Trong lịch sử, thời gian cầm quyền của nhà Trần không kéo dài như thời Lý, nhưng việc đúc và sử dụng đồng tiền nhiều hơn, rộng rãi hơn. Đồng tiền lưu thông trở thành động lực chính để phát triển kinh tế. Nội, ngoại thương phát triển Có tiền, kinh tế hàng hóa phát triển, các ngành sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, mua bán ngoại thương được đẩy mạnh. Đồng tiền được sử dụng mua bán ruộng đất. Năm 1253, Nhà nước "bán ruộng công, mỗi diện là 5 quan tiền (bấy giờ mẫu gọi là diện) cho phép nhân dân mua làm ruộng tư". Năm 1266, "Xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai khẩn ruộng bỏ hoang thành lập điền trang". Tiền góp phần phát triển hoạt động kinh doanh thương nghiệp trong nước. Hệ thống chợ phát triển rộng rãi khắp nơi, từ kinh kỳ đến thôn quê. Sứ nhà Nguyên Trần Phu cho biết: "Chợ ở thôn xóm hai tháng họp một lần, trăm thứ hàng hóa tụ họp ở đây. Cứ năm dặm thì dựng một cái nhà, bốn mặt đều đặt chõng để làm nơi họp chợ". Hoạt động thương mại góp phần kích thích nền sản xuất hàng hóa phát triển. Ảnh minh họa: Tiền được sử dụng trong hoạt động ngoại thương buôn bán với thương nhân nước ngoài. Tiền được sử dụng trong hoạt động ngoại thương buôn bán với thương nhân nước ngoài. Ngoài thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) xuất hiện từ thời Lý do Nhà nước kiểm soát thì các thương cảng ven biển cũng hoạt động khá sôi nổi như cảng Diễn Châu (Nghệ An), Hội Thống (Hà Tĩnh). An Nam tức sự của Trần Phu cho biết: "Phủ Thanh Hóa... cách thành Giao Châu hơn hai trăm dặm. Các thuyền phiên hải ngoại tụ tập ở đấy, họp chợ ngay trên thuyền rất đông... với lái buôn các nước Xiêm, Java, Lộ Hạc, Hồi Hột; Đặc biệt là các thương nhân Trung Quốc".
Sự tác quái của đồng tiền Để kích thích nền thương nghiệp phát triển, nhà Trần luôn cho đúc tiền bổ sung. Nhiều ngành nghề liên quan đến tiền xuất hiện như đánh bạc, cầm cố, cho vay nặng lãi, mua bán chức tước, phạt lỗi quan lại... chứng tỏ đồng tiền đã phát huy tác dụng và chi phối đời sống xã hội khá sâu sắc. Đồng tiền cũng góp phần làm tha hóa một bộ phận cư dân cho đến vua quan trong xã hội. Năm 1362, vua "gọi các nhà giàu trong nước như ở làng Đình Bảng thuộc Bắc Giang, làng Nga Đình thuộc Quốc Oai vào cung đánh bạc. Có tiếng bạc đặt tới 300 quan tiền, ba tiếng thì đã tới gần nghìn quan rồi". Các quan cũng đua nhau đánh bạc "thua vài chục quan là vò đầu bứt tóc khổ sở". Quan hệ tiền tệ đã kích thích sự phát triển nền kinh tế trong các lĩnh vực công và ngược lại sự tác quái của đồng tiền cũng xuất hiện chi phối đời sống của con người. Cuối thời Trần vào thế kỷ XIV, xã hội phong kiến lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Kinh tế dần suy yếu. Thiên tai địch họa luôn xảy ra, các cuộc chiến tranh với Chiêm Thành và Ai Lao kéo dài liên miên làm cho vương triều Trần dần suy yếu. Hồ Quý Ly dần tập hợp lực lượng, thâu tóm quyền hành, tạo ra những uy thế đầu tiên để dần nắm lấy chính quyền. Năm 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần Thiếu Đế, tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Trong 7 năm ở ngôi, Quý Ly đã thực hiện nhiều cuộc cải cách kinh tế, trong đó có cải cách tiền tệ, đánh dấu một chương mới trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Lê Đình Phụng