước và mặt lưng trùng vị trí.
    13, Đồng tiền có hai mặt chữ, nhưng mặt lưng xoay ngược 1800 so với mặt trước.



    * Tiền “thất phân”, Đại <ST1:COUNTRY-REGIoN w:st="on">Nam</ST1:COUNTRY-REGIoN> Thực Lục chép: “Quý Dậu, Gia Long năm thứ 12 (1813), tháng giêng, bắt đầu đúc tiền kẽm nặng 7 phân, hiệu Gia Long Thông Bảo”. Còn Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ thì ghi: “Năm thứ 12, … lại định tiền kẽm mỗi đồng nặng 7 phân, một mặt khắc 4 chữ Gia Long Thông Bảo, một mặt khắc hai chữ thất phân. Mỗi quan tiền tính nặng 2 cân 10 lạng…”. Tuy sử ghi là đúc tiền kẽm, song hiện tại vẫn có loại bằng đồng, có thể giải thích là do đúc tiền đồng nhưng lấy nhầm khuôn tiền kẽm.

    * Tiền “Lục phân”, Đại <ST1:COUNTRY-REGIoN w:st="on">Nam</ST1:COUNTRY-REGIoN> Thực Lục chép: ”Giáp Tuất, Gia Long năm thứ 13 (1814), đúc tiền đồng sáu phân”. Mặt lưng tiền Gia Long Thông Bảo có hai chữ triện “Lục phân”.
    * Tiền Gia Long Cự Bảo: sử không thấy ghi chép gì về loại tiền này, song hiện vật đã được tìm thấy. Tiền có vành rộng, 4 chữ viết nét bè đậm.



     
    Last edited: 30/1/10
  3. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    TIỀN THỜI MINH MẠNG (1820-1840):

    Minh Mạng Chính Yếu chép: ”Minh Mạng năm đầu, vua dụ Bộ Hộ như sau… phải có hội đồng kiểm kê mỗi năm một lần để biết tường tận số tiền và số thóc xuất nhập trong năm… Nếu có ai đúc trộm tiền sẽ bị trị tội”. Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ ghi: ”Minh Mạng năm đầu… lại đặt Bảo hoá Kinh cục ở kinh đô… Lại có chỉ cho cục Bảo tuyền Bắc thành đúc tiền đồng Minh Mạng Thông Bảo nặng 5 phân 5 ly, đúc tiền kẽm Minh Mạng Thông Bảo đều nặng 6 phân… Lại chuẩn y việc đúc thử 3 hạng tiền đồng kỳ trước, nay đều cho thôi, không đúc nữa”.
    Như vậy, thời Minh Mạng đã cho đúc rất nhiều loại tiền:

    1, Dạng chính: đường kính 21mm, 4 chữ viết rất chuẩn.
    2, Bốn chữ viết rất mảnh so với bình thường.
    3, Chữ “thông” có đầu viết là “]“ thay vì “>“.
    4, Tiền có vành rộng.
    5, Lỗ vuông lớn, cạnh 7mm so với bình thường chỉ 5mm.
    6, Vành của lỗ vuông rộng bè ra.
    7, Một loại vừa có vành của lỗ vuông rộng bè ra, vừa có chữ viết rất mảnh.
    8, Lưng đồng tiền có đúc nổi 1 điểm sao cạnh lỗ vuông.
    9, Lưng đồng tiền có 2 điểm sao 2 bên lỗ vuông.
    10, Lưng tiền có đúc nổi một vòng tròn.
    11, Chữ “mạng” thay vì đúc nổi lại khắc âm vào nền đồng tiền.
    12, Chữ “minh” không có bộ “nhật”, chỉ còn chữ “nguyệt”.
    13, Tiền có hai mặt trùng vị trí.
    14, Tiền có hai mặt xoay ngược nhau 1800.
    15, Tiền được đúc bằng kẽm.

    Các loại trên có nhiều hình thức là do được đúc nhiều lần như Đại Nam Thực Lục ghi: ”Nhâm Ngọ, Minh Mạng năm thứ 3, nhà vua lại cho đúc tiền sáu phân”. Nhưng đến năm 1825, loại tiền 6 phân bằng đồng bị bãi bỏ (tiền kẽm vẫn dùng) để đúc loại tiền lớn 9 phân:
    * Loại tiền lớn, Đại Nam Thực Lục ghi: ”Nhâm Ngọ, Minh Mạng năm thứ 3 (1822), tháng 4, bắt đầu đúc tiền đồng lớn (nặng 1 đồng cân)”, và đến “năm Ất Dậu (1825), tháng 5, bắt đầu đúc tiền nặng 9 phân… sai Vũ Khố chế mẫu ban cho trường đúc tiền ở kinh cùng Cục bảo tuyền Bắc thành để đúc mà bãi bỏ tiền 6 phân”.
    Loại tiền này đường kính 22-24mm, tìm thấy 6 tiêu bản:

    1, Bốn chữ viết rất chuẩn.
    2, Chữ “mạng” có bộ nhân viết rộng từ lỗ vuông đến tận viền đồng tiền.
    3, Bộ sước của chữ “thông” viết hai điểm.
    4, một loại vừa có bộ nhân rộng vừa có bộ sước hai điểm.
    5, Lưng đồng tiền có chữ “đồng” bên phải lỗ vuông.
    6, Tiền có hai mặt giống nhau.

    Về mệnh giá đồng tiền, Minh Mạng Chính Yếu ghi rõ: ”Minh Mạng năm thứ 20… đem ra ban bố để lưu thông hai hạng tiền đồng lớn và nhỏ hiệu Gia Long và Minh Mạng lâu nay lưu trữ trong kho nhưng ấn định cứ 1 trự tiền đồng lớn ngang giá với 3 trự tiền kẽm và 1 trự tiền đồng nhỏ ngang giá với 2 trự tiền kẽm”. Như vậy, loại tiền Minh Mạng 6 phân đã bị bãi bỏ năm 1825 nay được dùng lại và đến thời Thiệu Trị vẫn tiếp tục dùng như Đại Nam Thực Lục ghi: ”Tân Sửu, Thiệu Trị năm 1 (1841), tháng 3 nhuận… phát ra 8 vạn 6 ngàn quan tiền đồng hạng nhỏ chia cho các tỉnh ở Bắc Kỳ, tiền Gia Long và Minh Mạng, mỗi thứ một nửa…”.
    Về khuôn đúc tiền Minh Mạng Thông Bảo loại 9 phân này, cuối năm 2001, tại trường Đại học Nông lâm Huế, địa điểm của Vũ Khố triều Nguyễn cũ, trong một dịp đào đất để xây dựng, đã tìm thấy khuôn đúc tiền bằng đất sét. Di vật này hiện đang được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế lưu giữ.
    * Tiền Minh Mạng đúc thời Tự Đức: ”Tháng 11 năm 1884, triều đình xử án chém 4 thương nhân Trung Quốc can tội đưa tiền đồng giả vào lưu hành nước ta”(Dương Kính Quốc, 1999), “… tiền, tiền… mặt ngữa có 4 chữ Tự Đức Thông Bảo, Minh Mạng Thông Bảo, không phải từng trự mà là cả khối, cả đống…” (Thái Vũ, 1985). Những loại tiền Minh Mạng giả này thường được đúc bằng đồng đỏ hoặc
    đồng xấu, đường kính 19mm, rất mỏng, trong đó có tìm thấy một số tiêu bản có hai mặt chữ. Và đặc biệt còn có loại tiền Minh Mạng giả mặt lưng lại ghi chữ theo lối tộc Mãn như các loại tiền của nước Đại Thanh; đây là bằng chứng về tiền giả do người Thanh đúc.



     
    Last edited: 30/1/10
  4. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    TIỀN THỜI THIỆU TRỊ (1841-1847):

    Đại Nam Thực Lục chép: “Tân Sửu, Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), tháng 3, đúc tiền Thiệu Trị Thông Bảo, tiền đồng hạng lớn nặng 9 phân, tiền đồng hạng nhỏ và tiền kẽm mới đều nặng 6 phân… Tiền mẫu đúc xong, giao cho Cục Thông bảo ở Hà Nội để khởi công đúc”.
    Sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ ghi: ”Thiệu Trị năm đầu, đổi tên Cục Bảo tuyền Bắc thành gọi tên là Cục Thông bảo… Lại Dụ rằng: Sở đúc tiền Hà Nội đem đồng kẽm trong kho đúc tiền đồng hạng lớn hạng nhỏ về hiệu mới Thiệu Trị và tiền kẽm hiệu mới Thiệu Trị mỗi thứ đều 300 quan. Lại đem tiền đồng ngày xưa các hạng nấu lại thành đồng. Lấy 20 phần đúc tiền đồng hạng lớn, 1 phần đúc tiền đồng hạng nhỏ đều để vào kho, chứa riêng ra”. Và sau này, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ ghi thêm: “Năm thứ 4, chuẩn xem xét lại từ Thiệu Trị năm đầu đến tháng 6 năm nay, Cục Thông bảo Hà Nội đúc các hạng tiền đồng cộng 130.188 quan hơn. Trong số ấy, tiền đồng hạng
    lớn Minh Mạng Thông Bảo 27.212 quan, tiền đồng các hạng Thiệu Trị Thông Bảo 102.976 quan… Lại chuẩn y lời tâu: lần này phái bộ trong hội đồng với Vũ Khố thí nghiệm theo phép tam thất thử đúc tiền đồng Thiệu Trị 9 phân và 6 phân…”.
    Hiện tìm thấy 4 loại:

    1, Dạng chính: bằng đồng, đường kính 24mm.
    2, Loại nhỏ 6 phân, đường kính 22mm.
    3, Tiền kẽm.
    4, Tiền Thiệu Trị Thông Bảo nhưng mặt kia lại có 4 chữ “Minh Mạng Thông Bảo”.


     
    Last edited: 30/1/10
  5. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    TIỀN THỜI TỰ ĐỨC (1848-1883):

    Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ chép: “Tự Đức năm đầu, Dụ rằng: Đúc tiền theo niên hiệu mới. Vậy cho theo thể lệ đúc tiền Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị mà đúc tiền hiệu mới là Tự Đức Thông Bảo, tiền đồng hạng lớn mỗi đồng nặng 9 phân, tiền đồng hạng nhỏ và tiền kẽm đều mỗi đồng tiền nặng 6 phân”. Đây là vị vua tại vị lâu nhất trong các vị vua triều Nguyễn, có nhiều biến cố lịch sử nên tiền cũng rất nhiều loại:
    * Loại tiền mặt lưng không có chữ, Đại <ST1:COUNTRY-REGIoN w:st="on">Nam</ST1:COUNTRY-REGIoN> Thực Lục cho biết: “Mậu
    Thân, năm Tự Đức thứ nhất (1848), tháng 2, đúc tiền Tự Đức Thông Bảo”.

    1, Dạng chính: 23mm, chữ viết chuẩn.
    2, Loại nhỏ 21mm, nét chữ cũng chuẩn đẹp.
    3, Vành hẹp nên chữ viết rất lớn.
    4, Chữ “ti“ trong chữ “tự “ viết rất nhỏ so với cả chữ “tự”.
    5, Chữ “ti” thay vì đúc nổi thì lại lún vào nền đồng tiền.
    6, Chữ “đức” viết không có nét nhất.
    7, Chữ “đức” viết thiếu nét sổ trong chữ thập.
    8, Đồng tiền biến dạng hình bầu dục, các chữ cũng biến dạng theo, tuy vậy, vẫn có lỗ hình vuông.

    * Loại tiền “lục văn”, Đại Nam Thực Lục cho biết: “Nhâm Thân, Tự Đức năm thứ 25 (1872), tháng 10, sai Cục Thông bảo tỉnh Hà Nội đúc tiền đồng nặng 7 phân, mặt sau khắc hai chữ Lục Văn”. Loại tiền này được định giá ăn 6 đồng tiền kẽm, có đường kính từ 20- 22mm, gồm các loại sau:

    1, Dạng chính: đường kính 22mm, mặt lưng có hai chữ ‘’lục văn’’.
    2, Hai chữ lục văn viết rất nhỏ.
    3, Bộ sước của chữ ‘’thông’’ viết hai điểm.
    4, Đồng tiền dày so với bình thường.
    5, Chữ “đức” viết thiếu nét, không có chữ thập.

    * Các loại tiền kẽm, Đại <ST1:COUNTRY-REGIoN w:st="on">Nam</ST1:COUNTRY-REGIoN> Thực Lục chép: “Năm Tự Đức thứ 22 (1869), tháng 1, Tuần phủ Hà Nội xin đúc tiền kẽm…”. Hiện tìm thấy 3 loại Tự Đức Thông Bảo bằng kẽm sau:

    1, Tiền đường kính 21,5mm, mặt lưng không có chữ.
    2, Mặt lưng có hai chữ ‘’Hà Nội’’: hai chữ này có khi viết lớn, có khi viết nhỏ.
    3, Mặt lưng có hai chữ ‘’Sơn Tây’’.

    Riêng sách Tiền Cổ Việt <ST1:COUNTRY-REGIoN w:st="on">Nam</ST1:COUNTRY-REGIoN> của Đỗ Văn Ninh (Hà Nội, 1992) có thống kê thêm 2 loại tiền kẽm mặt lưng có chữ ‘’Bắc Ninh’’ và ‘’Thái Nguyên’’. Do chưa bao giờ nhìn thấy hình ảnh của 2 loại tiền này nên tôi chỉ chú thích thêm để lưu ý chứ không thể đánh số thống kê.
    * Tiền Tự Đức bảo sao, Đại <ST1:COUNTRY-REGIoN w:st="on">Nam</ST1:COUNTRY-REGIoN> Thực Lục chép: “Tự Đức năm thứ 14 (1861), đúc 6 hạng tiền đồng, mặt đồng tiền khắc 4 chữ ‘’Tự Đức Bảo Sao’’…”. Tìm thấy 8 loại tiền có đường kính lớn dần theo giá trị đồng tiền, mặt lưng có ghi:

    1, Chuẩn thập văn (ăn 10 đồng tiền kẽm).
    2, Chuẩn nhất thập văn (ăn 10 đồng tiền kẽm).
    3, Chuẩn nhị thập văn (ăn 20 đồng tiền kẽm).
    4, Chuẩn tam thập văn (ăn 30 đồng tiền kẽm).
    5, Chuẩn tứ thập văn (ăn 40 đồng tiền kẽm).
    6, Chuẩn ngũ thập văn (ăn 50 đồng tiền kẽm).
    7, Chuẩn lục thập văn (ăn 60 đồng tiền kẽm).

    Các loại tiền bảo sao này đúc ra ít, khá hiếm nên ngày nay tiền giả mới đúc rất nhiều. Sách Việt Nam Lịch Sử Hoá Tệ của Trung Quốc in năm 1993, có giới thiệu thêm một loại tiền Tự Đức Bảo Sao mà sử không ghi, là: 8, Chuẩn đương nhị bách (ăn 200 đồng tiền kẽm).
    * Tự Đức Trọng Bảo, tiền này không sách sử nào ghi chép, chỉ sách của Miuria Gosen giới thiệu, mặt lưng có bốn chữ ‘’An Nam bát văn’’, đường kính 26mm, rất hiếm.



    GIAI ĐOẠN 1883-1885:

    Vào thời gian này, sau khi vua Tự Đức mất, lần lượt có 4 vị vua lên ngôi: Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, Hàm Nghi. Việc đúc tiền giai đoạn này, Đại Nam Thực Lục viết: “Giáp Thân, Kiến Phúc năm 1, tháng 10… định lệ tiền. Tháng 11, mở cục đúc tiền ở Nha Đốc công kho Vũ Khố (trích sai tên thợ làm khuôn ở Hà Nội, một tên thợ đúc đem đủ các đồ dùng về kinh để dạy tập đúc tiền)…”. Ngày nay đã tìm thấy tiền Hàm Nghi Thông Bảo, mặt lưng có hai chữ ‘’lục văn’’, còn phần lớn là tiền giả mới đúc, sẽ thảo luận sau.



     
    Last edited: 30/1/10
  6. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    TIỀN THỜI ĐỒNG KHÁNH (1885-1888):

    * Loại tiền lớn ăn 10, Đại <ST1:COUNTRY-REGIoN w:st="on">Nam</ST1:COUNTRY-REGIoN> Thực Lục cho biết: “Bính Tuất, Đồng Khánh năm thứ nhất (1886), tháng 4, đúc tiền Đồng Khánh Thông Bảo (chiểu theo tiền đồng hạng lớn đời Minh Mạng, vành ngoài hơi cao, dày hơn). Mỗi đồng nặng 1 đồng cân… ngang giá 10 đồng tiền kẽm”. Các nhà sưu tập đã tìm thấy 3 loại khác nhau:

    1, Tiền Đồng Khánh Thông Bảo mặt lưng không có chữ, đường kính 26mm.
    2, Chữ “thông” có đầu viết là “]” thay vì “>”.
    3, Một loại bằng đồng đỏ (các loại kia bằng đồng thau).

    Loại tiền ăn 10 này, to dày rất bất tiện nên sau này đã bị bãi bỏ, do đó khá hiếm. Các nghệ nhân đúc đồng sau này đã đúc giả lại loại tiền này rất nhiều, ngoài ra còn sáng tác cả tiền Đồng Khánh Bảo Sao.

    * Loại nhỏ ăn 6, Đại Nam Thực Lục chép: “Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), tháng 2, bãi bỏ cách đúc tiền đồng 1 đồng ngang 10 đồng kẽm… lại chiểu theo cách thức tiền đồng Thiệu Trị vừa dày vừa tốt, ngang giá 6 đồng, đúc ra tiền Đồng Khánh Thông Bảo cho được tiện và dễ tiêu dùng”. Hiện tìm thấy 2 loại khác nhau chút ít:

    1, Dạng chính: đường kính 23mm, mặt lưng không có chữ.
    2, Một loại có vành rộng và nét chữ nhỏ.



     
    Last edited: 30/1/10
  7. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    TIỀN THỜI THÀNH THÁI (1889-1907):

    Hiện tìm thấy một số loại tiền Thành Thái Thông Bảo như sau:
    * Tiền ăn 6:

    1, Mặt lưng không có chữ, chữ ở mặt trước viết bình thường.
    2, Chữ “thành” viết rộng hơn so với bình thường.
    3, Một loại mặt lưng có hai chữ ‘’lục văn’’.

    * Loại tiền ăn 10, mặt lưng có hai chữ ‘’thập văn’’: gồm 4 loại:

    1, Dạng chính: đường kính 25mm.
    2, Chữ “thành” viết rộng hơn so với bình thường.
    3, Nét sổ của chữ “thập” kéo dài hơn bình thường.
    4, Đường kính nhỏ 22mm.



     
    Last edited: 30/1/10
  8. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    TIỀN THỜI DUY TÂN (1907-1916):

    Tìm thấy hai loại:

    1, Duy Tân Thông Bảo, mặt lưng có hai chữ ‘’thập văn’’.
    2, Mặt lưng không có chữ.



     
    Last edited: 30/1/10
  9. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    TIỀN THỜI KHẢI ĐỊNH (1917-1925):

    Hiện tìm thấy các loại tiền Khải Định Thông Bảo như sau:
    * Loại dập bằng máy: đồng cáng mỏng rồi dùng máy dập ra đồng tiền có đường kính 21mm.
    * Loại đúc bằng khuôn: đường kính 23mm, có 6 loại:

    1, Dạng chính: bằng đồng thau.
    2, Bằng đồng đỏ.
    3, Tiền kẽm, đúc tại Hà Nội (Ninh, 1992).
    4, Chữ “thông” có đầu viết là “]” thay vì “>”.
    5, Bốn chữ viết rất mảnh.
    6, Tiền có hai mặt giống nhau.

    Ngoài ra, ngày nay còn thấy có loại tiền Khải Định Trọng Bảo bằng đồng đỏ là tiền giả mới đúc.



     
  10. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    TIỀN THỜI BẢO ĐẠI (1925-1945):

    Có 3 loại khác nhau:
    * Tiền Bảo Đại Thông Bảo mặt lưng không có chữ: đường kính từ 21- 23mm, có 5 tiêu bản:

    1, Chữ viết ất mảnh.
    2, Chữ viết bè rộng.
    3, Tiền có vành rộng.
    4, Tiền có vành hẹp.
    5, Chữ “thông” có bộ sước hai điểm.

    * Tiền Bảo Đại mặt lưng có hai chữ “thập văn”.
    * Loại dập bằng máy: nhỏ 17mm.



     
  11. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    THẢO LUẬN QUANH MỘT SỐ LOẠI TIỀN:

    1, Gia Long Cự Bảo: loại tiền này mặt trước cũng như mặt lưng đều có vành rộng 4,5mm, bốn chữ ở mặt trước viết không đúng nét, thư pháp khác hẳn các loại tiền Gia Long Thông Bảo, lại giống tiền Gia Hưng Thông Bảo đúc năm 1796. Do vậy, tôi cho rằng tiền này có thể được đúc vào những ngày đầu sử dụng niên hiệu Gia Long, khi mà việc đúc tiền Gia Long Thông Bảo chưa có quy thức chuẩn hoá như sử đã ghi.
    2, Các loại tiền có hai mặt giống nhau: Gia Long Thông Bảo, Minh Mạng Thông Bảo và Khải Định Thông Bảo. Có thể các loại tiền này được đúc vì một mục đích nào đó chưa biết được. Tuy nhiên, một thuyết có sức thuyết phục cao là có lẽ do người thợ vô ý ráp nhầm hai khuôn đúc tiền mặt trước nên tiền mới có hai mặt chữ giống nhau như vậy. Về hiện tượng ráp nhầm khuôn trong kỹ thuật đúc tiền đã có một bằng chứng rõ ràng: năm 984, Lê Đại Hành cho đúc tiền Thiên Phúc Trấn Bảo, có hai loại: một loại mặt lưng có chữ Lê. một loại mặt lưng không có chữ. Nhưng Toda đã tìm thấy một đồng tiền rất lạ: một mặt thì có chữ Lê, còn mặt kia thì không có chữ gì cả! Điều chắc chắn là đồng tiền này xuất hiện do người thợ khi đúc đã vô ý ráp nhầm hai khuôn lưng có chữ Lê và không có chữ của loại tiền Thiên Phúc Trấn Bảo.
    3, Thiệu Trị Thông Bảo nhưng mặt kia lại Minh Mạng Thông Bảo: về đồng tiền này, đương nhiên phải xếp vào niên hiệu đời vua sau và có thể giải thích bằng 3 cách:
    * Do ráp nhầm khuôn: ở phần tiền thời Thiệu Trị, tôi có trích lại sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ cho hay thời Thiệu Trị đã có đúc lại tiền Minh Mạng Thông Bảo. Do kỹ thuật đúc đầu thời Thiệu Trị và thời Minh Mạng giống nhau nên ngày nay không thể phân biệt được đồng tiền Minh Mạng nào đúc chính thời Minh Mạng và đồng tiền nào đúc thời Thiệu Trị. Trong lần đúc tiền Minh Mạng và cả Thiệu Trị Thông Bảo vào đầu thời Thiệu Trị đó, người thợ vô ý ráp nhầm hai khuôn tiền Minh Mạng và Thiệu Trị nên xuất hiện đồng tiền có hai mặt như vậy.
    * Đúc để kỷ niệm: nếu đồng tiền đúc một hiệu Thiệu Trị, một hiệu Gia Long thì có thể khẳng định là do ráp nhầm khuôn. Nhưng đây lại là hai hiên hiệu liên tiếp…
    Trong quá trình nghiên cứu tiền cổ, tôi đã có thấy một loại tiền rất lạ: Thế Tông nước Đại Kim (Trung Quốc), niên hiệu Đại Định (1161-1189), năm 1176 đúc tiền Đại Định Thông Bảo mặt lưng có chữ “thân” và năm 1177 lại đúc tiền mặt lưng có chữ “dậu”. Nhưng các nhà sưu tập đã tìm thấy một đồng tiền mặt lưng có cả hai chữ ‘’Thân - Dậu’’. Đồng tiền này chỉ có một cách giải thích duy nhất là được đúc trong mẻ tiền chuẩn bị từ năm Thân, nhưng kéo dài qua năm Dậu mới đúc xong vậy. Tương tự cách giải thích này, chúng ta có thể nghĩ rằng sau khi vua Minh Mạng mất năm 1840, vua Thiệu Trị lên ngôi nhưng vẫn tiếp tục dùng niên hiệu Minh Mạng cho hết năm 1840, để dầu năm 1841 mới dùng Thiệu Trị nguyên niên, Trong giai đoạn giao thừa giữa hai niên hiệu, rất có thể cho đúc loại tiền hai niên
    hiệu này để kỷ niệm, cũng như tưởng nhớ tiên đế dù đã mất nhưng vẫn còn đó.
    * Sự thừa kế chính thống: Trong quá trình tìm tòi Kim thạch học, tôi đã gặp một số món đồ sứ Bleus de Hué đặt làm tại Trung Quốc nhưng có hiệu đề rất lạ: một tô có 4 chữ ‘’Minh Mạng - Thiệu Trị’’, một tô Thiệu Trị Niên Chế lại kèm thêm chữ ‘’Nhật’’. Bởi vua Minh Mạng đã sáng tác đế hệ thi để đặt tên cho 20 đời kế vị mình, đều có chữ nhật trong tên chữ Hán, nên hai cái tô ngự dụng này mang ý nghĩa rằng vua Thiệu Trị tiếp nối ngai vàng từ Minh Mạng là một sự kế thừa chính thống… Riêng về tiền cổ của nước Đại Minh thì lại gặp 2 đồng tiền cũng rất lạ như sau: một đồng Thái Xương Thông Bảo (1620) nhưng mặt kia lại là Vạn Lịch Thông Bảo (1573-1620); một đồng tiền thì 4 chữ trên cùng một mặt tiền lại là hai niên hiệu liên tiếp: ‘’Thái Xương - Thiên Khải’’ (1621-1627). Đối với những đồng tiền có hai mặt thì có thể cho rằng do ráp nhầm khuôn. Nhưng với những đồng tiền Thái Xương - Thiên Khải, Đại Định Thông Bảo - Thân - Dậu hoặc hai cái tô kể trên, chữ viết trên các vật dụng đó là do chính tay người thợ viết nên, không thể không có dụng ý!
    4, Xác định loại tiền Minh Mạng đúc giả thời Tự Đức:
    Như phần trước đã trình bày, năm 1841, vua Thiệu Trị có cho đúc lại tiền Minh Mạng, vì niên đại quá gần nên không thể phân biệt nữa và vẫn xếp vào thời Minh Mạng. Nhưng đến thời Tự Đức thì có nạn thương gia Trung Quốc đúc giả tiền Minh Mạng tung vào nước ta. Để đối phó với nạn tiền giả, vua Tự Đức đã ra một số sắc lệnh quy định về việc đúc tiền và nghiêm trị việc xuất nhập cảng tiền tệ, đồng thời sử dụng cả biện pháp nhờ quan chức người Anh ở HongKong tra xét giúp. Kết quả đến tháng 11 năm 1884, triều đình kết án chém 4 thương nhân Trung Quốc can tội đưa tiền đồng giả vào lưu hành ở nước ta. “Bốn tên đó là Lý Thành Long, can tội chở lậu 20 bao tiền đồng… còn 3 tên khác đều là chủ hiệu buôn ở phố Gia Hội… Để đối phó tiền đồng giả đã lan tràn trong dân chúng, triều đình ban bố một số điểm sau:

    - Quy định tiền đồng loại nặng 1 đồng cân và 9 phân vẫn ăn 6 đồng tiền
    kẽm như trước, còn các loại nặng 6-7 phân trở xuống cùng các loại tiền đồng kiểu
    lạ khác, mỗi đồng chỉ ăn 4 đồng tiền kẽm.
    - Kẻ nào chuyển tiền đồng của nước ta ra nước ngoài đều bị kết án chém
    ngay lập tức, hãy trông gương bọn Lý Thành Long!

    … Lệnh này không thi hành được vì bọn gian thương đút lót… tình hình chợ búa trở nên rắc rối… nên tháng 3 năm 1885 cho tự do lưu hành tiền đồng giả nhưng chỉ ăn 2 đồng kẽm”. (Dương Kính Quốc, 1999) Dựa vào hiện vật, tôi nhận thấy chỉ có loại tiền Minh Mạng 19mm rất mỏng thường được đúc bằng đồng đỏ hoặc đồng xấu. Có lẽ đây chính là loại tiền giả đúc thời Tự Đức?!
    5, Về tiền Kiến Phúc và Hàm Nghi:
    Đây là một đề tài cũng khá phức tạp, tôi muốn phản ánh sự thật quá trình tìm hiểu, nhưng do quá nhiều yếu tố tình ngay lý gian nên rất khó đạt lý. Đại khái có thể tóm tắt như sau: “Tháng 11 năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), … mở cục đúc tiền… dạy tập đúc tiền…”. Xét ra thì vua Kiến Phúc mất tháng 6 năm Giáp Thân và sau đó vua Hàm Nghi lên ngôi ngay, và dòng sử này đã chép vào mục vua Hàm Nghi. Như vậy việc mở cục đúc tiền là việc của vua Hàm Nghi chứ không phải là của vua Kiến Phúc. Thực tế quá trình tìm hiểu, tôi được biết các loại tiền Kiến Phúc (tiền đồng và tiền kẽm) chỉ là sản phẩm giả mới sáng tác, do đó các hình ảnh tiền này trong các catalogue đều là tiền giả. Trở lại việc đúc tiền vào tháng 11 năm 1884, chính là đúc tiền Hàm Nghi Thông Bảo, mặt lưng có hai chữ “Lục Văn”. Sau biến cố thất thủ kinh đô 1885, một số ít tiền này đã rơi rớt ra ngoài khi nhà vua xuất bôn, số tiền còn lại chưa có lệnh phát hành vẫn nằm trong kho tiền của triều đình Huế. Và có lẽ số tiền Hàm Nghi ít ỏi này đã bị vua Đồng Khánh huỷ để đúc tiền niên hiệu mới, bởi: ”tháng 11 năm 1888 đã ra dụ cấm từ nay không được dùng hai chữ Hàm Nghi…, mà khi cần chỉ được gọi là Quận công Lịch, các tỉnh phải sao dụ này để yết thị khắp nơi” (Dương Kính Quốc, 1999). Ngày nay, tiền Hàm Nghi rất hiếm, bán giá cao, nhân đó các nghệ nhân đúc đồng đã đúc giả tiền Hàm Nghi rất nhiều, thậm chí còn sáng tác các mẫu tiền mới: Hàm Nghi Trọng Bảo, Hàm Nghi Thông Bảo mặt lưng không có chữ hoặc có hai chữ “thập văn”… Oái ăm thay, các loại tiền giả và mới sáng tác này đã được lên danh mục trong các catalogue tiền cổ quốc tế! Riêng tiền Hàm Nghi Thông Bảo - Lục Văn, cũng có loại giả “em em” với tiền thật, chỉ trừ khi đối chiếu trực tiếp với tiền thật hoặc đã xem qua tiền thật một lần thì nhớ mãi và phân biệt được… Tôi đã được cầm trên tay nhiều đồng tiền giả loại này, thấy có một đặc điểm giả dễ nhận ra là mặt lưng có chổ bị lõm khuyết sát vành đồng tiền, như vậy các đồng tiền giả này đã được đúc ra từ một khuôn giả. Về tiền Hàm Nghi thật, tôi chỉ mới thấy có ba quyển sách có hình tiền này thật là An Nam Tuyền Phổ - Lịch Đại Tiền Bộ do Miuria Gosen (Tam Phố Ngô Tuyền) cho xuất bản tại Tokyo năm 1966; sách Catalogue Des Monnaies Vietnamiennes của GS Franςois Thierry (chuyên gia tiền cổ của Pháp) in tại Paris năm 1987 ; và hình ảnh tiền thật thứ ba là mẫu tiền số 281 trong sách Tiền Kim Loại Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 2005.
     
  12. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    NHẬN XÉT CUỐI CÙNG :

    Từ khi vua Gia Long lên ngôi, ban bố tiền Gia Long Thông Bảo, mở màng kỷ nguyên tiền triều Nguyễn, các vị vua sau này kế vị, chúng tôi nhận thấy kỹ thuật đúc tiền và chất lượng tốt. Số lượng từng loại đúc bao nhiêu, sử sách không nói rõ lắm, song căn cứ vào di vật tìm thấy thì tiền triều Nguyễn có số lượng rất lớn và thường nằm riêng biệt, ít khi xen kẻ với các loại tiền thời trước hoặc tiền Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ tiền triều Nguyễn phát triển vượt bậc so với thời trước và đã ngăn chặn được nạn xâm nhập dùng chung với tiền Trung Quốc.
    Trước dây, tiền đồng là đơn vị chính, mỗi đồng tiền ăn 1 đồng; nay tiền kẽm mới là đơn vị nhỏ nhất, và các loại tiền đã có quy định mệnh giá rõ ràng. Về việc phát hành tiền, khác với các triều đại trước, triều Nguyễn thật sự quan tâm đến vấn đề này như ra các sắc lệnh đúc tiền, quy định mệnh giá… Việc đúc tiền là của triều đình, tư nhân không được đúc tiền như thời trước, ngăn cấm việc đúc tiền giả… đó
    là tiến bộ rõ rệt của triều Nguyễn. Ngoài ra, triều Nguyễn còn có việc truy đúc tiền thời trước như thời Minh Mạng có đúc tiền Gia Long hoặc thời Thiệu Trị có đúc tiền Minh Mạng… cho thấy về ý tưởng, quan điểm đã có sự nhất thống và kế thừa… Đến thời Tự Đức, do tình hình chính trị đất nước có nhiều thay đổi, ngoại bang xâm nhập… xuất hiện Ngân hàng Đông Dương… nên tiền tệ không còn kỷ cương như trước nữa. Sau biến cố thất thủ kinh đô 1885, ở nước ta sử dụng song song hai hệ thống tiền, đó là tiền của triều đình và tiền của chính quyền Pháp phát hành. Từ năm 1885 đến cách mạng tháng Tám 1945, còn 5 vị vua tiếp tục trị vì, cũng có đúc tiền song hình thức không được phong phú như trước. Hai vị vua yêu nước là Thành Thái và Duy Tân có tinh thần dân tộc cao nên số lượng tiền niên hiệu hai vua này được đúc rất nhiều, chất lượng tốt… ngày nay dễ tìm thấy. Ba vị vua Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại, đúc tiền niên hiệu mình hơi ít so với các vị vua kia nên ít gặp hơn; và vị hoàng đế cuối cùng đã cho dập ra loại tiền quá nhỏ mỏng 17mm mà tỉ giá 2 hoặc 3 đồng tiền Bảo Đại này mới ăn được 1 đồng tiền Khải Định:



    Thóc hơn không có người đong,
    Bán buôn một bố giá đồng ba con!
    Hoặc : Hai con đổi lấy một cha,
    Làm chi thiên hạ xót xa vì tiền!
     

Ủng hộ diễn đàn