Tiền tệ lưu hành tại việt nam qua những biến động lịch sử

Chủ đề thuộc danh mục 'Tiền việt nam qua các thời kỳ' được đăng bởi youngboss1vn, 20/4/10.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    (Sưu Tầm tin tức)
    I. SỰ RA ĐỜI CỦA NGÂN HÀNG ĐÔNG DƯƠNG VÀ CÁC HỆ THỐNG TIỀN TỆ:


    Lịch sử Việt Nam hòa nhập với lịch sử thế giới nói chung và lịch sử tiền tệ nói riêng với những biến động rầm rộ thế kỷ 20, khởi thủy cũng từ việc người Pháp đánh chiếm Việt Nam từ năm 1858.
    Sau khi chiếm được Lục tỉnh Nam kỳ, Quốc hội Pháp ban hành đạo luật ngày 24.6.1874 quy định sự phát triển các ngân hàng thuộc địa; và đến ngày 21.1.1875 thì có sắc lệnh thành lập Banque de l' Indochine (Ngân hàng Đông Dương - NHĐD - chữ Hán đọc là Đông Dương Hối lý Ngân hàng) rồi dần đúc đồng tiền Piastre de Commerce (PDC) theo hệ thống ngân bản vị với các đồng bạc lẻ 10 cent, 20 cent, 50 cent cùng các loại xu bằng đồng...
    Vào những năm 1880, các nước Âu - Mỹ ào đến giao lưu thương mãi ở vùng Đông Á, mang theo những đồng bạc có giá trị quốc tế như đồng Mexicana, Trade Dollar Mỹ, đồng Dollar Anh, đồng Yen và Trade Dollar của Nhật, các đồng 5 franc của các nước châu Âu... nhưng không được người Việt tín dụng. Do vậy, năm 1883, Bác sĩ Harmand - được chính phủ Pháp cử làm Tổng ủy viên ký hòa ước Quý Mùi - đã cưỡng bức triều đình Huế phải cho các đồng tiền Mexicana và tiền của NHĐD được lưu hành song song với tiền Việt trên toàn cõi Việt Nam. Luồn theo đó, các đồng tiền ngoại nhập cũng mặc sức tung hoành trên thị trường Đông Dương. Vì thế, NHĐD đã phát hành tiền giấy lần đầu bằng 3 thứ tiếng: mặt trước ghi"Banque de l'Indo - Chine" (chú ý chữ Indo - Chine viết rời) cùng hai cột song song chữ Anh và chữ Pháp:
    - One dollar - Une piastre (mặt sau ghi chữ Hán: Nhất nguyên: tức 1 đồng bạc).
    - Five dollars - Cinq piastres (Ngũ nguyên, tức 5 đồng bạc)
    - Twenty dollars - Vingt piastres (Nhị thập nguyên, tức 20 đồng bạc).
    - Hundred dollars - Cent piastres (Nhất bách nguyên, tức 100 đồng bạc).

    100 Dollars/Cent Piatres 15 avril 1885 SAIGON - TIỀN THU HỒI
    [​IMG]

    Bộ bạc giấy này phát hành tại hai chi nhánh: Sài Gòn in màu xanh, Hải Phòng in cùng kiểu nhưng màu đỏ, kèm theo 2 hàng chữ bằng 2 thứ tiếng "To be paid on demand to bearer - Payable en espèces au porteur", mặt sau cũng có hàng chữ Hán với nội dung tương tự, hàm ý: giấy tiền được thanh toán bằng số đồng tiền. Vì số tiền giấy được trả bằng bạc nên mỗi lần xuất kho một tờ thì đích thân Thủ quỹ Ngân hàng phải ký bằng tay trên tờ giấy bạc! Như vậy số lượng tiền giấy phát hành rất ít ỏi, chủ yếu là sử dụng đồng PDC nặng 27 gram bạc có ghi năm đúc trên đồng tiền.
     
    Last edited: 21/4/10
  2. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Tuy đã có sự thống nhất như vậy, nhưng một số đồng 5 Franc của Pháp, Bỉ và 5 Pesetas của Tây Ban Nha có ngân lượng sút hơn nên thị trường hối đoái 1 piastre hay 1 dollar ăn 1 đồng Mexicana nhưng phải đến 5,55 francs gây phiền toái trong thanh toán mậu dịch. Do vậy, ngày 3.10.1905, Bộ Tài chính Pháp ra nghị định "-Bắt đầu từ ngày 1.1.1906, cấm lưu hành trên toàn cõi Đông Dương các đồng tiền không do Ngân hàng Đông Dương phát hành, cấm xuất cảng các loại tiền bằng bạc và các thỏi bạc" đồng thời phát hành khoảng 10 triệu 200 nghìn đồng PDC và in lại hệ thống bạc giấy mới với hình thức như cũ nhưng chỉ một lối chữ Pháp cũng gồm hai cột song song: Une piastre - Une piastre,... Cent piastres - Cent piastres, sau đó thu hồi các loại bạc giấy trước cùng các đồng tiền ngoại nhập.
    Về các hệ thống xu lẻ của Cochinchine hoặc Indochine Franςaise bằng đồng, nhôm, nikel... có loại sapèque (5 sapèques = 1 cent) có hàng chữ Hán "Đại Pháp quốc chi An Nam" và 1 cent với hàng chữ Hán "Bách phân chi nhất"... sau này có thêm loại 1/4 cent, 1/2 cent, 1 cent, 5 cent...

    1 cent bronze 1895: Indochine
    [​IMG] [​IMG]

    Đặc biệt, để hoà nhập với tiền của triều đình Huế có giá trị "một quan là sáu trăm đồng" (tiền kẽm của Việt Nam), năm 1905, Chính quyền Bảo hộ Bắc Kỳ đã cho đúc tiền kẽm "Protectorat du Tonkin - 1905) với mặt sau có chữ Hán "Lục bách phân chi nhất - thông bảo" tức ăn tương đương 1 đồng tiền kẽm của Triều đình Huế!
    Sau khi trên thị trường Việt Nam đã ổn định hệ thống đồng bạc Piastre, ngân hàng lại tiến hành in đợt bạc giấy mới, mặt trước chỉ ghi một hàng 5 piastres, 20 piastres, 100 piastres và một số giấy bạc lẻ 10 cents, 20 cents và 50 cents để dần thay loại bạc giấy 2 cột kể trên.
    Vào những năm của thập kỷ 20, người Việt đã quen dùng đồng bạc, tiếng quốc ngữ lại bắt đầu phát triển và ảnh hưởng kinh tế thương mãi lan tận Lào, Cambodia, ngân hàng đã phát hành tờ giấy bạc mới mặt trước ghi chữ Pháp nhưng mặt sau ngoài chữ Hán còn có cả chữ Miên và hàng chữ Việt "Giấy bạc một đồng" kèm ký hiệu "1$" khởi đầu cho bạc giấy có ghi chữ Việt và chữ Miên.
    Tiếp đó là phát hành bộ ba tiền giấy "Năm bạc" con công, "Hai chục bạc" in tượng Bayon (Angkor - Cambodia) mà dân gian hay gọi là "giấy oanh" (Vingt) và "Một trăm bạc" độc lư; thời này đồng tiền ổn định có giá trị cao vì có hàng chữ "Payable..." và hàng chữ "Banque de l'Indochine" với chữ Indochine viết liền.
    Tờ 100 độc lư lưu hành khá lâu, phát hành 4 đợt qua chữ ký 4 đời Tổng Giám đốc, chỉ những đại phú hào quyền cao chức trọng mới có; đừng nói đến kẻ hạ lưu, ngay cả hạng trung lưu ra đường mà lăm le tờ "xăng" (cent - 100) đã bị mật thám kéo về Phòng Nhì hỏi do đâu mà có (!); chúng ta còn nhớ trong tác phẩm Tắt đèn, nhà văn Ngô Tất Tố cho hay chị Dậu đã bán 2 đứa con cùng đàn chó chỉ có được 2 đồng 7!

    100 ĐỈNH LƯ
    [​IMG]

    Năm 1929, kinh tế thế giới khủng hoảng, giá bạc không ổn định nên chính phủ Pháp không đúc đồng PDC nữa - chỉ đúc ngang năm 1928 với số lượng rất ít. Đến 31.5.1930, có sắc lệnh sửa đổi chế độ tiền tệ các ngân hàng thuộc địa chuyển sang kim bản vị, ấn định cho đúc đồng "1 Piastre" mới chỉ nặng 20 gram bạc tương đương 655 ly vàng (tức ăn 10 Francs vàng) đồng thời thu hồi đồng PDC.

    1 PIASTRE SILVER 1885 (loại 27,215 GR): INDOCHINE
    [​IMG]

    Và ngân hàng cho phát hành hệ thống tiền giấy mới "đồng vàng" như "Giấy một đồng vàng" gánh dừa, "Giấy năm đồng vàng" tượng đền Ankor, "Giấy hai chục đồng vàng" người phụ nữ dâng vương miện và cả "Giấy năm trăm..." mẹ bồng con (khung chữ màu trắng) nhưng chẳng thấy "vàng" đâu bởi không còn hàng chữ "Payable en espèces au porteur" (được thanh toán theo yêu cầu của người cầm tiền giấy) mà dự trữ vàng không đáp ứng đủ 1/3 số tiền giấy lưu hành nên chính phủ quy định muốn đổi giấy ra vàng phải có trên 80.000 đồng (ai mà có nổi)! Đến tháng 10.1936, Chính phủ Pháp sửa sắc lệnh 31.5.1930 định lại 1 piastre ăn 10 francs nhưng không cho đúc tiền bằng bạc nữa mà cho in tiền giấy, từ đó đồng tiền Đông Dương không phụ thuộc vào vàng mà phụ thuộc vào đồng franc bấp bênh tại Pháp. Các loại tiền giấy này lưu hành cho đến thế chiến thứ II thì kinh tế khó khăn, chính phủ Pháp bỏ luôn chế độ chuyển hoán: "giấy... vàng" không đổi ra vàng được nữa!
    Ngân hàng Đông Dương lại chuyển sang in hệ thống tiền giấy mới tại nhà máy in IDEO - Hà Nội (Imprimerie De l'Extrême Orient) cũng là đồng vàng hữu danh vô thực: "Giấy một đồng vàng" in hình thuyền buồn, "Giấy năm đồng vàng" in hình Nghinh Lương Đình (Huế), "Một trăm đồng vàng" cảnh chợ búa và "Giấy năm trăm đồng vàng" 2 loại giống hình nhưng khác màu rồng xanh - rồng vàng, chất liệu xấu...


    1 Piastre (ND 1942 -1945) - Loại 6 số (màu vàng)
    [​IMG]

    5 Piastres (ND 1942 -1945) - Loại màu xanh lá cây
    [​IMG]

    100 Piastres (ND 1942 -1945) - Loại mặt sau màu cam
    [​IMG]

    500 Piastres (ND 1944 -1945) - Loại màu đen
    [​IMG]
     
    Last edited: 20/4/10
  3. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    II. Chiến tranh loạn ly, tiền tệ rối rắm...


    * Bao giờ lúa mọc trên chì ?

    Nước Pháp bị phát xít chiếm đóng, chính phủ Pháp tự do lưu vong sang Anh, trụ sở Ngân hàng Đông Dương ở Paris ngưng hoạt động. Ở Đông Dương, quân Nhật bắt đầu đánh chiếm...
    Năm 1941, theo yêu sách của Nhật, ông Jean Cousin (Giám đốc Tài chính Đông Dương) cùng một đại diện của chính phủ Vichy (chính phủ Pháp đã hàng phát xít) đến Tokyo ký hiệp ước ngày 6.5.1941 về kinh tế tài chính, ấn định đài thọ tiền chi phí cho quân đội Nhật đồn trú trên đất Đông Dương. Phủ Toàn quyền chính phủ Đông Pháp cho phát hành các loại tiền giấy "Gouvernement General de l'Indochine" (không dùng chữ "Banque de l'Indochine") đợt trước gồm các loại 10 cents in hình con voi, 20 cents, 50 cents... có hàng chữ "Payables au porteur en Indochine en espèces" (hàm ý chỉ có giá trị sử dụng ở Đông Dương - vấn đề này sẽ giải thích thêm ở sau phần các đơn vị tiền tệ của Ngân hàng Đông Dương), đợt sau gồm "một hào, hai hào, năm hào"; còn tiền đúc thời này không còn bằng bạc mà bằng chì gồm 5 cent, 10 cent, 20 cent, 1 piastre in hình bó lúa nên dân gian có sấm
    truyền:

    Bao giờ lúa mọc trên chì,
    Voi đi trên giấy còn gì "thầy Tăng"!

    Số tiền đài thọ cho quân đội Nhật ấy, tính đến ngày 9.3.1945 là 730 triệu piastre, tiền tệ lạm phát một cách kinh khủng, thậm chí một serie tiền giấy có in trùng số đến hai hoặc ba lần làm khối lượng tiền giấy tăng thêm 13 lần: từ năm 1937 là 151 triệu 300 nghìn đồng, đến tháng 7.1945 số bạc giấy lưu hành là 1 tỷ 955 triệu 300 nghìn đồng. Cùng lúc đó, các loại tiền của Nhật cũng lưu hành khắp thị trường Đông Dương gồm các tờ giấy bạc 50 sen, 1 yen, 5 yen, 10 yen... có ghi hàng chữ Nhật: "Chính phủ đế quốc Đại Nhật Bản" với hối suất 1 yen ăn 1 piastre.
    Ngày 9.3.1945, sau khi đảo chánh Pháp, Chính phủ Nhật đặt đại biểu thế chân người Pháp điều hành NHĐD hoạt động như cũ, đã cho in tại Nhật loại tiền "Giấy một đồng vàng, Giấy năm đồng vàng" chất liệu khá tốt, sử dụng lại hàng chữ "Banque de l'Indochine" trang trí hình nông dân cày ruộng trồng lúa với ý nghĩa nền nông nghiệp khối "Đại Đông Á" nhưng chiến tranh loạn ly chưa phát hành được thì phát xít Nhật thảm bại, mãi đến năm 1951 thì 2 loại tiền giấy này mới được khối Đồng minh đề nghị cho phép phát hành!.
    Mùa thu năm 1945, phát xít đầu hàng, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) ra đời, quân Đồng minh tái chiếm Đông Dương...

    * Bạc Đông Dương: người thương, kẻ ghét...

    Mùa đông năm ấy, quân đội Trung Hoa kéo sang Bắc Việt để giải giáp quân đội Nhật ở trên vĩ tuyết 16, đã đem theo tiền giấy "Quan kim" in hình Thống chế Tưởng Giới Thạch, rồi tự ấn định 1 quan kim ăn 1,5 piastre, tung ra mua hàng hoá ở các vùng họ đi qua, vật giá từ đó cao vọt lên. Tại những tỉnh lớn như Hà Nội có nạn đầu cơ mua bán các thứ tiền ấy làm tình hình tiền tệ trở nên nổi loạn... Cũng may, mùa hạ năm 1946, quân Tưởng bắt đầu rút về nước thì nạn quan kim cũng giảm dần: 1 quan kim chỉ còn ăn khoảng 3 hào Đông Dương, và rồi mất hẳn!
    Ở Nam Việt, cuối năm 1945, theo dấu chân Đồng minh Anh - Mỹ, quân Pháp tái chiếm Saigon đã tung ra tờ 100đ độc lư mới in lại tại Pháp bằng hình thức giấy mỏng hơn trước đây. Ngày 25.12 Chính phủ Pháp tự ấn định lại giá 1 piastre ăn 17 franc Pháp, 7 piastre ăn 1 dollar Mỹ; đồng thời cho phát hành các loại tiền giấy mới in ở Anh và Mỹ (dùng lại chữ"Banque de l'Indochine") gồm "Giấy một đồng vàng, Giấy năm chục đồng vàng, Một trăm đồng vàng... chất liệu tốt như dollar xanh, có loại serie "Une piastre" có hàng chữ "American Bank Note Company" (Công ty tiền giấy Hoa Kỳ)... Các loại tiền cũ của NHĐD trước đây vẫn sử dụng lại, làm các đại phú hào lại một phen đầu cơ tích trữ...

    * Bạc Cụ Hồ: kẻ nhét, người thu...

    Sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945, nhu cầu chi tiêu của Nhà nước non trẻ VNDCCH mới ra đời rất lớn, nhưng chính phủ cách mạng không chiếm được NHĐD mà chỉ tiếp quản Ngân khố Trung ương lúc đó còn vỏn vẹn có 1.250.000 piastre, trong đó có 580.000 đồng là tiền hào rách nát chờ hủy! Để khắc phục khó khăn, ngày 4.9.1945 , Chính phủ ra sắc lệnh "Tổ chức Quỹ Độc lập" vận động nhân dân đóng góp trong Tuần lễ vàng từ ngày 17 đến ngày 24.9.1945 đã thu được 20 triệu đồng. Hội đồng Chính phủ dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều phiên họp... chỉ kể từ 20.9 đến 31.12.1945 đã họp 78 lần trong đó có 31 lần bàn về tài chính...
    Ngày 31.1.1946, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 18.SL cho phép Bộ Tài chính phát hành "Giấy bạc Việt Nam" ở nam Trung Bộ từ vĩ tuyến 16 trở xuống. Các loại tiền này in trên giấy bổi bằng vỏ cây xay do Sở ấn loát Tài chính Trung Bộ cùng Uỷ ban Tổng phát hành Giấy bạc Việt Nam in ấn. Nơi chọn phát hành đầu tiên là các tỉnh nam Trung Bộ vì ở đây không có quân đội nước ngoài chiếm đóng, chính quyền cách mạng hoàn toàn làm chủ và phong trào cách mạng của quần chúng rất mạnh. Tiền Tài chính này dần lan ra Hà Nội nên ngày 13.8.1946 có sắc lệnh số 154.SL cho phép phát hành "Giấy bạc Việt Nam" tại bắc Trung Bộ trên vĩ tuyến 16, lưu hành song song với tiền giấy NHĐD cũ với tỷ giá 1:1.
     
    Last edited: 20/4/10
  4. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Ngày 23.9.1945, phản đối quân Pháp trở lại Việt Nam nên toàn dân Nam Bộ kháng chiến, vì chưa có tiền riêng để sử dụng, Uỷ ban Hành chánh Cách mạng các tỉnh ở miền Nam như Biên Hoà, Long Xuyên, Châu Đốc, Tiền Giang, Bến Tre, Chợ Lớn, Long Phước, Rạch Giá, Hà Tiên... đã dùng tiền giấy của NHĐD nhưng đóng dấu đỏ thị thực của vùng cách mạng quản lý để sử dụng. Những tờ giấy bạc có đóng dấu cách mạng này rất có giá trị lịch sử!.
    Tuy nhiên, người Pháp vẫn xem vấn đề tiền tệ thuộc chủ quyền của mình nên ngày 17.11.1945, Cao uỷ Pháp là Đô đốc Bá tước D'Ărgenlieux tuyên bố huỷ bỏ giấy 500 đồng vàng (rồng xanh - rồng vàng) cho rằng được in thời chính phủ thân Nhật nên không còn giá trị sử dụng. Sự giao thiệp về vấn đề tiền tệ giữa hai chính phủ Pháp - Việt trở nên gay go có lúc đổ máu như đầu năm 1946, người Pháp đã bắn vào dân Hà Nội biểu tình phản đổi sự huỷ bỏ giấy 500 đồng.
    Từ đó, chính phủ Việt Nam thì phản đối việc Pháp cho phát hành thêm tiền mới, còn chính phủ Pháp thì tuyên bố không chịu trách nhiệm gì về tiền do Việt Nam in ra! Khắp Việt Nam và cả ở Lào cùng Cambodia nguyên vị tiền tệ Pháp - Việt chưa được thoả thuận nhưng ở Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau (từ ngày 6.7 đến ngày 13.9.1946) hai chính phủ đã thỏa thuận nguyên tắc là giá trị đồng bạc Đông Dương so với đồng franc sẽ do hai bên ký kết! Đến đầu tháng
    12.1946, trong một cuộc họp riêng ở Hà Nội, trao đổi ý kiến giữa hai chính phủ đều cho rằng vấn đề tiền tệ có thể dung hoà được nếu các vấn đề khác giải quyết xong...
    Nhưng ngày 19.12.1946, tiếng súng bùng nổ... Bác Hồ kêu gọi... Toàn quốc kháng chiến... Trong vùng Pháp kiểm soát, cấm lưu hành tiền giấy Hồ Chí Minh...
    Bạc Đông Dương: kẻ thương người ghét, Bạc Cụ Hồ: người nhét kẻ thu,
    Ra tay ta chống quân thù, Dù cho bây có đốt hết,
    Bạc chiến khu lại ... chở về !

    * Voi đi trên giấy: thằng Tây mới về !

    Từ 1947, trong các vùng do quân đội Pháp chiếm đóng, các loại tiền của
    NHĐD cũ vẫn sử dụng cùng loại tiền mới phát hành. Nhưng đến tháng 10 năm
    1947, Pháp lại tuyên bố huỷ bỏ loại tiền giấy 100 đồng in ở Hà Nội thời Nhật.
    Đồng thời cho phát hành thêm một đợt tiền giấy mới gồm "Giấy mười đồng",
    "Giấy hai chục đồng vàng" in hình người phụ nữ dâng vương miện như đợt trước và "Giấy năm trăm đồng" mẹ bồng con như trước nhưng có khung chữ màu đỏ.

    Giấy bạc "mẹ Bồng Con" - Loại Khung chữ màu đỏ
    [​IMG]

    Đặc biệt, để bù vào tiền giấy 100 đồng đã huỷ bỏ trên, NHĐD in thêm "Một trăm bạc" mới có thằng quản tượng và con voi; và đến Năm 1951 thì in "Giấy một ngàn đồng" cũng có con voi, khi linh kiện tiền giấy 1000 đồng này đưa xuống cảng Marseille để chở sang Đông Dương thị bị hải tặc tấn công cướp tàu cùng tiền. Chính phủ Pháp ra sắc lệnh khắp các chi nhánh NHĐD trên thế giới không phát hành tiền giấy 1000 đồng này, bất cứ ai có trong tay đều bị bắt và thu hồi! Sau 40 năm tìm kiếm, chính phủ Pháp công bố đã thu hồi lại được số tiền giấy này, chỉ sót một vài tờ ...

    1000 Piatres (1948) - SPECIMEN No 170
    Mẫu này không phát hành
    [​IMG]

    Ngoài việc phát hành tiền đơn vị Piastre, giai đoạn đầu còn có tiền giấy Dollar như đã kể trên, NHĐD còn có các chi nhánh ở Djibouti (Somali), New Caledoni, Nouméa, Tahiti, Tangier, New Herbriges, Pondichery (Ấn Độ) và phát hành các loại tiền Franc cho các thuộc địa Pháp, đơn vị Roupie cho Ấn Độ. Các loại tiền giấy này vẫn có hàng chữ lớn "Banque de l'Indochine" hình thức trang trí tương tự các loại tiền giấy ở Đông Dương, chỉ khác ở đơn vị tiền tệ; như vậy, tất cả các loại tiền của NHĐD đều có thể lưu hành trên tất cả các thuộc địa Pháp, chỉ có hối đoái theo đơn vị tiền tệ. Một cụ già sống thời Pháp cứ thắc mắc rằng thời xưa đã từng cầm tờ bạc 20 đồng con công! Nhưng tiền Đông Dương thì chỉ có 5 đồng con công như đã kể trên... Sau này tôi mới hiểu ra và giải thích đó là tờ 20 francs in hoàn toàn giống tờ 5 piastre con công ở Đông Dương! Vào khoảng những năm 1980, giới buôn cổ vật lại đồn ầm lùng sục tờ "5 độc lư" với "-giá mấy cũng mua ! ". Cha tôi bảo chưa bao giờ nghe và thấy tờ 5 độc lư! Sau này tôi mới nghiệm ra có lẽ đó là tờ 50 roupies rất hiếm, hình hoàn toàn giống tờ 100 piastres in hình độc lư dùng tại Đông Dương!.
    Cuối tháng 9.1948 theo Hội nghị Pau ở Pháp được tổ chức giữa Pháp - Việt - Miên - Lào, Quốc hội Pháp phê chuẩn đạo luật thu hồi quyền phát hành tiền tệ của NHĐD. Sau này Banque de l'Indochine phối hợp với công ty kênh đào Suéz lập ra ngân hàng Indo -Suéz!.
    Sau khi thành lập Liên bang Đông Dương (Việt - Miên - Lào) trong khối Liên hiệp Pháp, đến năm 1952, chính phủ Pháp lập ra Viện phát hành Liên quốc (Institut d'Emission des Etats de Cambodge, du Laos et du Vietnam) do một giám đốc người Pháp và Ban quản trị gồm 6 người Pháp, 2 người Việt, 2 người Lào và 2 người Miên điều khiển, toàn quyền phát hành tiền giấy trên lãnh thổ các quốc gia hội viên.
    Đầu tiên cho in lại giấy "Một đồng" gánh dừa nhưng thay hàng chữ Banque de l'Indochine bằng hàng chữ "Institut....", mặt lưng không còn chữ Hán mà chỉ 3 thứ tiếng Việt - Miên - Lào.
    Về sau thì mỗi lần phát hành tiền giấy sẽ in bộ 3 tờ mặt trước hoàn toàn giống nhau nhưng 3 mặt sau in hình 3 nước như có loại "Une piastre": "Giấy một đồng" của Việt Nam in hình Quốc trưởng Bảo Đại, 1 Riel của Cambodge in Quốc vương Sihanouk, 1 Kip của Lào in Quốc vương Sisavang Vong.
    Dần dần phát hành thêm các bộ ba tiền giấy 1đ, 5đ, 10đ và 100đ ba cô có 3 mặt sau in hình ảnh của mỗi nước, còn mặt trước thì hoàn toàn giống nhau chỉ khác ngoài chữ ký của giám đốc thì mỗi loại sẽ có chữ ký đại diện của mỗi nước. Tuy mang hình ảnh riêng của mỗi nước hội viên nhưng tất cả đều có giá trị lưu hành cả 3 nước với hối suất: 1 piastre = 1 đồng = 1 riel = 1 kip.
    Và đặc biệt năm 1954, Viện phát hành đã cho in tiền giấy 200đ mặt trước như tờ 1000đ bị cướp trước đây, tức "voi đi trên giấy..." thì ngày 7.5.1954, Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ, chấm dứt nền đô hộ trăm năm...
     
    Last edited: 20/4/10
  5. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    III. Các hệ thống tiền của nhà nước dân chủ cộng hoà


    * Từ ''Giấy bạc Việt Nam"...

    Như đã nói ở trên, năm 1946 Hồ Chủ tịch đã ra sắc lệnh phát hành tiền tài chính thường có hàng chữ "Giấy bạc Việt Nam", quốc hiệu nước VNDCCH và chân dung Bác (thường có hàng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh") mang những hình ảnh chống giặc dốt, chống giặc đói, chống ngoại xâm, liên minh công - nông - binh.... Trên tờ giấy bạc, ngoài chữ Việt và chữ Hán, thỉnh thoảng còn có thêm chữ Miên - Lào với chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính là Lê Văn Hiến hoặc Phạm Văn Đồng và chữ ký của Giám đốc Ngân khố Trung ương cùng hàng chữ "Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành đồng phá hoại tờ giấy bạc của Chính phủ, sẽ bị trừng trị theo quân pháp".
    Tiền giấy gồm các loại 20 xu, 50 xu, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng và 100 đồng. Riêng tiền 5 đ, 20đ và 100đ, có nhiều loại khác nhau do in ở các vùng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Giấy bạc Việt Nam tuy kỹ thuật in thô sơ, chất liệu xấu nhưng vẫn được nhân dân hoan nghênh đón tiếp, đem tiền NHĐD đến đổi với tỉ giá 1 : 1, nhiều tờ giấy đã rách nát nhưng dân chúng vẫn truyền nhau
    "-Còn cái râu Cụ Hồ là còn tiêu! ".

    Về tiền đúc thì có 20 xu, 5 hào, 1 đồng và 2 đồng: xưởng dập tiền đồng được thành lập tại Văn Thánh (Huế) còn ở Hà Nội thì cơ sở dập tiền nhôm dưới nhà bát giác của Bảo tàng Lịch sử (Bác cổ).
    Sau ngày toàn quốc kháng chiến, tiền tài chính đã lưu hành rộng rãi khắp các miền đất nước nên ngày 15.5.1947 có sắc lệnh số 48.SL cho phép phát hành trên toàn cõi Việt Nam những giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 50 đồng, 100 đồng,
    200 đồng và 500 đồng. Tuy nhiên, chiến sự khắp nơi làm việc liên lạc giữa các địa phương và Trung ương gặp nhiều trở ngại nên...
    Ở Trung bộ (Liên khu 5) theo sắc lệnh số 231, ngày 18.7.1947 cho phép phát hành các loại tín phiếu ghi quốc hiệu VNDCCH và hình ảnh Bác Hồ nhưng có hai chữ ký: Phạm Văn Đồng ký "Đại diện Chính phủ Trung ương" và một chữ ký của "Đại diện Uỷ ban Hành chánh Trung bộ" gồm các loại 1đ, 5đ, 20đ, 50đ, 100đ,
    500đ và 1000đ với hình thức tương tự Giấy bạc Việt Nam nhưng được thay bằng chữ "Tín phiếu".

    Tín phiếu 1 đồng - Loại Giấy Mỏng
    [​IMG]

    Ở Nam Bộ, ngày 1.11.1947, có sắc lệnh số 102.SL cho phép phát hành các loại tín phiếu, ta thấy các loại "Tín phiếu, Phiếu tiếp tế, Phiếu đổi chác..." của riêng từng tỉnh và chỉ lưu hành trong tỉnh đó như ở Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Hà Tiên... với 2 chữ ký là của Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh và Trưởng ty Ngân khố. In hình Bác Hồ và các cảnh sinh hoạt, tuy kỹ thuật in thô sơ nhưng đầy ý nghĩa vì thường có hàng chữ cổ động (có thể in cùng lần với tín phiếu hoặc cũng có thể in đè lên thêm khi phát hành) như "Toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm - Tích cực chuẩn bị phản công - Thi đua lập chiến công - Thi đua ái quốc - Một nước Việt Nam độc lập, một chính phủ Hồ Chí Minh...".


    Tín Phiếu 5 Đồng Tỉnh Thủ Biên
    [​IMG]

    Đến ngày 21.3.1948, chính phủ ra sắc lệnh số 147.SL cho phép phát hành tại Nam Bộ và lưu hành trên toàn quốc Giấy bạc Việt Nam, rồi ngày 14.4.1948 đình chỉ lưu hành tiền đồng thời phong kiến; và ngày 30.4.1948 thì Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh tuyên bố các loại tiền giấy bạc của NHĐD đều không có giá trị trong vùng cách mạng.
    Cuối năm 1948, chiến sự căng thẳng, lại do Hoa kiều ở Chợ Lớn giả Giấy bạc Việt Nam của Trung ương nên Uỷ ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ (UBKCHCNB) quyết định ấn loát tại chỗ và phát hành loại giấy bạc Nam Bộ.
    Loại giấy này chất liệu khá tốt, cũng có ghi quốc hiệu VNDCCH, chân dung Bác Hồ, hàng chữ "Giấy bạc Việt Nam" và hàng chữ "Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam..." Riêng về " Đại diện Bộ trưởng Bộ Tài chính" thì do "Chủ tịch UBKCHCNB" tức ông Phạm Văn Bạch ký, còn "Đại diện Bộ trưởng Bộ Tài chính" thì do "Giám đốc Ngân khố Nam Bộ" tức ông Trần Học Hải ký. Trên tiền giấy cũng có cả chữ Hán, Miên, Lào, bao gồm các loại 1đ, 5đ, 10đ, 20đ, 50đ,
    100đ; ta thấy giấy 50đ có đến 3 loại, còn tiền 100đ thì có đến 4 loại, như vậy tuy chiến tranh nhưng tiền tệ được in ra cũng rất phong phú... Có một số loại cho biết chỉ lưu hành hạn hẹp trong một số tỉnh nên có thêm hàng chữ "Chỉ lưu hành trong tỉnh Long - Châu - Sa" (Long Xuyên - Châu Đốc - Sa Đéc) hoặc "Chỉ lưu hành trong tỉnh Mỹ Tho..."

    Phiếu Tiếp Tế 2 Đồng (chỉ lưu hành trong tỉnh Long Châu Tiền)
    [​IMG]
    [​IMG]

    nhưng điều lưu ý là tất cả "Giấy bạc Việt Nam" đều có chân dung Bác Hồ nên dân gian gọi là "Bạc giấy Cụ Hồ" và đều có chữ ký hoặc đại diện Bộ trưởng Bộ Tài chính nên cũng gọi là "Tiền Tài chính"...
    Sau khi ở miền Bắc đã thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam vào năm 1951 thì ngày 21.9.1953, Nghị định số 39-NĐ/53 của UBKCHCNB cho thành lập Ngân hàng Nhân dân Nam Bộ do ông Trần Ngọc Hải làm Giám đốc còn Phó Giám đốc là ông Trần Dương, cán bộ của Trung ương do anh Cả - tức Nguyễn Lương Bằng - cử vào Nam từ năm 1951. Đầu năm 1954, Nam Bộ chủ trương in giấy bạc 200đ và 500đ, đến giữa năm thì in xong loại 200đ chưa kịp phát hành thì Hiệp định Genève được ký kết, loại 500đ còn trên bản vẽ... Hai loại giấy tiền này catalog tiền giấy quốc tế cũng như sách 100 năm tiền giấy Việt Nam đều không nhắc đến và không có hình, nhưng trong một tập báo riêng của cha tôi (không rõ cắt dẫn từ đâu) có in những tờ giấy bạc Nam Bộ, tình cờ tôi chú ý thấy có tờ 500đ và 200đ có hàng chữ "Ngân hàng Nhân dân Nam Bộ" !.
     
    Last edited: 20/4/10
  6. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    * Đến tiền của Ngân hàng Quốc gia và Ngân hàng Nhà nước.
    Sau thắng lợi Chiến dịch Biên giới 1950, ngày 6.5.1951, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 15.SL cho thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (NHQGVN) có nhiệm vụ: "Phát hành giấy bạc ngân hàng, điều hoà lưu thông tiền tệ - Quản lý ngân quỹ quốc gia, quản lý ngoại tệ. - Quản lý kim dụng bằng các thể lệ hành chính. - Đấu tranh tiền tệ với địch". Sau khi khánh thành ngân hàng, Bác nói: "-Thành lập được Ngân hàng Quốc gia và phát hành giấy bạc Ngân hàng là thắng lợi của ta về kinh tế".
    Ngày 12.5.1951, có sắc lệnh số 19.SL cho phép NHQGVN phát hành 2 loại giấy bạc 20đ và 50đ, đồng thời thêm sắc lệnh số 20.SL ấn định giá trị 1 đồng do NHQGVN phát hành ăn 10 đồng tiền do Bộ Tài chính in trước đây. Việc đổi tiền mới bắt đầu tiến hành từ ngày 1.6.1951.
    Ngày 25.5.1951, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 97.TTg quy định những chi tiết tổ chức NHQGVN, sau đó đến ngày 20.7 thì có thêm Nghị định 107.TTg cho thành lập "Kho bạc Nhà nước" đặt trong NHQGVN trực thuộc Bộ Tài chính; và đến ngày 12.9 thì thành lập Ngân hàng Liên khu 5.
    Ngày 20.9.1951, có sắc lệnh số 51.SL cho phát hành tiền giấy 100đ.
    Ngày 25.5.1952, sắc lệnh số 92.SL quy định việc phát hành các loại giấy bạc của NHQGVN. Một năm sau, tức ngày 20.5.1953 thì có sắc lệnh số 162.SL quy định lấy đồng bạc của NHQGVN làm đơn vị, do đó cùng ngày, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 269.TTg đình chỉ lưu hành các loại tiền tài chính 100đ, 200đ và 500đ.
    Tóm lại, giai đoạn này, năm 1951 NHQGVN có in loại 10đ màu đà không hiểu lý do gì mà không phát hành, 20đ 2 loại in giống nhau nhưng 2 màu xanh lục và đỏ tía, 50 đ 2 loại: màu lục và màu nâu; 100đ 2 loại: xanh dương và xanh lục; 200đ 2 loại: màu đỏ và xanh lục; 500đ chỉ một loại màu xanh lá cây; 1000đ chỉ một loại màu gạch và 5000đ chỉ một loại màu xanh rêu. Hệ thống tiền in tại Tiệp Khắc chỉ ghi bằng 2 thứ chữ Việt và Hán song song, mặt trước có quốc hiệu VNDCCH, chân dung Bác Hồ, không có chữ ký nào mà chỉ 2 khuôn dấu tròn của Giám đốc và Phó Giám đốc NHQGVN; mặt sau có hàng chữ NHQGVN, năm in
    1951, các hình ảnh công - nông - binh cùng sản xuất hoặc quân đội đang chiến đấu... riêng tờ 5000đ thì ghi in năm 1953; còn 10đ thì không ghi năm in, sau này được lưu hành tạm thời với dấu in đè "1 xu".
    Sau Hiệp định Genève, miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, hệ thống tiền vừa kể vẫn tiếp tục được sử dụng. Hoà bình lập lại, ngày 20.1.1955 Chính phủ ra Nghị định số 443.TTg cho thành lập Sở quản lý Ngoại hối thuộc NHQGVN; và cuối tháng 5.1955 thì thu hồi toàn bộ tiền Đông Dương cũ trên toàn miền Bắc.
    Năm 1958, NHQGVN cho in hệ thống tiền mới: tiền đúc thì có 1 xu, 2 xu, 5 xu bằng nhôm; tiền giấy thì có 1 hào màu đỏ, 2 hào màu lục, 5 hào màu đà, 1 đồng màu đỏ, 2 đồng màu xanh dương, 5 đồng màu tím than và 10 đồng màu đỏ. Đến ngày 27.2.1959 thì có sắc lệnh số 15.SL cho phép NHQGVN phát hành tiền mới in thu đổi tiền cũ với tỉ giá 1 đồng mới ăn 100 đồng tiền cũ. Hệ thống tiền mới mặt trước ghi quốc hiệu VNDCCH, luôn có quốc huy và nơi phát hành là NHQGVN, không có chữ ký hoặc khuôn dấu gì; mặt sau ngoài ghi giá trị tờ giấy tiền còn có ghi năm in là 1958. Cả hai mặt đều in hình ảnh xây dựng đất nước và phong cảnh miền Bắc, riêng tờ 5đ và 10đ thì có thêm chân dung Bác Hồ ở mặt trước.
    Ngày 1.1.1960, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh công bố Hiến pháp mới của nước VNDCCH; theo đó, ngày 20.1.1960 có thông tư số 20.VP.TH của Tổng Giám đốc NHQGVN quy định gọi lại NHQGVN là "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam" (NHNNVN), trụ sở của ngân hàng trung ương này đã dùng lại NHĐD chi nhánh tại Hà Nội trước đây, rất đồ sộ (địa chỉ hiện nay là 49 Lý Thái Tổ - Hà Nội). Tuy nhiên, hệ thống tiền phát hành năm 1959 vẫn tiếp tục sử dụng và sau này vào những năm 1970 thì cho phát hành thêm tiền giấy 2 xu, 5 xu màu tím hoa cà, 1 hào màu đỏ tía và 2 hào màu lục với hàng chữ NHNNVN...
    Trong quá trình phá hoại kinh tế miền Bắc, đế quốc Mỹ đã cho in các loại tiền giả 1đ, 2đ và 5đ cho máy bay rải khắp miền Bắc. Riêng loại tiền giả 1đ có in thêm đuôi kèm 2 mặt chữ in những lời rất phản động: "-Đảng thì vung phí tiền của đồng bào vào một cuộc chiến tranh tuyệt vọng. Khi chiến tranh còn tiếp diễn, sẽ chẳng có gì mấy để mua. Chiến tranh thì tàn phá quê hương đồng bào. Tiền đồng bào để dành sẽ trở nên vô giá." Còn mặt sau thì ghi: "-Hãy coi chừng một cuộc cải cách tiền tệ nữa. Các bạn có thể mất tất cả tài sản, công lao mồ hôi nước mắt của bạn"... nhưng khi đó, nền kinh tế miền Bắc đã vững mạnh, nạn tiền giả này không làm xảy ra tai biến gì, ngược lại, hệ thống tiền vừa kể vẫn tiếp tục lưu hành ổn định cho đến ngày thống nhất đất nước...
     
    Last edited: 20/4/10
  7. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    IV. MIỀN NAM: MỘT CHÍNH TRƯỜNG RẦM RỘ, MỘT VÙNG ĐỦ THỨ TIỀN TỆ:
    * Ngân hàng Quốc gia của Chính quyền Saigon thành lập:
    Sau hiệp định Genève ngày 20.7.1954, đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền ở vĩ tuyến 17 với "Cầu Hiền Lương là giới tuyến tạm thời"... Một hiệp ước 4 nước giữa Pháp - Việt (chính quyền Saigon) - Lào - Campuchia ký kết ở Paris ngày 29.12.1954 để giải thể Viện Phát hành Liên quốc. Tài sản của Viện được chia cho
    3 nước thành viên để tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương mới của mỗi nước có thể bắt đầu hoạt động. Riêng với Việt Nam thì số tài sản đó chuyển cho chính quyền Saigon ở phía Nam vĩ tuyến 17, tức chế độ Việt Nam Cộng hoà (VNCH).
    Ngày 30.12.1954., Saigon đã ký Hiệp ước với Pháp đặt đồng tiền miền Nam lệ thuộc vào đồng franc, định giá 1 đồng miền Nam bằng 10 francs.
    Ngày 31.12.1954, chính quyền Saigon ra Dụ 48 cho thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (NHQGVN) bắt đầu hoạt động kể từ 1.1.1955, được đặc quyền phát hành tiền giấy và tiền đúc với trữ tệ bằng vàng và ngoại tệ ít nhất bằng 33% tổng số tiền mặt lưu hành. Trụ sở của NHQGVN lấy lại chi nhánh NHĐD tại Saigon trước đây, cũng rất đồ sộ (địa chỉ hiện nay là 17 Bến Chương Dương - Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
    Do sự cam kết nói trên, trong năm 1955, Pháp đã chi 36 tỉ francs để mua 3,6 tỉ đồng miền Nam trang trải công việc của Pháp tại Saigon, còn các ngoại tệ của chính quyền Saigon có được đều cũng đổi ra đồng franc gởi ở Ngân hàng hoặc Ngân khố Pháp.
    Ngày 1.1.1955, bắt đầu sử dụng đồng tiền mới của chế độ Saigon, nhưng đến ngày 30.9 mới tiền hành đổi bạc, kết thúc ngày 7.11 thu hồi 5.701 triệu đồng gồm
    5.553 triệu đồng NHĐD và 148 triệu đồng tiền giấy Liên bang. Lúc đó NHQGVN phát hành các loại tiền giấy 1đ, 5đ, 10đ, 20đ... hai mặt đều có hàng chữ NHQGVN, có hình chìm đầu con hổ trong tờ giấy, trang trí những hình ảnh người Việt đất Việt cùng hai chữ ký của người Tổng kiểm tra và Thủ quỹ Trung ương, kèm theo hàng chữ "Hình luật phạt khổ sai những kẻ nào làm giả mạo giấy bạc do NHQGVN phát ra". Vào cuối thời gian này, ngân hàng đã cho in thử tiền giấy 1000 đồng, mặt trước hình ảnh cụ già và đền Hùng ở Thảo Cầm Viên (Saigon) còn mặt sau là hình ảnh người phụ nữ và chiếc thuyền buồn trên sông, cả hai mặt đều có ghi chữ "giấy mẫu" nên série tiền chưa có số tức là chỉ số 000, nhưng sau đó không dùng loại tiền này, "giấy mẫu" đã được các nhà sưu tập lưu giữ được...
    Ngày 17.12.1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã tuyên bố hiệp ước tiền tệ với Pháp (ngày 30.12.1954) sẽ không còn hiệu lực sau năm 1955, đồng thời ban hành một đạo dụ ấn định 1 đồng Saigon ăn 0,02857 dollar Mỹ tức là 1 dollar ăn 35 đồng Saigon, thế là đồng tiền Saigon từ chỗ lệ thuộc đồng franc của Pháp nay chuyển sang lệ thuộc đồng dollar Mỹ...
    Vì thế, cũng trong những đợt đầu phát hành tiền giấy Saigon ta thấy các loại 1đ, 2đ, 5đ, 10đ, 20đ, 50đ, 100đ, 200đ và 500đ in ở Công ty Tiền giấy An ninh Hoa Kỳ (Security Bank Note Company - SBNC) rất đẹp, mặt trước có chữ "Việt Nam" rất nổi có hàng chữ NHQGVN, 2 chữ ký của Thủ quỹ Trung ương và Tổng kiểm tra, mặt sau cũng có chữ "Việt Nam" và hàng chữ "Hình phạt khổ sai...", phía dưới bìa tờ giấy tiền có ghi chú hàng chữ đầy đủ "SBNC". Cả hai mặt đều trang trí hình ảnh đất Việt trời Nam: Nông dân cày ruộng trồng lúa, làng xóm... Đặc biệt tờ 100đ tuy không có hàng chữ SBNC những in màu xanh với hình chiếc xe cày, khuôn khổ giống tờ dollar xanh mà dân gian hay gọi 100 xe cày - ”cày" với nghĩa bóng có giá trị rất lớn!

    [​IMG]

    Còn tờ 500đ mặt trước cũng màu xanh (mặt sau màu gạch), cũng không có hàng chữ SBNC lại in hình tháp Phước Duyên chùa Linh Mụ (Huế) rất đẹp. Đó là tiền giấy giai đoạn 1955 - 1956, in khoảng 13 tỉ đồng trong đó 9 tỉ tiền lưu hành và 4 tỉ lưu trữ ở các ngân hàng.

    [​IMG]

    Năm 1958, ngân hàng cho phát hành tiền giấy "Hai trăm đồng" màu xanh dương, mặt trước có huy hiệu cây trúc cùng hàng chữ VNCH trong vòng tròn, còn hình ảnh lớn là NHQGVN; mặt sau in hình đoàn thuyền đánh cá. Đến năm 1962, phát hành thêm tiền 500đ màu xanh có hình chìm chân dung Tổng thống Diệm, mặt trước là ảnh lớn Phủ Tổng thống (tức Phủ Toàn quyền của Pháp trước đây đã được sửa chữa lại), có chữ ký của người Tổng kiểm tra như cũ nhưng không còn chữ ký của Thủ quỹ Trung ương mà thay bằng Giám đốc Sở phát hành; còn mặt sau in hình người nông dân cùng 2 con trâu đang kéo cày.
    Riêng tiền đúc thì năm 1960 có phát hành 50 su bằng nhôm và 1đ bằng nikel có hình ảnh đều giống nhau: mặt trước ghi quốc hiệu VNCH và chân dung Ngô Tổng thống, mặt sau ghi năm đúc, giá trị đồng tiền cùng hình ảnh cây trúc biểu tượng của người quân tử... Đến năm 1963 cho đúc lại tiền nhôm 50xu (thay chữ "su" bằng "xu") với hình thức trang trí như cũ nên dân gian đồn ầm "Trúc - Diệm, Diệm - Trúc!" và quả thật cuối năm 1963, đảo chánh xảy ra: Tổng thống Ngô Đình Diệm bỏ mình...
    Sau đảo chính, Thủ tướng Nguyễn Khánh lên chỉnh lý, nội bộ chính quyền Saigon thì nhiều phe phái, còn bên ngoài thì lực lượng cách mạng Biệt động Saigon của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam hoạt động rầm rộ... Trước tình hình đó, tháng 11.1964, Mỹ đưa ra kế hoạch Staley - Taylor hòng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, chi phí cho chiến tranh tăng, ngân sách càng bội chi: năm 1960 chi 15 tỉ cho quân sự, đến năm 1964 lên 30 tỉ đồng!. Khối lượng tiền lưu hành tăng từ năm 1960 chỉ 18 tỉ đến năm 1964 lên 83 tỉ đồng!. Do vậy, năm 1964, NHQGVN tiến hành in những đợt tiền mới: 1đ xe cày có hình chìm cây trồng, 20đ cá hóa long màu xanh rêu có hình chìm đầu rồng và 500đ màu nâu in hình Bảo tàng Saigon với hình chìm đầu rồng. Riêng tiền đúc thì năm 1964 phát hành tiền nikel 1đ và 10đ mặt trước ghi quốc hiệu VNCH và giá trị đồng tiền, mặt sau hình cây lúa và năm đúc. Từ ngày 24.8.1964 đến 2.9.1964 chính quyền ra lệnh thu hồi 2 loại giấy bạc 500đ phát hành 2 đợt trước vì cho rằng quân giải phóng đã tung ra tiền giả quá nhiều...
    Đến năm 1966 thì có thêm đợt phát hành mới: tiền đúc 5đ hình ngôi sao 8 răng cưa có hình cây lúa, mặt sau thêm hàng chữ NHQGVN. Tiền giấy có loại 50đ màu tím trang trí những cây hoa leo và 100đ cũng màu tím mặt trước in tòa nhà Quốc hội Saigon, mặt sau là đập thủy điện cùng hình chìm là cây trồng. Cũng năm này, ngày 30.9 có sắc luật số 20 sửa đổi và bổ túc Dụ 48 - "bãi bỏ điều khoản dự trữ vàng và ngoại tệ". Như vậy việc in tiền không còn bị ràng buộc bởi trữ kim, tiền giấy được phát hành tự do... Do đó Ngân hàng phát hành thêm: 100đ màu đỏ mặt trước chân dung Tả quân Lê Văn Duyệt, mặt sau hình ảnh lăng ông tại Saigon với 2 loại hình chìm: chân dung vị tướng này hoặc đầu rồng; loại 200đ màu tím than mặt trước in chân dung Nguyễn Huệ, mặt sau là Hoàng đế Quang Trung thống lĩnh đại binh ra trận với 2 loại hình chìm chân dung hoàng đế này hoặc đầu rồng; và tờ 500đ màu xanh dương in chân dung danh tướng Trần Hưng Đạo, mặt sau là trận chiến Bạch Đằng nổi tiếng với một loại hình chìm chân dung vị danh tướng này thì cũng đã bị giả rất nhiều nên bị thu hồi và đóng dấu "Bạc giả"...
     
    Last edited: 21/4/10
  8. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    * Một thị trường dollar, một sự kiện lịch sử lặp lại...
    Ngân sách của Mỹ bắt đầu đổ vào Đông Dương từ những năm 1950 viện trợ cho quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ, nhưng đồng dollar chính thức vào Việt Nam cuối năm 1955 theo hình thức ngoại tệ và Ngân hàng Saigon như đã nói.
    Tuy không phải là thứ tiền lưu hành chính thức nhưng đồng dollar đã tiềm tàng dưới hình thức viện trợ cho chính quyền Saigon: ngoài viện trợ về vật chất cũng còn viện trợ luôn cả dollar! Những năm 1955 - 1956, viện trợ quân sự chỉ mới vài chục triệu dollar; nhưng những năm Chiến tranh Đặc biệt (1961 - 1965) thì viện trợ quân sự lên đến 300 triệu/năm. Còn viện trợ kinh tế những năm đầu là 200triệu/năm đến thời Chiến tranh Đặc biệt thì trung bình là 580 triệu/năm...
    Chính phủ Mỹ tuy có đổi dollar lấy tiền Saigon để chi phí cho các cơ quan Mỹ tại Saigon, nhưng dĩ nhiên sĩ quan và cố vấn Mỹ tuy làm việc tại Việt Nam vẫn được trả lương bằng dollar, đem ra sử dụng, từ đó, đồng dollar bắt đầu trôi nổi... Từ năm 1955, hối suất trên văn bản tỉ giá 1 dollar = 35 đồng Việt, nhưng có một khoản thưởng cho người mua ngoại hối 1 dollar được thêm 25đ, còn người bán thì bị thuế cũng 25đ, như vậy thực tế tỉ giá là 1 dollar ăn 60 đồng Saigon! Và tỉ giá này cứ tăng dần đến khi đồng dollar tràn ngập thị trường...
    Năm 1965, quân Mỹ và các chư hầu của Mỹ như Thái Lan, Philippin, Nam Triều Tiên... ồ ạt kéo quân vào miền Nam, đem theo đồng dollar xanh và đồng tiền của các nước thế lực đồng minh sử dụng... từ đó sinh ra nạn mua bán chợ đen đồng dollar với giá cả thất thường làm xáo trộn kinh tế, buôn lậu... gây tổn thương nặng nề cho chính phủ Saigon. Do vậy, vấn đề tỉ giá giữa đồng dollar và đồng Việt luôn được hai Chính phủ Việt - Mỹ bàn cãi và thường xuyên nêu trên báo chí như báo Tự Do ngày 27.8.1965 có viết: "-Đồng Mỹ kim đã trở thành một vấn đề huyết mạch cho đời sống kinh tế tại miền Nam từ ngày quân đội Hoa Kỳ có mặt tại chiến trường miền Nam". Hai bên thương lượng cuối cùng Chính phủ VNCH đã ký với Đại sứ Cabot Lodge một thỏa ước: "-Kể từ ngày 31.8.1965 các nhân viên dân sự và quân sự Hoa Kỳ được trả lương bằng Chứng chỉ chi phó MPC (Military Payment Certificate) được dùng trong các hợp tác xã và cấm lưu hành trong dân chúng Việt Nam. Giá 1 dollar ăn 118 đồng Việt Nam qua trung gian Quân tiếp vụ Hoa Kỳ".
    Các loại MPC thường có màu đỏ nên dân gian gọi là "Dollar đỏ". Binh sĩ ngoại quốc được trả lương bằng ngoại tệ nên đồng dollar được dịp bành trướng... lại có nạn chợ đen... nên NHQGVN phải thiết lập một quỹ đặc biệt để mua bán ngoại tệ, có khuyến khích thêm 44,5 đ cho 1 dollar ngoài 118đ đã quy định trên văn bản ngoại hối! Hậu quả là tuy ngân hàng có thu được ngoại tệ nhưng chi phí quá tốn kém gây lạm phát và nạn chợ đen lại được đà cùng tăng theo... Về phía Mỹ, để chống lại sự nổi loạn này đã phải thay 3 lần loại dollar đỏ, tức phát hành 4 đợt:
    1 - Serie 641 lưu hành 31.8.1968 đến 21.10.1968 gồm các tờ giấy 5 cents, 10 cents, 25 cents, 50 cents, 1 dollar, 5 dollars, 10 dollars với tỉ giá bắt đầu là 1 dollar ăn 118 đVN.
    2 - Serie 661 lưu hành từ ngày 21.10.1968 đến ngày 11.8.1969, thay hệ thống mới, có thêm tờ 20 dollars.
    3 - Serie 681 lưu hành từ ngày 11.8.1969 đến ngày 7.10.1970, một hệ thống mới có mệnh giá đến 20 dollars.
    4 - Serie 692 lưu hành từ ngày 7.10.1970 đến ngày 15.3.1973 một hệ thống mới cũng mệnh giá đến 20 dollars và tỉ giá tính đến ngày 26.1.1973 là 1 dollar ăn 475 đ tiền Việt!.

    MPC SERIES 661 $20 IN SUPER HIGH GRADE *RARE*
    [​IMG]

    Trong thời kỳ Chiến tranh Cục bộ (1965 - 1968) và Việt Nam hóa chiến tranh (1968 - 1975), viện trợ quân sự lên hơn 1 tỉ/năm, riêng năm 1973 lên đến 3 tỉ; còn viện trợ kinh tế từ năm 1965 - 1968 trung bình 580 triệu/năm và từ 1969 - 1972 lên 650 triệu/năm, riêng năm 1972 lên đến 700 triệu dollar.
    Nhìn các con số trên, ta thấy nền kinh tế và quân sự miền Nam hoàn toàn lệ thuộc vào đồng dollar Mỹ. Không kể 126 tỉ dollar chỉ tiêu trong mấy năm trực tiếp xâm lược (báo chí Mỹ tính cả hậu quả lâu dài nên con số phải trên 300 tỉ! và nếu tính theo thời giá hiện nay thì khoảng 500 tỉ dollar) thì Mỹ đã viện trợ cho Saigon trong 20 năm là 29 tỉ, trong đó 18 tỉ chi quân sự, 7 tỉ chi kinh tế còn 4 tỉ chi đổi tiền Saigon để sử dụng tại chỗ. So sánh với sự viện trợ của Mỹ cho các chư hầu khác như Philippin chỉ 1,9 tỉ, Thailand 1,1 tỉ, còn Indonesia chỉ có 983 triệu dollar!
    Do vậy, dù nước Mỹ giàu có nhất thế giới cùng không thể gánh nổi chi phí khổng lồ cho chiến tranh Việt Nam... dẫn đến Hiệp định Paris ký ngày 7.1.1973!
    Sau năm 1973, chi phí viện trợ giảm dần... trong quyển "Từ tòa Bạch ốc đến Dinh Độc lập", hồi ký của Nguyễn Tiến Hưng (Tiến sĩ Kinh tế học, cố vấn của tổng thống Thiệu) viết tại Mỹ sau này cho hay năm 1974, khi nghe viện trợ của Mỹ từ 1 tỉ dollar giảm xuống 700 triệu, Tổng thống Thiệu đã bức xúc bay sang Honolulu để xin tài trợ thêm nhưng không được. Để bù lại thiếu hụt ấy, tiền Saigon đã lạm phát kinh khủng làm tỉ giá hối đoái ngày càng cao, tính đến ngày 12.12.1974 là 1 dollar ăn 685 đồng Việt Nam!.
     
    Last edited: 20/4/10
  9. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    * Hai lần đắc cử, hai đợt tiền mới phát hành:
    Năm 1967, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ nhất (1967 - 1971) của nền Đệ nhị Cộng hòa, chính biến Mậu Thân 1968 làm ngân sách bội chi: năm 1967 là 47,7 tỉ thì năm 1968 lên đến 110,8 tỉ đồng. NHQG phải phát hành thêm để ứng trước cho chính quyền làm khối lượng tiền tệ (gồm tiền lưu hành và tiền gửi ngân hàng) tăng: cuối năm 1969 là 167,48 tỉ, đến cuối năm 1972 là 365,82 tỉ; trong đó tiền lưu hành cuối năm 1969 là 108,11 tỉ, đến năm 1972 tăng 183,66 tỉ đồng. Trong khoảng thời gian này, NHQGVN phát hành các loại tiền sau:
    Về tiền đúc thì năm 1968 có đúc lại tiền nikel 10đ như năm 1964 (có ghi năm đúc), đồng thời đúc thêm 2 loại tiền mới 20đ cũng bằng nikel in hình người nông dân đi trên ruộng, trong đó có 1 loại được Tổ chức Lương thực Thế giới (F.A.O) tài trợ nên thay vì hàng chữ NHQGVN như loại kia thì lại ghi câu "Chiến dịch thế giới chống nạn đói". Năm 1970 cũng đúc lại tiền 10đ và 1971 đúc lại tiền 1đ và 5đ, riêng loại 1đ có loại bằng nhôm có hàng chữ "Tăng gia sản xuất lương thực" cũng do F.A.O tài trợ.
    Về tiền giấy thì ngân hàng phát hành đợt mới mặt trước in hình trụ sở NHQG cùng 2 chữ ký của Tổng kiếm soát và Thống đốc (không còn gọi là "Giám đốc Sở phát hành" như cũ), còn mặt sau thì là các trang trí hình lưới xen kẻ cùng hàng chữ "Hình luật phạt khổ sai..." với hình chìm trong tất cả tiền giấy là chân dung Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn: Gồm các tờ 20đ màu hồng phát hành năm 1969, 50đ màu xanh dương phát hành năm 1969, 100đ màu xanh rêu phát hành năm 1970, 200đ màu tím phát hành năm 1970, 500 đ màu cam phát hành năm 1970 và 1000đ màu xanh tím phát hành năm 1971.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Năm 1971 tướng Nguyễn Văn Thiệu lại tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2 (1971 - 1975). Chính biến năm 1972 lại làm chi phí quân sự tăng rất cao: năm
    1969 là 91,6 tỉ, đến năm 1972 lên 200 tỉ và năm 1974 là 307,9 tỉ... làm lạm phát càng tăng ... khối lượng tiền cuối năm 1972 là 365,82 tỉ thì cuối năm 1974 lên đến 615,60 tỉ trong đó 245,70 tỉ lưu hành! Trong 4 tháng cuối của chế độ Saigon (tức đầu năm 1975) đã phát hành thêm 195,6 tỉ (tương đương 260 triệu dollar); và chỉ riêng 28 ngày cuối cùng (tính đến 28.4.1975) đã phát hành đến 130 tỉ đồng! Trong khoảng thời gian 1972 đến 1975, NHQGVN đã phát hành các loại tiền sau:
    Về tiền đúc thì năm 1974 phát hành loại 10 đ bằng sắt mạ đồng do F.A.O tài trợ in hình nông dân tròng lúa cùng hàng chữ "Tăng gia sản xuất nông phẩm" và năm 1975 phát hành thêm loại 50đ cũng của F.A.O tài trợ...
    Riêng tiền giấy thì trong năm 1972 phát hành một đợt mới mặt trước đều in hình và hàng chữ "Dinh Độc lập" với chữ ký của "Một quản trị viên" và "Giám đốc phát hành". Tất cả đều có hình chìm đầu người phụ nữ với các mặt sau hoàn toàn khác nhau: tờ 50đ màu xanh dương có 3 con ngựa phi, tờ 100 màu lục có thằng chăn trâu, tờ 200đ màu tím có 3 con hươu, tờ 500đ màu gạch có con hổ và tờ 1000đ màu xanh đậm có 3 quản tượng cỡi 3 con voi..

    [​IMG]
    [​IMG]

    Khoảng tháng 2.1975, "Giấy mẫu" tờ 1000đ màu xanh nước biển mặt trước hình chân dung Trương Công Định còn mặt sau hình lăng ông ở Gò Công được in ra, nhưng hình thức trang trí như tiền giấy thời 1966 (serie 100đ Lê Văn Duyệt, 200đ Nguyễn Huệ và 500đ Trần Hưng Đạo) nên không được phê chuẩn.
    Những ngày cuối cùng của chế độ Saigon, lạm phát quá tăng vọt, tháng 4.1975, ngân hàng đã in xong 2 loại tiền giấy 5000đ và 10000đ thuộc serie hình Dinh Độc lập với 2 chữ ký của "Tổng kiểm tra" và "Thống đốc", mặt sau in hình đầu con báo hoặc con trâu rất đẹp và rất sặc sỡ nhưng chưa kịp phát hành thì 11 giờ 30 ngày 30.4.1975 quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập... cáo chung chế độ Việt Nam Cộng hòa !


    [​IMG]
    [​IMG]


    [​IMG]
    [​IMG]
     
    Last edited: 20/4/10
  10. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    * Cách mạng Việt Nam: rút lui mặt trận tiền tệ... và thành lập Ban kinh tài Trung ương Cục Miền Nam...
    Nhắc lại, sau Hiệp định Genève 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt 2 miền, chờ đến năm 1956 sẽ có tổng tuyển cử... Trong thời gian chuẩn bị bàn giao vùng kiểm soát, Chính phủ VNDCCH đã tổ chức công tác thu hồi giấy bạc Nam Bộ và tín phiếu ở Trung Bộ...
    Ở Nam Bộ, Trung ương chuyển vào nhiều vốn tiền NHĐD cũ để thu đổi Giấy bạc Việt Nam, bắt đầu từ ngày 15.8.1954 đến 14.1.1955 thì hoàn tất tập kết ở Bạc Liêu thu hồi được 1.428.618.944 đ tiền Cụ Hồ.
    Ở Trung Bộ, tình hình khó khăn hơn vì thiếu nguồn vốn, chính phủ chỉ đạo việc chuyển bán hàng hóa như lúa gạo, thuốc tây... thậm chí đưa cả vàng vào và cả hình thức giúp dân phục hồi sản xuất bảo đảm cuộc sống... để thu hồi tín phiếu. Công việc thu đổi bắt đầu từ ngày 1.2.1955 đến ngày 31.3.1955 thì tạm thu được 33.908.899.039đ tức khoảng 78% so với tổng phát hành. Để tận thu, chính phủ còn kéo dài thời hạn thu đổi cho đến ngày chuyển giao vùng kiểm soát.
    Chính sách thu đổi tiền để bảo vệ tài sản cho dân này là một đường lối hết sức đúng đắn gây cho nhân dân niềm tin vững chắc vào cách mạng; mà đây là một trong nhưng yếu tố quan trọng bậc nhất tạo tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường và bền bỉ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước sau này...
    Đến ngày rút lui, chính phủ ta tuyên bố các khoản còn thiếu như công phiếu kháng chiến, cổ phần đóng góp... chưa thu đổi hết xin hoãn lại để sau tổng tuyển cử năm 1956 sẽ giải quyết thêm...
    Tuy nhiên ”mọi giới quan sát có hiểu biết về tình hình Việt Nam đều kết luận rằng nếu tổng tuyển cử được tổ chức thì Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ dành được 80% số phiếu của nhân dân Việt Nam ủng hộ, và Mỹ thì hoàn toàn không thú vị trước viễn cảnh của một nước Việt Nam cộng sản, dù đó là ý nguyện của nhân dân nước này..." (hồi ký của Tổng thống Mỹ Eisenhower). Do vậy, Mỹ và Pháp cố tình phá hoại Hiệp định Genève, không có cuộc tổng tuyển cử, chính quyền của Ngô Đình Diệm thân Mỹ đã ra tay tàn sát khủng bố các lực lượng cách mạng... Để tổ chức kháng chiến lâu dài, lực lượng cách mạng đã xây dựng căn cứ ở núi rừng dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, Xứ ủy Nam Bộ được Đảng chỉ đạo thay bằng Trung ương Cục Miền Nam (TWCMN) có tầm hoạt động lớn mạnh hơn. Một "Ban Tài chính đặc biệt" (BTCĐB) trực thuộc TWCMN có nhiệm vụ trực tiếp nhận chi viện từ Trung ương (Hà Nội) phục vụ chiến trường miền Nam. Hệ thống BTCĐB gồm 3 bộ phận chính: B.29 là đầu mối đặt tại NHNNVN ở Hà Nội do đồng chí Phạm Hùng (thành viên của Bộ Chính trị) chỉ đạo; bộ phận thứ hai là "Ban công tác đặc biệt" (tránh dùng chữ "tài chính" để giữ bí mật) bí số C.32 trực thuộc Ban Kinh tài TWCMN do đồng chí Mười Cúc (tức Nguyễn Văn Linh - Bí thư TWCMN) trực tiếp đơn tuyến chỉ đạo và bộ phận thứ ba là một số cán bộ cốt cán bố trí ở nước ngoài...
    Thời kỹ Mỹ - Diệm đánh phá các cơ sở cách mạng, TWCMN đã chuẩn bị cho Đồng Khởi và tiến tới thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) ngày 20.12.1960. Sau khi ba bộ phận của BTCĐB đã phối hợp, đồng chí Mười Cúc chỉ đạo các thành viên mở rộng cơ sở với bình phonglà Công ty Xuất nhập khẩu Tân Á để công khai phát triển làm ăn và tìm cách nối với Hà Nội cùng với các cơ quan của ta đặt ở nước ngoài...
    Vào những năm 1963, phong trào cách mạng lên cao, vùng giải phóng rộng lớn, dân đông, TWCMN đã cho in tại Trung Quốc các loại tiền giấy mặt trước ghi "Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN" còn mặt sau ghi mệnh giá gồm 10 xu, 20 xu, 50 xu cả hai mặt in hình ngôi sao cách mạng tỏa sáng, từ loại 1đ, 2đ, 5đ, 10đ và 50đ cả hai mặt đều in các hình ảnh quân dân cách mạng miền Nam... để chuẩn bị phát hành. Nhưng năm 1965, Mỹ can thiệp mạnh bằng quân sự làm vùng giải phóng bị co hẹp lại, tiền Mặt trận không phát hành được; ngược lại còn bị Mỹ - Ngụy thu được khi càn quét bắt giết lực lượng cách mạng...
    Đối với sự chi viện của miền Bắc, giai đoạn đầu là cho cán bộ mang dollar đi bộ vượt Trường Sơn qua ngã Campuchia để vào miền Nam, vừa chậm, tổn thất dọc đường lại nguy hiểm và hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh trong các vụ chuyển tiền... Đến năm 1965 chiến tranh rầm rộ đòi hỏi chi viện nhiều hơn mà phương pháp vận chuyển tiền như cũ không đáp ứng được nhu cầu. Trước tình hình đó, đồng chí Phạm Hùng cử người vào Nam gặp người của đồng chí Mưới Cúc bàn về phương pháp chuyển tiền nhanh gọn. Một Phương pháp mới (FM) ra đời bằng cách đặt trụ sở của BTCĐB ngay tại Saigon và Trung ương chi viện bằng thanh toán qua hệ thống ngân hàng nước ngoài thẳng đến Saigon với 3 loại tiền để sử dụng: tiền A (tức USD) là hình thức chuyển khoản, tiền Z (tức tiền của chế độ Saigon) để sử dụng trên địa bàn miền Nam và tiền C (là tiền riel của Campuchia) để Cục Hậu cần mua vật chất ở Campuchia cung ứng cho các hoạt động cách mạng. Để nghiệp vụ ngân hàng của FM đạt kết quả cao, đồng chí "Nguyễn Văn Thảo" vừa được đào tạo chính quy ở Liên Xô về, liền được lệnh vào Nam triển khai công tác... FM đã phối hợp đồng bộ từ B. 29 đến các đầu mối hoạt động trong và ngoài nước bảo đảm nhu cầu cho chiến trường miền Nam cho đến sau ngày 30.4.1975 vẫn không bị lộ...
    Về phía Mỹ, thời kỳ Chiến tranh Cục bộ (1965 - 1969) đã đưa ra kế hoạch Johnson - Mac Namara nhưng bị chiến lược Đông Xuân của quân giải phóng đập tan hai gọng kìm. Trên cơ sở đó, TWCMN chuẩn bị phát hành tiền cách mạng lần 2: năm 1966 cho in "Giấy bạc Ngân hàng Việt Nam" có hệ thống giá trị cũng như các loại tiền Mặt trận trước đây. Trong đợt Tổng tiến công 1968, Trung ương đã điều 500 cán bộ ngân hàng vào Nam để lo cho việc phát hành này; nhưng sau tết Mậu Thân, Mỹ - Ngụy phản kích ác liệt mở rộng chiến tranh trên cả 3 nước Đông Dương nên việc phát hành tiền này không thực hiện được.
    Vấn đề chi phí từ cuối năm 1967 đến 1968 ta sử dụng cho quân sự đến 1800 triệu đồng Z, còn tiền A thì trung bình mỗi năm khoảng 10 triệu. Riêng tại Campuchia, ngày 18.8.1968, chính phủ nước này đã phá giá đồng riel thay vì 35 riel ăn 1 dollar thì nay tăng lên 55,54 riel làm vật giá tăng vọt và quỹ tiền riel của ta cũng một phần tổn thất... do vậy, các cơ quan của ta đã rút kinh nghiệm chỉ đổi dự trữ số tiền riel vừa đủ để sử dụng...
    Đầu năm 1970, chính phủ Campuchia tung tin tiền giấy 500 riel bị các nước cộng sản giả đưa vào qua những vali ngoại giao (miễn khám xét), do vậy có lệnh đổi gấp loại tiền giấy này nhưng hoạt động cách mạng của ta đã tập trung kịp đổi tiền mới, chỉ mất khoảng 5 triệu riel không đổi kịp do đường núi rừng từ khu 6 về Campuchia quá xa. Cũng vào thời gian này, tướng Lonnol đảo chính lật đổ Quốc vương Sihanouk, đã ra tay khủng bố Việt kiều ở Campuchia nên theo lệnh của đồng chí Phạm Hùng (lúc này là Bí thư TWCMN), mạng lưới hối đoái của ta ở Phnompenh phải bí mật rút về nước và giữ được số vốn dollar và tiền riel để giao cho Ban kinh tài TWCMN. Luồng chính tạo ra tiền bị tắt vì mất chân đứng ở nước ngoài, BTCĐB đã tìm hướng kiện toàn lại mạng lưới bằng cách mở ra một mối thông qua Công ty Kinh doanh Lúa gạo là một tổ chức bình phong hoạt động công khai hợp pháp với địch...
    Trên hình thức hoạt động đó, cung ứng của ta ngày càng tăng: năm 1972 "chế biến" được 25 triệu dollar, năm 1973 là 53 triệu và năm 1974 là 63 triệu dollar. Còn tiền C thì "chế biến" hàng trăm triệu riel để mua quân nhu, lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu cho chiến trường miền Nam.
    Cuối năm 1974, vùng giải phóng được rộng dần, dân đông nên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chuẩn bị phát hành (lần 3) tiền của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN), các thùng tiền giấy "Ngân hàng Việt Nam" được vận tải từ Bắc vô Nam, tập kết ở các khu rừng Bình Phước. Nhưng...
    Đầu năm 1975 , Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp đánh giá so sánh lực lượng giữa ta với địch, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thành lập Hội đồng chi viện cho chiến trường do Thủ tướng Chính phủ VNDCCH làm Chủ tịch, còn NHNNVN của miền Bắc thì điều hàng ngàn cán bộ chủ chốt tăng cường cho Ban Kinh tài TWCMN. Sau khi giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng... quân giải phóng tiếp quản các hệ thống ngân hàng, lấy tiền của các ngân hàng đó làm kinh phí tiếp tục đánh chiếm vào Nam... Ngày 19.4.1975, Thường vụ TWCMN thông qua đề án "Tiếp quản hệ thống ngân hàng, tín dụng, quản lý các kho tiền và kim khí quý, nắm tình hình hoạt động ngân hàng, tín dụng qua hồ sơ, tài liệu và các nguồn khai thác khác. Đề xuất giải quyết các đề nghị, rút tiền hoặc thanh toán liên hàng. Theo dõi tình hình biến động tiền tệ trên thị trường, phát hiện và chống phá kịp thời các thủ đoạn của địch phá rối thị trường tiền tệ..."
    Do chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng một cách thần tốc, giải phóng toàn miền Nam thống nhất đất nước nên dự định phát hành tiền riêng của CPCMLTCHMNVN trong vùng giải phóng được chuyển sang việc chuẩn bị để phát hành toàn miền Nam...
     
    Last edited: 20/4/10
  11. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    * Tiền tệ lưu hành trong những ngày đầu giải phóng miền Nam:
    Sau khi hoàn thành giải phóng miền Nam, do chiến thắng quá thần tốc, ta chưa có thời gian và điều kiện chuẩn bị phát hành tiền cách mạng, nên ngày 9.5.1975, Trung ương Cục ra Chỉ thị số 03.CT/75 cho phép nhân dân vẫn được sử dụng các loại tiền của chế độ Saigon cũ để tạm thời bảo đảm sinh hoạt bình thường.
    Ngày 6.6.1975, CPCMLTCHMNVN ra Nghị định số 4.PCT cho phép NHQGVN của Saigon cũ được hoạt động ngay trong thời kỳ Quân quản, làm Ngân hàng Trung ương của miền Nam, Ủy ban Quân quản đã chủ động phát huy thắng lợi, cải tạo nếp cũ để đảm bảo trật tự khôi phục kinh tế... Sau đó, ngày 14.6.1975 có thêm Nghị định số 6.NĐ.75 giao cho NHQGVN nhiệm vụ tổ chức việc thanh lý tài sản của các ngân hàng và tổ chức tín dụng tư nhân nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân.
    Tình hình chung dần dần đi vào ổn định nên ngày 1.8.1975, Trung ương Cục ra thông tri số 18.TT.75 chuyển các Ủy ban Quân quản thành Ủy ban Nhân dân Cách mạng ở các tỉnh thành phố để đi vào quản lý bình thường. Và đến ngày 21.9.1975 CPCMLTCHMNVN ra Quyết định số 12.QĐ cho phép NHQGVN phát hành các loại tiền "Ngân hàng Việt Nam" đã in từ 10 năm trước, đồng thời tổ chức kê khai và thu đổi tiền của Chính phủ Saigon cũ: từ Đà Nẵng vào Nam cứ 1 đồng tiền cách mạng thu đổi 500đ tiền Saigon cũ...
    Hệ thống tiền giấy của Chính phủ Cách mạng Lâm thời gồm 8 loại: 10xu, 20 xu, 50 xu, 1đ, 2đ, 5đ, 10đ và 50đ mặt trước chỉ ghi hàng chữ "Ngân hàng Việt Nam", mặt sau cũng chỉ ghi "Giấy bạc Ngân hàng Việt Nam" và năm in 1966 mang các hình ảnh sản xuất chiến sự ở miền Nam... Về tiền đúc thì năm 1975 -
    1976 phát hành tiền nhôm 1 xu, 2 xu và 5 xu có hàng chữ "Ngân hàng Việt Nam".

    [​IMG]

    Ngày 14.10.1975, Hội nghị tổng kết công tác thu đổi tiền Saigon và phát hành tiền "Ngân hàng Việt Nam", đánh giá kết quả đối chiếu với số liệu của NHQGVN thì thu đổi được khoảng 70%, số 30% còn lại một phần do mất mát hư hỏng trong chiến tranh, một phần lớn cũng do các nhà tư sản mại bản ở Saigon không chịu kê khai sợ lộ tung tích...
    Riêng tỉnh Thừa Thiên - Huế bị cách miền Nam bởi đèo Hải Vân thườn thượt, là nơi tiếp giáp giữa hai miền nên lúc đầu bị bỏ quên, không thuộc Ngân hàng Trung ương nào cả: hỏi NHNNVN miền Bắc thì chỉ vào Nam, hỏi NHNNVN ở miền Nam thì được chỉ ra Bắc... Nhiều cuộc họp quan trọng về ngành Ngân hàng không miền nào triệu tập cả nên hệ thống ngân hàng ở Huế phải tự tổ chức giải quyết theo mô hình miền Bắc... Do vậy, từ Quảng Trị vào Huế thì đổi tiền Saigon cũ cứ 1000đ thì được lấy 3 đ tiền miền Bắc.
    Như vậy, cùng thời điểm cuối năm 1975, nước Việt Nam tuy đã thống nhất nhưng tạm thời có 2 chế độ tiền lưu hành song song: từ đèo Hải Vân trở ra thì dùng hệ thống tiến của NHNNVN như đã kể, từ đèo Hải Vân trở vào thì dùng hệ thống tiền của CPCMLTCHMNVN, với tỉ giá 1 đồng tiền Bắc = 0,8 đồng miền Nam. Vì có sự chênh lệch tỉ giá như vậy, và trong quá trình lưu thông tiền tệ giữa 2 miền còn có những đặc điểm riêng do tình hình mới giải phóng, nên các cán bộ hoặc bộ đội công tác vào Nam ra Bắc thường có sự đổi chác với giá cả chợ đen tạo khoảng tiền lời riêng: ví dụ như cán bộ nhà nước đem tiền Bắc vào Nam mua đồ cho dân thì tính tỉ lệ 1:1, người dân miền Nam đưa tiền cho cán bộ 1 đồng Nam thì tính ăn 1 đồng Bắc nhưng khi cán bộ thanh toán với Nhà nước thay vì tính 1 đồng Bắc thì chỉ có 8 hào Nam, như vậy có lời được 2 hào Nam...
    Ngày 2.7.1976, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI của nước CHXHCNVN thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước, trong đó NHNNVN là cơ quan trung ương thuộc Hội đồng Chính phủ và Tổng Giám đốc Ngân hàng (nay gọi là Thống đốc) là một thành viên của Hội đồng Chính phủ. Từ đó đã bắt đầu in những đợt tiền mới chuẩn bị thống nhất hệ thống tiền tệ trên toàn quốc...
     
    Last edited: 21/4/10
  12. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    V. NHỮNG ĐỢT TIỀN MỚI CỦA MỘT NƯỚC XHCN MỚI RA ĐỜI...

    Sau khi Hội nghị hiệp thương thống nhất hai miền, ngày 25.4.1978, chính phủ nước CHXHCNVN quyết định thống nhất tiền tệ trên toàn quốc, cả nước thực hiện hệ thống ngân hàng một cấp là NHNNVN.
    Ngày 3.5.1978 chính thức phát hành tiền mới gồm các loại giấy 5 hào, 1đ, 5 đ, 10 đ, 20 đ và 50 đ mặt trước có quốc huy và hàng chữ NHNNVN, mặt sau in hình các cơ sở kinh tế hai miền và năm in là 1976. Tờ 20 đ toàn màu xanh nước biển mặt trước có chân dung Bác nhìn nghiêng có giá trị lớn nên dân gian gọi là "cua xanh"; tờ 50đ có hình Bác nhìn thẳng, toàn màu hồng giá trị lớn nhất nên dân gian gọi là "cua đỏ"!

    [​IMG]

    Riêng tiền đúc bằng nhôm, mặt trước cũng luôn có hình quốc huy, còn mặt sau có ghi NHNNVN, giá trị đồng tiền gồm 1 hào, 2 hào, 5 hào và 1 đồng cùng năm đúc là 1976. Hệ thống tiền mới này có giá trị tương đương hệ thống cũ, nghĩa là: 1 đồng tiền miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền miền Nam đổi lấy 1 đồng tiền mới!. Như vậy từ đây, trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ có một hệ thống tiền duy nhất lưu hành...
    Dần đến năm 1980, ngân hàng lại phát hành thêm loại tiền giấy mới mặt trước có quốc huy và quốc hiệu CHXHCNVN, mặt sau ghi hàng chữ NHNNVN năm in 1980 và phong cảnh hai miền: tờ 2đ màu tím than in hình cầu Phú Xuân trên sông Hương - Huế, tờ 10 đ màu lục in hình nhà sàn Phủ Chủ tịch; tờ 100 đ rất sặc sỡ mặt trước có thêm chân dung Bác và cả hình chìm chân dung Bác, còn mặt sau là cảnh vịnh Hạ Long, là tờ giấy tiền có giá trị lớn nhất thời ấy, dân gian hay gọi là "tờ Vịnh Hạ Long". Đặc biệt năm 1981 cho phát hành tờ 30 đ màu hồng tím cũng có chân dung Bác và hình ảnh cảng Nhà Rồng (Saigon) làm mọi người thắc mắc: - Nếu chỉ dùng loại tiền 30 đ thì làm sao làm tròn số tiền theo cơ số thập phân (100, 1000...) ?.

    [​IMG]

    Sau đó, khối lượng tiền cung ứng và tổng phương tiện thanh toán tăng lên nhanh chóng, đến năm 1985 tăng gấp 35 lần so với năm 1980, trong đó khối lượng tiền lưu hành tăng gấp 20 lần làm lạm phát trầm trọng, vật giá leo thang... Để thi hành Nghị quyết về Giá - Lương - Tiền nhằm mục đích điều chỉnh và ổn định sức mua của đồng tiền, từ ngày 14.9.1985, Nhà nước lại tiến hành đổi tiền: 1 đồng tiền mới bằng 10 đồng tiền cũ.
    Đợt đầu từ tháng 9.1985 đến 1986 phát hành các loại tiền giấy 5 hào, 1 đ, 2đ, 5đ, 10đ, 20đ, 30đ, 50đ, 100đ và 500 đ. Mặt trước luôn có quốc huy và quốc hiệu, mặt sau có hàng chữ NHNNVN và năm in 1985 cùng các hình ảnh của đất nước. Tờ 5 hào màu đỏ tía, mặt trước có cột cờ Thăng Long. Tờ 1 đ màu xanh nước biển cùng có cột cờ Thăng Long và mặt sau in hình cảnh biển Hà Tiên. Tờ 2 đ màu tím in hình đoàn tàu đánh cá. Tờ 5 đ màu lục in hình đò dọc cầu Trường Tiền trên sông Hương. Tờ 10 đ màu nâu tím in hình cầu Thê Húc - đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm. Tờ 20đ màu nâu in hình chùa Một Cột. Tờ 30đ màu xanh dương in cổng chợ Bến Thành. Tờ 50đ màu xanh rêu, có 2 loại... Tờ 100đ và 500đ thì có hình chìm chân dung Bác... Hệ thống tiền đúc 1 hào, 2 hào, 5 hào và 1 đồng năm 1976 vẫn cho lưu hành...

    [​IMG]

    Vì tỉ lệ đồng mới bằng 10 đồng cũ nên tờ tiền mới lúc đó có giá trị rất cao: 1 ly café theo giá cũ chỉ 8đ tức 8 hào tiền mới, nhưng khách trả tiền đưa tờ 50 đ tiền mới, nhà hàng không đủ tiền thối, đi đổi 50 đ chỉ được 48 đồng tiền lẻ và tính 1 ly café phải trả thành 1đ thay vì nếu có tiền lẻ thì chỉ phải trả 8 hào ! Do vậy, đợt đổi tiền mới này vẫn làm người ta thắc mắc: - Vì sao vẫn còn thiết kế loại tiền 30đ ? - Tiền cũ lớn nhất chỉ là ''tờ Vịnh Hạ Long" 100đ, tương đương 10đ tiền mới, thế mà đợt phát hành tiền mới này lại có đến 500 đ (tức bằng 5000 đ tiền cũ), đây có phải là dấu hiệu ban đầu của sự lạm phát ??? Và có một điều lấy làm lạ nữa là ngay sau khi đổi tiền chưa được bao lâu thì chính phủ quyết định nâng giá lên trở lại 10 lần!.
    Cuộc cải cách Giá - Lương - Tiền xét trên tổng thể đã tiến hành thiếu đồng bộ, chỉ một năm sau, tức năm 1986, lạm phát đến mức chóng mặt: 800%! Báo cáo Chính trị của BCHTW Đảng tại Đại hội VI chỉ rõ: "- Việc giải quyết vấn đề Giá - Lương - Tiền đã phạm sai lầm". Với sự gợi ý của ông Lữ Minh Châu (Thống đốc Ngân hàng), một người hoạt động về lĩnh vực ngân hàng nhiều kinh nghiệm từ trước 1975, để khắc phục tình hình này, báo cáo chính trị đã có phương hướng: ”- Bên cạnh nhiệm quản lý lưu thông tiền tệ của NHNN, cần xây dựng hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế".
    Để thực hiện Nghị quyết VI, ngày 13.7.1987, Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) ban hành Chỉ thị 218.CT cho phép ngân hàng chuyển sang hệ thống ngân hàng hai cấp thí điểm ở 4 thành phố lớn: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Sau khi thử nghiệm có kết quả, ngày 26.3.1988, Nghị định 53.HĐBT có nội dung cơ bản là xóa bỏ hệ thống ngân hàng một cấp, xây dựng mô hình ngân hàng hai cấp theo nền kinh tế thị trường. Ngân hàng Nhà nước lúc này là ngân hàng của các ngân hàng, là cơ quan phát hành tiền của nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về điều hòa lưu thông tiền tệ, giám sát và thanh tra hoạt động kinh doanh của các ngân hàng chuyên doanh (như: Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp...). từ cuộc cải cách đó, năm 1988 nạn lạm phát 500% đến 1989 kéo xuống còn 34%.
    Trong những năm 1987 - 1988, ngân hàng phát hành thêm các loại tiền mới luôn có chân dung Bác: tờ 200đ màu da cam in hình xe cày mà hiện nay đang còn lưu hành; tờ 500đ màu hồng in hình chiếc đò hiện nay cũng đang còn sử dụng. Tờ 1000đ màu xanh rêu mang hình những chiếc xe cơ khí khai thác mỏ, tờ 2000đ màu xanh đậm in hình nhà máy công nghiệp và tờ 5000đ cũng màu xanh đậm in hình các hệ thống máy khai thác dầu khí trên biển; cả 3 tờ đều có hình chìm chân dung Bác, hiện dần bị thu hồi nay hầu như đã vắng bóng...
    Sau đó, ngân hàng lại cho phát hành thêm các loại tiến giấy 100đ màu xanh lục và đã in cảnh tháp chùa ở Bắc Ninh mà hiện nay vẫn còn được sử dụng như đơn vị nhỏ nhất. Tờ 1000đ màu xanh in năm 1988 mang hình con voi kéo gỗ, tờ 2000đ màu tím in năm 1988 mang hình các nữ công nhân trong nhà máy dệt, tờ
    5000đ màu xanh nước biển in năm 1991 mang hình đập thủy điện và các cột đường dây cao thế, cùng các tờ 10.000đ màu đỏ, 20.000đ màu xanh dương và 50.000đ màu xanh lục (cả 3 tờ này đều có hình chìm chân dung Bác)... lưu hành như chúng ta đang sử dụng hiện nay...
    Ngoài các loại tiền giấy phát hành để sử dụng, Chính phủ cũng cho đúc tiền bằng kim loại quý như nikel, bạc và vàng nhưng không phải để lưu hành mà để kỷ niệm hoặc trao đổi trên sưu tập quốc tế... các loại tiền bằng kim loại này thường được đúc tại Cuba, mặt trước ghi hàng chữ CHXHCNVN và quốc huy cùng giá trị đồng tiền, mặt sau in các hình ảnh kỷ niệm: bảo vệ thiên nhiên thì in hình các loại thú quý hiếm như trâu, công, voi, đười ươi, chùa Một Cột, các loại thuyền cổ, kỷ niệm bóng đá Italia1990... giá 10đ. Các đồng tiền giá 100đ đều bằng bạc cũng mang hình bảo vệ thiên nhiên, thế vận hội Olympic, giải bóng đá thế giới USA 1994... Đặc biệt năm 1989 để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ thì đúc tiền 20đ bằng bạc và 500đ bằng vàng có chân dung Bác cùng hàng chữ "Hồ Chí Minh 1890 - 1990"...
    Sau khi ban hành Nghị định 53, tình hình tiền tệ có phần ổn định, ngày 24.5.1990 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký lệnh số 37.HĐNN công bố Pháp lệnh NHNNVN và lệnh số 38.HĐNN công bố Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã, Công ty Tài chính... xác lập đầy đủ về cơ sở pháp lý của hệ thống ngân hàng hai cấp trên đất nước Việt Nam. Kinh tế ổn định, giá cả thị trường mấy năm nay không thay đổi mấy nên lạm phát giảm dần: năm 1993 chỉ 5,3%, năm 1996 xuống 4,5% và năm 1997 chỉ còn 3,6%. Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã khẳng định: "Chuyển mạnh chính sách tiền tệ và hoạt động của ngân hàng phải phù hơûp với cơ chế thị truờng, góp phần ổn định giá trị đồng tiền, quản lý ngoại tệ và vàng..."
    Và để đánh dấu sự đổi mới trưởng thành của hệ thống ngân hàng Việt Nam, tháng 10 năm 1998, Nhà nước đã ban hành Luật Ngân hàng!.
     
    Last edited: 21/4/10

Ủng hộ diễn đàn