Điều ít biết về những tờ bạc giấy đầu tiên của Việt Nam

Chủ đề thuộc danh mục 'Tư liệu tham khảo' được đăng bởi youngboss1vn, 9/4/12.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Người thiết kế tờ bạc giấy đầu tiên

    Tờ tiền này chỉ tồn tại được 4 năm (1400 đến 1404), đến 1405 khi triều đại này sụp đổ thì đồng tiền lưu hành lại trở về với chất liệu đồng và kẽm. Và mãi đến 31/11/1946, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời được hơn một năm, tờ tiền giấy đầu tiên của nước Việt Nam độc lập mới chính thức được phát hành rộng rãi khắp cả nước. Đây là những tờ tiền giấy đặc biệt nhất cả về hình thức bên ngoài lẫn giá trị lưu hành.


    [​IMG]

     Mặt sau tờ 5 đồng.
     
  2. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Tiền  “Cách mạng”

    Theo TS. Nguyễn Đại Lai - Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng- Ngân hàng Nhà nước: Ngày 1/12/1945, đúng 3 tháng sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng tiền Tài chính với chất liệu nhôm đầu tiên loại 2 hào được phát hành. Tiếp theo đó ngày 21/1/1946 đồng tiền nhôm loại 5 hào được phát hành. Và phải đến ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới chính thức ký Nghị định phát hành tờ tiền giấy đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền Trung.

    Ngày 13/8/1946 tờ giấy bạc này mới có mặt trên toàn miền Bắc và sau kỳ họp Quốc hội (khoá I), lần thứ 2 vào tháng 11/1946, Chính phủ đã cho phép Bộ Tài chính tiếp tục phát hành giấy bạc Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. Người dân Việt Nam thời bấy giờ vẫn quen gọi đó là tờ "giấy bạc Việt Nam" hay "tiền Cụ Hồ".

    Tờ giấy bạc lúc mới ra đời có dòng chữ "Việt Nam Dân chủ Cộng hoà". Một mặt in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt có hình công nông binh. Các loại tiền giấy được phát hành cùng thời điểm đó có những mệnh giá: 100 đồng, 20 đồng, 5 đồng, 1 đồng.

    Các loại tiền này đều có in chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng và Giám đốc Ngân khố Trung ương Phạm Khoa.

    "Những đồng tiền này là đơn vị tiền tệ chính thức do Chính phủ Việt Nam phát hành, bên cạnh vai trò lưu hành thông thường với chức năng trung gian tiền tệ thì còn có một giá trị rất đặc biệt xét trên khía cạnh văn hoá - nghệ thuật, ý nghĩa chính trị quốc gia... Chúng gắn bó chặt chẽ với hoàn cảnh rất đặc biệt của Cách mạng Việt Nam trong những năm tháng xây dựng, phát triển đất nước.

    "Đặc biệt, các tờ tiền đó còn thể hiện tình cảm thiêng liêng của nhân dân ta dành cho Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, khí phách hào hùng và tinh hoa nước Việt. Tình cảm đó đã trở thành sức mạnh cùng dân tộc Việt Nam vượt qua những bước thăng trầm hiểm nguy nhất, để đi đến thắng lợi cuối cùng. Kể từ năm 1946 đến nay, sau nhiều lần phát hành, trên các tờ tiền của Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành đều có hình bác Hồ kính yêu!" - TS. Nguyễn Đại Lai nói.

    Cũng theo TS. Nguyễn Đại Lai thì để phù hợp với chủ trương "tự cấp, tự túc, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến và địa phương tự lập" của thời kỳ khó khăn khi mới giành được nước nhà, Chính phủ đã cho hình thành một chế độ tiền tệ đặc biệt: vừa tập trung, vừa phi tập trung. Trên toàn quốc, nơi nào có điều kiện (chủ yếu là vùng tự do) thì lưu hành tiền tài chính (giấy bạc Việt Nam), nơi nào thuộc vùng địch kiểm soát thì tiêu đồng thời cả tiền Đông Dương, cả tiền tài chính địa phương (do Chính phủ trung ương uỷ quyền cho chính quyền Cách mạng địa phương phát hành) và "tiền Việt Nam hoá" bằng cách đóng dấu của Uỷ ban kháng chiến địa phương lên tiền địch để lưu hành.

    Đây không chỉ là thời kỳ đấu tranh trên các lĩnh vực chính trị, quân sự với địch, mà thuật ngữ "đấu tranh tiền tệ với địch" cũng trở thành một khẩu hiệu hành động trong chỉ đạo chiến lược của Đảng lao động Việt Nam suốt thời kỳ toàn quốc kháng chiến (từ 19/12/1946 đến chiến thắng Điện Biên Phủ 1954). Đến 6/5/1951 tại sắc lệnh số 15/ SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chuẩn y việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt nam để thay thế "Nha ngân khố quốc gia" và "Nha tín dụng sản xuất" trực thuộc Bộ Tài Chính đã thành lập trước đó. 

    [​IMG]
    Ông Nguyễn Hoàng Trí (con trai của Giám đốc Ngân khố Trung ương thời bấy giờ) bên những tờ tiền giấy đầu tiên
    của Việt Nam.
     
  3. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Vẽ mẫu tiền trong bí mật

    Toàn bộ khâu vẽ tiền và in tiền phải tuyệt đối giữ bí mật nên hoạ sỹ Mai Văn  Hiến hoàn toàn làm công việc này trong lặng lẽ, ngay cả gia đình ông cũng không hề hay biết. Hàng ngày, ông phải đi tàu điện từ Ngã Tư Sở đến chỗ vẽ, nếu hôm nào vẽ chưa xong thì cất bản nháp vào hòm gỗ khoá lại, hôm sau đến lại vẽ tiếp.

    Khi có chủ trương phát hành tờ bạc giấy đầu tiên, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng chỉ đạo việc in và phát hành tiền giấy bạc Việt Nam.

    Bộ Tài chính đã triệu tập về Thủ đô Hà Nội 20 hoạ sĩ để vẽ mẫu các loại giấy bạc, chia làm các nhóm như sau: nhóm hoạ sĩ Mai Văn Hiến vẽ mẫu giấy bạc 5 đồng; hóm hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ mẫu giấy bạc 10 đồng; nhóm hoạ sĩ Nguyễn Văn Khanh vẽ mẫu giấy bạc 20 đồng; nhóm kiến trúc sư Lương Văn Tuất và ông Đào Văn Trung - cán bộ cũ ở Sở Địa đồ chuyên vẽ diềm trang trí và kẻ chữ, hoạ sĩ Nguyễn Huyến vẽ hình giữa mẫu giấy bạc 100 đồng. Các hoạ sĩ khác như Nguyễn Sáng, Bùi Trang Chước, Lê Phả... đều tham gia vẽ mẫu.

    Một số thợ vẽ bản đồ ở Xưởng in Đà Lạt do hoạ sĩ Ngô Chí Viễn dẫn đầu ra nhận công tác ở ngành bản đồ thuộc Bộ Tổng tham mưu cũng được huy động tham gia. Hai tờ tiền quan trọng được thực hiện trước là tờ 10 đồng do hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung đảm nhận và tờ 5 đồng do hoạ sĩ Mai Văn Hiến trình bày.

    Trong số đó, người có công nhiều nhất trong việc phác thảo những mẫu tiền giấy đầu tiên và cả những mẫu tiền giấy có hình chủ tịch Hồ Chí Minh sau này phải kể đến hoạ sỹ Mai Văn Hiến. Hoạ sỹ Mai Văn Hiến từng là Trưởng ban Hội hoạ Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Ông sinh năm 1923, mất ngày 20/5/2006. Ông quê xã Điền Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Năm 1937, ông đỗ Thành chung ở Huế rồi ra học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

    Ông tham gia Cách mạng năm 1945, khi còn là sinh viên của trường. Năm 1947, ông gia nhập quân đội. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là người minh hoạ trình bày báo Vệ quốc quân, vẽ rất nhiều tranh về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính phục vụ các chiến dịch Đông Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ... Ông đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật toàn quốc với các  tác phẩm tiêu biểu "Gặp nhau", "Trước giờ ra thao trường", "Bướm dọc đường", "Du kích Đông Bắc", "Sương tan"...Với những đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Chiến thắng hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân huy chương cao quý khác.

    Theo di bút của hoạ sỹ Mai Văn Hiến để lại thì khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, ngân khố quốc gia chính quyền cách mạng tiếp quản từ Ngân hàng Đông Dương chỉ có 1 triệu đồng tiền rách nát. Chính phủ một mặt kêu gọi toàn dân chung sức quyên góp, ủng hộ nước nhà bằng "Tuần lễ vàng", một mặt khác cho phát hành đồng tiền mới để ổn định xã hội.

    Cuối năm 1945, một lần hoạ sỹ Hiến đến nhà in Tau Pin chơi, ông đã gặp ông Phạm Khoa, lúc bấy giờ là Giám đốc ngân khố Trung ương. Ông Phạm Khoa đã dẫn ông lên gặp Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng ở số 6 Lê Lai, Hà Nội. Cùng đi với ông lúc đó còn có các hoạ sỹ Nguyễn Huyến, Nguyễn Văn Hanh và Đỗ Cung. Sau khi bàn bạc, cuối cùng ông được đồng chí Phạm Văn Đồng phân công ông vẽ tờ tiền mệnh giá 5 đồng. Vì toàn bộ khâu vẽ tiền và in tiền phải tuyệt đối giữ bí mật nên ông hoàn toàn làm công việc này trong lặng lẽ, ngay cả gia đình ông cũng không hề hay biết. Hàng ngày, ông phải đi tàu điện từ Ngã Tư Sở đến chỗ vẽ, nếu hôm nào vẽ chưa xong thì cất bản nháp vào hòm gỗ khoá lại, hôm sau đến lại vẽ tiếp.

    Sau gần 2 tháng nghiên cứu, mày mò, ông vẽ xong mẫu phác thảo đầu tiên. Tờ tiền màu nâu vàng, phía trái có số 5, chữ giấy bạc Việt Nam. Hình Bác Hồ ông vẽ theo bức ảnh do nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An chụp. Ông nói: "Vẽ Cụ Hồ thật khó, làm sao vừa thể hiện được đường nét, vừa thể hiện được cái thần trong con người của Cụ. Phía sau tờ tiền là hình ảnh anh công nhân quai búa trên nền nhà máy. Để thể hiện được điều này, ông ra ga Hàng Cỏ tìm tốp thợ rèn đang làm việc để vẽ làm mẫu. Trên tờ tiền có dòng chữ: "Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam kẻ nào làm giả hoặc có hành động huỷ hoại tờ giấy bạc của Chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp". Tờ tiền mẫu được đồng chí Phạm Văn Đồng duyệt ngay khi nhìn thấy và đến 31/11/1946 thì chính thức được phát hành trong cả nước. Tờ tiền này được hoạ sĩ Mai Văn Hiến cất giữ như một tài sản quý giá trong cuộc đời hoạ sĩ của ông.  
     

Ủng hộ diễn đàn