100 năm tiền tệ Việt Nam

Chủ đề thuộc danh mục 'Tiền việt nam qua các thời kỳ' được đăng bởi youngboss1vn, 8/4/10.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    (Sưu Tầm tin tức)

    Tính từ thời Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế (1010) tạo dựng kinh đô thành Thăng Long cho đến Hà Nội của 2010, tiền tệ Việt Nam đã tồn tại và phát triển như thế nào? Đây là một vấn đề mà các nhà sử học, khảo cổ học …và ngay cả những nhà nghiên cứu về ngân hàng đều quan tâm. Bài viết này chỉ mang tính phác thảo giúp độc giả hiểu một cách khái quát về chặng đường lịch sử của tiền tệ Việt Nam.

    Từ tiền thời phong kiến và Pháp thuộc...

    Từ khi xây dựng thành Thăng Long, trong dân chúng cũng như quốc khố nhà Lý bấy giờ cất giữ và tiêu dùng nhiều loại tiền của Trung Quốc thời Bắc thuộc và hai loại tiền Việt Nam được đúc lần đầu tiên vào năm 970 dưới thời Đinh Tiên Hoàng và tiền của triều Tiền Lê (981-1009) là Thái Bình Hưng Bảo và Thiên Phúc Trấn Bảo. Kể từ đó, gần một nửa thiên niên kỷ trôi qua với 215 năm triều nhà Lý, 175 năm triều nhà Trần, 100 năm triều Lê sơ, Thăng Long không chỉ là thánh địa chống ngoại xâm mà còn là trung tâm đúc tiền, lưu giữ tiền và phát hành tiền đi khắp đất nước mở mang kinh tế, lưu thông hàng hóa, nuôi quân giữ nước. Riêng triều đại nhà Lý (1010-1225), với 9 đời vua, nhưng hầu như mỗi đời đều có đúc tiền. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những đồng: Thuận thiên đại bảo (Lý Thái Tổ), Minh đạo thông bảo và Càn phù nguyên bảo (Lý Thái Tông), Thiên phù nguyên bảo (Lý Nhân Tông), Thiên thuận thông bảo (Lý Thần Tông), Đại định thông bảo và Thiên cảm thông bảo (Lý Anh Tông), Thiên tư thông bảo (Lý Cao Tông). Cho tới nay, theo các tài liệu về khảo cổ, chỉ trừ các đời vua Lý Thánh Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng là không có đúc tiền. Tiếp theo là triều Trần với 13 đời vua, các triều vua đều cho đúc tiền đồng, nhưng đến đời Trần Minh Tông (1323) thì chuyển sang đúc tiền kẽm. Tuy nhiên, do tiền kẽm sử dụng không được thuận tiện nên nhanh chóng bị bãi bỏ.

    Giai đoạn cuối đời Lê, vua Lê Hiển Tông (1740-1786), đã cho đúc nhiều loại, kiểu tiền Cảnh Hưng. Đây là thời kỳ đồng Cảnh Hưng có giá trị khá mạnh trong lưu thông khi nền nông nghiệp Việt Nam thời kỳ này phát triển mạnh trên cả hai lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Vì thế, dân gian vẫn còn lưu truyền mãi câu ca dao:

    Mẹ em tham thúng xôi rền

    Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng

    Tuy nhiên, tới thời Lê Chiêu Thống, vị vua cuối cùng của nhà Lê, do cảnh Trịnh - Nguyễn phân tranh, nhà vua bù nhìn, khiến dân chúng lầm than cơ cực. Tức nước vỡ bờ, người dân vùng lên đấu tranh, phong trào Tây Sơn do Quang Trung lãnh đạo thành công. Cũng từ đó, tiền Thái Đức thông bảo đã theo những thắng lợi vang dội về chính trị, quân sự của nhà Tây Sơn tiến nhập Thăng Long. Cũng phải kể thêm, trước khi triều Tây Sơn xuất hiện, đầu thế kỷ XVI, Thăng Long còn có tiền đúc mang niên hiệu đời nhà Mạc. Chất liệu của tiền này không thuần túy bằng đồng mà pha thêm kẽm và sắt, cũng như kỹ thuật in đúc kém. Bên cạnh đó, trong quan niệm phong kiến, họ Mạc cướp ngôi nên uy tín thấp, cũng chính vì thế mà vị trí giá trị của đồng tiền không bằng các đồng tiền khác của các đời vua trước…

    Sau khi Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn, đóng đô ở Phú Xuân, Thăng Long trở thành cố đô, nhưng nhà Nguyễn vẫn đặt Cục Bảo tuyền để làm nhiệm vụ đúc tiền Gia Long thông bảo ở Bắc Thành do quan Tổng trấn quản lý vì nhận thấy công việc đúc tiền ở đây đã có truyền thống lâu đời, có cơ sở vật chất và thợ giỏi. Các triều vua sau của nhà Nguyễn tiếp tục đúc tiền đồng và có lúc đúc cả tiền kẽm. Song song với tiền đồng, các loại thoi bạc, thoi vàng và tiền bạc, tiền vàng cũng xuất hiện từ khoảng năm 1820, cuối triều Gia Long, đầu triều Minh Mạng.

    Ngày 1/8/1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam và đến tháng 4/1882 thì Hà Nội thất thủ. Theo quân xâm lược, đồng Mếch-xi-cô (la piastre mexi-caine) chính thức thâm nhập thị trường tiền tệ Hà Nội. Trong thời kỳ này, đơn vị tiền tệ của cả khu vực Đông Dương đều là piastre. Tiền tệ do chính quyền trong giai đoạn này lấy bạc làm bản vị. Tuy nhiên, người dân vẫn lén lút sử dụng những đồng tiền của các triều vua nhà Nguyễn nhưng chủ yếu lưu hành ở các vùng nông thôn. Tiền giấy thời kỳ này được Ngân hàng Đông Dương (trụ sở chính ở Paris, sau đó thành lập chi nhánh ở Sài Gòn, năm 1885 mở chi nhánh ở Hải Phòng và tới năm 1899 mới mở chi nhánh ở Hà Nội) phát hành và có thể đem đến ngân hàng đổi thành bạc. Một sắc lệnh ngày 16/5/1900 cho phép Ngân hàng Đông Dương in tiền giấy gấp ba lần số bạc đảm bảo. Sau một số biện pháp cải cách tiền tệ, ngày 31/5/1930, Tổng thống Pháp có sắc lệnh quy định đồng bạc Đông Pháp (Đông Dương) có giá trị là 655 miligam vàng (độ tinh khiết 900/1000). Từ đây, chấm dứt chế độ bản vị bạc mà chuyển sang bản vị vàng.
     
    Last edited: 28/4/10
  2. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    ...Tới tiền Cách mạng

    Ngày 14/8/1945, phát-xít Nhật đầu hàng. Quân đội Tưởng Giới Thạch vào tước vũ khí Nhật, từ đây đồng quan kim của Tưởng được tung ra thay thế cho tiền Đông Dương. Quân Tưởng quy định 1 quan kim "ăn" 1,5 đồng Đông Dương và đồng tiền này tồn tại ở phía Bắc cho tới khi quân Tưởng rút khỏi Đông Dương vào mùa Hạ năm 1946. Ngược thời gian lại, 19/8/1945 Cách mạng tháng Tám thành công và ngày 2/9/1945 Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và đầu tháng 12/1945 đồng 2 hào (bằng nhôm) được phát hành. Tới mùng 2 Tết năm Bính Tuất (1946), giấy bạc Việt Nam mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt nhân dân, nhưng chỉ tiêu ở vùng Nam Trung bộ, chưa chi tiêu ở Hà Nội. Cho tới khi Toàn quốc kháng chiến (30/11/1946), trước yêu cầu phục vụ cho kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nghị định phát hành tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và ngày 30/11/1946, giấy bạc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong dân thường gọi đây là giấy bạc Cụ Hồ… Ngày 5/6/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Nghị định thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và phát hành giấy bạc ngân hàng. Giấy bạc ngân hàng đổi lấy giấy bạc tài chính theo tỷ lệ 1 đồng ngân hàng đổi 10 đồng tài chính. Tuy nhiên, do việc liên lạc giữa địa phương và trung ương có nhiều khó khăn, nên chính quyền trung ương cho phép Trung bộ và Nam bộ phát hành tiền riêng. Một số tỉnh được phát hành tín phiếu, phiếu đổi chác, phiếu tiếp tế... hoặc giấy bạc chỉ lưu hành trong tỉnh. Thời kỳ đó, ở Nam bộ nền kinh tế chia ra hai vùng, sử dụng hai loại tiền khác nhau, vùng thuộc sự kiểm soát của Pháp lưu hành tiền do Pháp phát hành. Mặt khác, mặc dù Chính phủ phát hành tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng do phương tiện giao thông còn khó khăn nên loại tiền này không lưu hành đến Nam bộ. Chính vì thế, sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân Nam bộ vẫn sử dụng các loại tiền giấy, tiền kim loại do chế độ cũ phát hành.

    Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tiền Đông Dương đã được đổi tiền Cụ Hồ. Đến ngày 7/11/1954 tiền Đông Dương không còn được lưu thông và cất giữ nữa. Giành được độc lập, mục tiêu chính của chúng ta là khôi phục và phát triển kinh tế. Chính vì thế, ngày 28/2/1959 Chính phủ quyết định cho phép Ngân hàng phát hành hệ thống tiền mới thay hệ thống tiền 1951, thay đổi mệnh giá tiền tệ theo tỷ lệ 1 đồng mới bằng 1.000 đồng cũ…

    Sau chiến thắng lịch sử 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tạo tiền đề chính trị, kinh tế để thống nhất tiền tệ trong cả nước. Ngày 25/4/1978 Hà Nội lại lưu hành đồng tiền mới. Tờ giấy bạc với ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, quốc hiệu, quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với phong cảnh hai miền đất nước. Đến tháng 9/1985, Chính phủ đã cho phép Ngân hàng Nhà nước thu lại tất cả tiền đang lưu hành để đổi giấy bạc mới với giá trị một đồng mới bằng 10 đồng tiền cũ. Hệ thống tiền tệ mới này bao gồm từ đồng 50 xu đến 5.000 đồng, về sau phát hành thêm 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng và ngày 1/9/2000 phát hành thêm giấy bạc 100.000 đồng.

    Thực hiện Quyết định số 304/QĐ-TTg ngày 27/11/2003 từ ngày 12/12/2003 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông báo số 1370/NHNN-PHKQ phát hành và lưu thông loại tiền 50.000 đồng mới, loại 500.000 đồng in trên chất liệu polymer và tiền kim loại mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng và 5.000 đồng, tiếp theo từ ngày 1/9/2004 đến ngày 31/8/2006 Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành các loại tiền bằng chất liệu polymer các loại tiền mệnh giá 100.000 đồng, 20.000 đồng, 10.000 đồng và 200.000 đồng. Việc phát hành này không làm thay đổi đơn vị tiền tệ, thay đổi sức mua của đồng tiền chỉ nhằm mục đích nâng cao khả năng chống giả, độ bền, độ sạch của đồng tiền, thay thế dần các loại tiền in đã lâu cần phải cải tiến.

    Ngày nay nhờ tiến bộ của khoa học công nghệ, thêm một loại tiền nữa ra đời gọi là tiền điện tử hay thẻ ngân hàng. Thẻ ngân hàng ra đời từ năm 1949 tại New York nhưng tới năm 1990, thẻ tín dụng quốc tế mới có mặt ở Hà Nội do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam làm đại lý thanh toán cho các định chế tài chính quốc tế. 3 năm sau, năm 1993 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam bắt đầu phát hành loại tiền điện tử đầu tiên ở Hà Nội và đến nay tiền điện tử đã được hệ thống ngân hàng phát hành rộng khắp cả nước.
     

Ủng hộ diễn đàn