Đồng tiền kháng chiến qua hồi ức của người cán bộ

Chủ đề thuộc danh mục 'Tư liệu tham khảo' được đăng bởi admin, 23/5/11.

  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Trong kháng chiến, mỗi người cán bộ kinh - tài vừa là người lính, vừa là người trực tiếp chăm lo các vấn đề ngân sách, in và phát hành tiền tệ. Dù là cuộc đấu tranh chống bạc giả hay chính sách đổi tiền của Chính phủ đều được người dân ủng hộ hết lòng. Chiến tranh đã đi qua rất lâu, gặp lại ông Trang Sĩ Liêm, ông Dương Minh Ngọc - những người cán bộ từng trực tiếp tham gia đổi tiền cho dân hay trực tiếp ký tên xác nhận bạc thật lên những tờ giấy bạc in lỗi ngày ấy chúng tôi như được sống lại không khí của những ngày đầu kháng chiến...

    Kiên quyết đấu tranh chống bạc giả

    Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhiệm vụ của ngành Tài chính lúc này là chuẩn bị tiền để giải quyết các nhu cầu chi tiêu của bộ máy Nhà nước và quân đội. Phải gấp rút chuẩn bị phát hành một loại tiền mới, vừa để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cấp bách, vừa là bước chuẩn bị để xây dựng một chế độ tiền tệ độc lập tự chủ. Cuối năm 1945, tiền hào lẻ của Ngân hàng Ðông Dương trên thị trường rất khan hiếm. Ðây chính là điều kiện thuận lợi để phát hành thêm các loại tiền có mệnh giá nhỏ vào lưu thông. Ngày 1/12/1945, Bộ Tài chính đã cho phát hành loại tiền đúc bằng nhôm đầu tiên ra thị trường (loại 2 hào, 5 hào và 1 đồng).

    Từ kết quả bước đầu này, ngày 30/11/1946 Chính phủ đã quyết định phát hành tờ giấy bạc tài chính đầu tiên có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ, còn gọi là giấy bạc cụ Hồ. Sau đó, tiền của ta đã nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh miền Bắc và miền Nam. Ðể có một cơ quan chuyên môn, Sở Ngân khố Nam Bộ được thành lập từ phân Sở Ngân khố, đặc trách nghiên cứu và giải quyết các vấn đề ngân sách, in và phát hành tiền tệ.

    Năm 1947, khi Chính phủ Trung ương (TW) quyết định cho in tiền Việt Nam tại Nam Bộ, cũng như in tiền Việt Nam tại Trung Bộ, lúc bấy giờ Xứ uỷ Nam Kỳ, Uỷ Ban Kháng Chiến Hành Chính (UBKCHC) Nam Bộ mới tiến hành thành lập Ban ấn loát đặc biệt Nam Bộ, cử ông Ngô Tấn Nhơn lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Canh nông, đặc phái viên của Chính phủ TW Nam Bộ về làm Trưởng ban và ông Nguyễn Thành Vĩnh - luật sư, uỷ viên UBKCHC Nam Bộ làm Phó ban. Bấy giờ, công việc đầu tiên là đi gom góp tiền để mua máy móc. Thời điểm này, khi in tiền ra cũng có lúc gặp sự cố in lỗi, đồng thời bối cảnh lịch sử bấy giờ giặc Pháp in tiền giả rất nhiều để chống phá đồng tiền của ta, trong đó đồng tiền TW (tức giấy bạc 100 đồng đỏ) là bị phá nhiều nhất. UBKCHC đã chỉ thị cho các tỉnh phải kiểm soát giấy bạc thật và làm phiếu kiểm soát dán lên trên tờ giấy bạc đó để xác định cho người dân biết, đồng thời chỉ được lưu hành trong nội bộ tỉnh. Khi phiếu kiểm soát bạc thật được dán lên người ta gọi là “giấy bạc đắp mền”.




    [​IMG]

    Đồng tiền Cụ Hồ lưu hành trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh T.L

    Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn được lưu hành chung chứ không phải riêng tỉnh nào. Điều đó nói lên uy tín của chính quyền ta thời bấy giờ trong cuộc đấu tranh chống bạc giả. Sở Ngân khố Nam Bộ cử nhiều cán bộ sang ban ấn loát đặc biệt Nam Bộ để kiểm soát, nếu những đồng nào in sai mà không sửa được phải để nguyên và phát hành như vậy. Để xác nhận tiền thật, các cán bộ của Sở Ngân khố Nam Bộ phải trực tiếp ký tên lên trên tờ giấy bạc này, giới thiệu với các cơ quan và người dân biết đó là lỗi in sai chứ không phải tiền giả. Nếu có chữ ký này, người dân đem đến Sở ngân khố các tỉnh để đổi lấy tiền in đúng về xài, bởi thời điểm này mỗi tỉnh đều có Sở ngân khố riêng. Nhưng người dân thường ít đi đổi vì thấy đã có xác nhận tiền thật nhưng do in lỗi thì vẫn tin tưởng sử dụng.

    Vì vậy, thỉnh thoảng vẫn thấy những tờ tiền có những chữ ký này lưu hành. “Thời điểm đó, có thể nói niềm tin của nhân dân Nam Bộ vào kháng chiến rất lớn, đối với tờ “giấy bạc đắp mền” người dân thấy có chữ ký của chính quyền, mặc dù xác nhận chỉ lưu hành trong nội bộ tỉnh nhưng vẫn được đồng bào tiêu xài trong toàn khu kháng chiến, không phân biệt địa phương xác nhận. Thêm một niềm tin nữa đó là khi tiền ở Trung Bộ đưa vào giấy in rất xấu, sử dụng qua nhiều tay nên bị rách, nhàu nát, lúc bấy giờ người dân có câu cửa miệng rằng “đây là bạc cụ Hồ, dù rách còn nhìn thấy cái râu cũng xài được”. Hiện giờ tôi vẫn còn lưu giữ các tờ giấy bạc nhàu nát như vậy, thậm chí không nhìn thấy rõ là 50 đồng hay là 100 đồng…”, ông Trang Sĩ Liêm – Nguyên cán bộ Sở Ngân khố Nam Bộ vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi xem tờ tiền bị nhàu, nhìn kỹ mới thấy được con số.

    Niềm tin chiến thắng

    Giai đoạn 1952 – 1953, kháng chiến của ta thắng giòn giã và lấn dần ra sát vùng tạm chiếm, đồng thời tiền của ta cũng lấn át đồng tiền của ngân hàng Đông Dương (vì đa số có màu xanh nên còn gọi là đồng tiền xanh Đông Dương). Lúc bấy giờ, trong vùng kháng chiến, đồng tiền của ta (giấy bạc cụ Hồ) và tiền giặc Pháp (đồng tiền xanh Đông Dương) cùng lưu hành song song, do đó Chính phủ đã có chủ trương quét bạc giặc ra khỏi vùng kháng chiến của ta. Cán bộ Sở Ngân khố Nam Bộ phải đi xuống từng địa phương và các vùng ven họp dân lại để tuyên truyền người dân nên xài tiền của ta, không xài bạc của giặc Pháp. Đồng thời, tổ chức thu đổi tiền kháng chiến cho người dân sử dụng trong vùng kháng chiến và khi họ có nhu cầu đi ra ngoài thì sẽ được đổi lại tiền xanh để sử dụng.

    Sau đó, đến Hiệp định Giơnevơ 1954, Pháp đình chiến và xác định khu tập kết. Trước khi chuẩn bị tập kết ra Bắc, chủ trương của Xứ uỷ và UBKCHC Nam Bộ là phải tập trung tiền xanh lại đổi cho đồng bào, thu hồi về tiền kháng chiến do ta phát hành để đồng bào không bị thiệt thòi và có tiền tiêu xài trong thời điểm cán bộ ta đi tập kết. “Trước khi tập kết ra Bắc, cán bộ chúng tôi ở Ngân hàng Nam Bộ có hứa là sẽ cố gắng đổi hết tiền cho dân để trong thời gian cán bộ tập kết ra Bắc, dân chúng trong này có tiền xài, phải đổi hết giấy bạc cụ Hồ thành bạc xanh cho dân”.

    Thời gian này kháng chiến còn đang khó khăn, tiền xanh không có nhiều, vì vậy phải huy động cả nước, tập hợp về Sở Ngân khố Nam Bộ rồi mới phân ra các trạm để đổi cho dân. Lúc đó tiền xanh cũng không có đủ nhưng người dân rất tốt, họ không đổi hết dù biết là tiền cụ Hồ là không xài được nhưng vẫn tin tưởng kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi. Người dân yêu quý cất giấu bạc Cụ Hồ vào nơi linh thiêng nhất trong các lư hương trên bàn thờ tổ tiên. Dù trong tay có 500 ngàn thì họ chỉ đổi 300 ngàn đồng thôi, còn 200 ngàn giữ lại, hoặc khi đổi thiếu một ít tiền, người dân cũng bỏ qua, thậm chí một số người không cần đổi vì thấy Ngân hàng thiếu tiền xanh. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tài chính nước ta lúc bấy giờ, không phải xử lý những sự cố trong quá trình đổi tiền cho người dân”, ông Dương Minh Ngọc tâm sự.

    Tiền cần đổi thì nhiều mà cán bộ lại không đủ, vì vậy, từng cán bộ được huy động mỗi người một chiếc xuồng chở tiền đi xuống các địa phương trực tiếp đổi tiền xanh cho đồng bào và thu hồi tiền cụ Hồ về. “Vì tiền của ta phát hành từ 5 cắc, 10 cắc… có giá trị nhỏ nên khối lượng rất lớn, phải đến 5-7 chiếc xuồng mới chở hết được. Do đó, phải phân loại và xếp lại từng bó tiền rồi theo đó mà tính toán. Được sự giúp đỡ của đồng bào nên việc đổi tiền không gặp sự cố khó khăn cũng như không bị mất mát một đồng, một cắc nào. Trong tay tôi lúc này chỉ có một mảnh giấy giới thiệu của lãnh đạo Sở Ngân khố phân công đi làm nhiệm vụ, thế nhưng được đồng bào tin tưởng giúp đỡ hết lòng, từ việc đổi tiền, tính toán đến cả việc vận chuyển tiền về đơn vị. Điều này cho thấy rằng lòng dân lúc bấy giờ tin tưởng tuyệt đối vào kháng chiến và người cán bộ kinh tài”, ông Liêm xúc động kể lại.

    Ngoài ra, khi UBKCHC Nam Bộ có một văn bản cho phép các tỉnh phát hành tín phiếu và phiếu tiếp tế (Nghị định số 267NĐ/28-8-49), có tỉnh còn ghi là phiếu đổi chác, có chữ ký của chủ tịch tỉnh và giám đốc Ngân khố tỉnh; có tỉnh thì in tín phiếu khu vực, quận huyện…Thật ra, không kể tỉnh nào hay quận huyện nào, hễ thấy các phiếu có chữ ký UBKCHC tỉnh và giám đốc Sở Ngân khố tỉnh là người dân tin tưởng tiêu dùng như tiền.

    Trên đây là những dòng hồi ức mang dấu ấn lịch sử được chúng tôi ghi lại qua lời kể của 2 cựu cán bộ Sở Ngân khố Nam Bộ (năm 1953 đổi thành Ngân hàng Nhân dân Nam Bộ). Ông Trang Sĩ Liêm (sinh năm 1934), ông Dương Minh Ngọc (sinh năm 1935), những người cán bộ tài chính tham gia cách mạng khi vừa tròn 13, 14 tuổi ngày nào giờ đều đã qua cái tuổi thất tuần, những tờ tiền dù nhàu nát, rách góc… vẫn được các ông nâng niu, lưu giữ như báu vật.

    Chúng tôi may mắn được tận mắt xem những bộ sưu tập tiền từ thời kháng chiến được các ông lưu giữ hàng mấy chục năm qua, lịch sử nước nhà đã có những trang sử hào hùng, từng tờ giấy bạc như ghi dấu một mốc son của dân tộc. Những bộ sưu tập tiền này còn mang một giá trị to lớn về mặt lịch sử, giúp thế hệ chúng ta hôm nay hình dung được những khó khăn mà dân tộc ta nói chung và người cán bộ tài chính đã trải qua trong những ngày kháng chiến gian khổ. Mỗi tờ giấy bạc là một sự kiện, mang một ý nghĩa thể hiện niềm tin của dân tộc ta, chiến sĩ ta.

    Theo TTXVN
     

Ủng hộ diễn đàn