Đồng bạc Cụ Hồ ở Nam bộ

Chủ đề thuộc danh mục 'Tư liệu tham khảo' được đăng bởi youngboss1vn, 21/12/09.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Đồng bạc Cụ Hồ ở Nam bộ

    Chỉ 10 ngày, sau Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 28-8-1945,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh lập Bộ Tài chính, do đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên lâm thời Chính phủ làm Bộ trưởng và tiến hành in giấy bạc tài chính để giải quyết nhu cầu của nhân dân và cách mạng trong nước Việt Nam độc lập tự chủ.

    Ngày 3-2-1946, tại tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ phát hành tiền tài chính Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính (UBKCHC) tỉnh Quảng Ngãi thay mặt chính quyền cách mạng đốt tượng trưng tờ bạc Đông Dương, mệnh giá 100 đồng để tuyên bố trước quốc dân, đồng bào cả nước là hủy bỏ đồng tiền của Pháp.

    Theo Sắc lệnh số 102/SL, ngày 1-11-1947, UBKCHC Nam bộ lập ra Ban ấn loát đặc biệt, với biệt danh “Ban trồng trỉa số 10”, do Bộ trưởng đặc phái viên của Chính phủ Trung ương tại Nam bộ Ngô Tấn Nhơn làm trưởng ban. Kỹ sư, ủy viên UBKCHC, Giám đốc Sở Kinh tế Nam bộ Kha Vạn Cân và Luật sư, ủy viên UBKCHC, Giám đốc Sở Tài chính Nam bộ Nguyễn Thành Vĩnh làm phó trưởng ban. Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An làm ủy viên, kiêm tổ trưởng ấn loát. Ngoài ra, còn có các họa sĩ Lê Thiên, Phạm Văn Bảo, Nguyễn Sáng, Ngô Văn Hoa, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định năm 1940 cộng tác. Họa sĩ Ngô Văn Hoa đã bí mật vào Sài Gòn mời Giáo sư Phan Văn Hộ (Sáu Hộ), giảng viên ngành chạm, khắc đồng, đá ra tham gia tổ ấn loát. Cụ Sáu Hộ, tuy tuổi cao, nhưng là trí thức yêu nước nên được cách mạng mời đã vui vẻ nhận lời. Lại được các cán bộ kỹ thuật in ấn của Trung ương và trong bộ cử vào giúp sức, tổ ấn loát đã bắt tay vẽ mẫu, bố cục, pha màu, thiết kế in ấn - Lúc đầu tổ làm việc trong các chòi dưới các lùm cây ở Gò Bắc Chiên (Đồng Tháp Mười). Chung quanh gò là biển nước bao bọc, đi lại bằng xuồng ba lá. Khi có máy bay địch đến, tất cả ùn xuống nước hụp lặn. Công việc chuẩn bị in ấn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Tổ đã tìm thợ in có kỹ thuật cao về mở lớp đào tạo tay nghề cho học sinh các trường kháng chiến, bộ đội trẻ có năng khiếu, trở thành công nhân ấn loát đặc biệt. Từ 100 cán bộ công nhân, có lúc đã phát triển lên đến 400 người. Phân ban B (bộ phận in ấn) tách ra thành phân ban C, D. Cả tổ gồm 4 phân ban: A, B, C, D. Tổ còn cử người vào Sài Gòn tìm mua máy in typo đạp chân, máy in ốp-sét quay tay, giấy mực in đặc chủng và bí mật sang tận Thái Lan mua một số máy móc tiên tiến của Nhật để trang bị thêm cho bộ phận in ấn. Tổ chính thức hoạt động từ đầu năm 1948 - Anh chị em công nhân đã chung sống với muỗi đĩa, vượt lên muôn vàn khó khăn do địch càn, bắn phá phi pháo và thiếu thốn về vật chất đã in thành công các loại giấy bạc 1, 5, 20 đồng... giữa tiếng hoan hô cổ vũ của bộ đội và nhân dân trong vùng kháng chiến. Do địch đánh phá ác liệt, đầu năm 1950, cơ sở ấn loát đặc biệt đã dời về thị trấn Nam Căn (Cà Mau) - Trong khi ta chuẩn bị in và phát hành đồng bạc 200 đồng và vẽ mẫu đồng bạc 500 đồng thì quân và dân ta đã toàn thắng (1954) nên các loại giấy bạc này chưa kịp phát hành.

    Suốt 9 năm kháng chiến ở Nam bộ, đồng bạc tài chính Nam bộ có hình Bác Hồ ở giữa, có chữ ký của Chủ tịch UBKCHC Nam bộ Phạm Văn Bạch và chữ ký của ủy viên UBKCHC, Giám đốc Sở Tài chính Nam bộ Nguyễn Thành Vĩnh được lưu hành rộng rãi trong vùng kháng chiến đến vùng địch kiểm soát- Tờ bạc có hình Bác Hồ được nhân dân trân trọng gọi là đồng bạc Cụ Hồ.
    (Sưu Tầm tin tức)
     
    Last edited: 28/4/10

Ủng hộ diễn đàn