Chợ kháng chiến Tỉnh Thủ Dầu Một hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, các chợ vẫn hoạt động bình thường. Trong tỉnh cũng có rất nhiều chợ như chợ Thủ (Thủ Dầu Một), chợ Bến Cát, chợ Tân Uyên, chợ Lái Thiêu, chợ Dầu Tiếng, chợ Hớn Quản, chợ Lộc Ninh... đó là những chợ thuộc loại lớn. Xung quanh chợ Thủ còn có những chợ nho nhỏ như chợ Búng, chợ Tuy An, chợ Bưng Cầu, chợ Bến Thế, chợ Dĩ An, chợ Tân Ba... những chợ đó đều ở vùng địch kiểm soát. Đặc biệt là ở vùng giải phóng, các căn cứ kháng chiến vẫn có chợ buôn bán hàng ngày bình thường. Địch càn bố thì dọn dẹp “chạy bố”. Nếu Tây đốt chợ thì làm lại. Khi Tây rút, lại buôn bán như thường ngày. Xung quanh chợ Thủ có những chợ kháng chiến như chợ Chùm Sao (Chòm Sao) ở xã Hưng Định (Lái Thiêu), chợ Hóa Nhựt (xã Tân Hóa Khánh), chợ Dốc Sỏi (Khánh Vân - Khánh Bình), chợ An Điền cũng hoạt động vào ban ngày. Chiến sĩ và đồng bào ở chiến khu Tân Long - Bến Sắn thì đi chợ Hóa Nhựt, ở Chiến khu Thuận - An - Hòa đi chợ Chùm Sao, ở Chiến khu Đ thì đi chợ Dốc Sỏi, chợ Hóa Nhựt... Các chợ kháng chiến cũng đa dạng hàng hóa. Từ nông sản đến sản phẩm công nghiệp, cho các nhu cầu thông thường. Tuy là chợ ở chiến khu hoạt động nhộn nhịp nhưng cách đồn bót địch xa nhất là 6 -7 cây số, gần nhất chỉ 2 - 3 cây số, chợ Chòm Sao cách chợ Búng chừng 2 cây số; chợ An Điền cách chợ Bến Cát chừng 4- 5 cây số... Trong các chợ kháng chiến đó, có chợ Chòm Sao là nhộn nhịp nhất. Chợ này hoạt động cả ngày lẫn đêm. Lúc ấy có phố chợ, có các sạp bán hàng, từ vải vóc, kim chỉ, rau quả, bánh trái, lươn cá... Đặc biệt là có cà phê, hủ tiếu, đồ nhậu... Các cơ quan đơn vị bộ đội muốn mua gì có số lượng lớn chỉ đặt 2 - 3 ngày sau là có. Chiến sĩ ta sau các cuộc hành quân chiến đấu, thường ra chợ này để bồi dưỡng sức lính vì từ trung tâm Chiến khu Thuận - An - Hòa (Thuận Giao) ra chợ này chừng 2 - 3 cây số! Các chợ kháng chiến buôn bán trao đổi bằng hai thứ tiền: Tiền Đông Dương của Pháp phát hành và tiền Cụ Hồ. Tiền Cụ Hồ có tiền xanh, tiền đỏ có in hình Bác Hồ trên nền giấy không được chắc chắn. Hơn nữa tiền này được phép xé đôi - nửa tờ có giá trị nửa giá trị. Đặc biệt tiền Cụ Hồ dù có rách cũng không có ai từ chối xài, vì khi ấy có câu ca dao: “Bà chê tiền rách phải không, hay là bà đã dốc lòng theo Tây”. Các chợ kháng chiến nhộn nhịp, sôi nổi nhất là từ năm 1946 đến năm 1949 vì sao đó địch càn bố ráo riết nên chợ không nhộn nhịp mấy. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến khu Thuận - An - Hòa, tôi về thăm lại chợ Chòm Sao. Chợ vẫn tồn tại, vẫn họp chợ mỗi ngày, nhưng không còn phố chợ, không có mấy sạp hàng, phần lớn là trải ni-lông xuống đất để bán, không còn sầm uất như hồi kháng chiến. Dù sao cũng tồn tại một chợ lịch sử kháng chiến mà các chợ kháng chiến khác không còn. Chợ kháng chiến là một phần kỷ niệm trong ký ức tôi, vì những năm ấy tôi thường qua lại các chợ đó khi đi công tác. Nguồn: Nguyễn Văn Phước, báo Bình Dương điện tử (Sưu Tầm tin tức)