Chuyện vẽ tiền ở số 6 Lê Lai... (VietNamNet) - Nghe tiếng gõ cửa, một giọng đàn ông trầm đục vọng ra: "Mời vào!". Tôi đẩy cái cửa gỗ căn nhà tầng trệt, số 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Một ông già da đồi mồi, râu tóc bạc phơ, thoạt nhìn trông như người Tây, đang ngồi tĩnh lặng trên giường, hướng đôi mắt tinh anh ra cửa… Chỉ ghế cho chúng tôi ngồi, rồi ông lại lặng lẽ châm thuốc hút. Khi làn khói tan trong căn phòng chật hẹp ngổn ngang những tranh, những ký họa…, ông rành rọt từng lời: chuyện vẽ tiền có gì là ghê gớm đâu, tôi không vẽ thì người khác vẽ… Nhiệm vụ đặc biệt Chân dung ông Mai Văn Hiến. "Sau cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng tiếp quản Ngân hàng Đông Dương chỉ có 1 triệu đồng tiền rách nát. Trước nguy cơ quân Tưởng tung tiền Con Kim ra vơ vét lúa gạo, hàng hoá. Một mặt chính quyền cách mạng non trẻ của ta kêu gọi toàn dân chung sức bằng Tuần lễ vàng. Mặt khác cần có ngay một đồng tiền mới để ổn định xã hội..." - Ông Mai Văn Hiến nhớ lại những ngày vận mệnh của dân tộc đang “ngàn cân treo sợi tóc". Một hôm ông Hiến đến chơi ở nhà in Tau Pin, tình cờ gặp ông Phạm Khoa. Ông Khoa bảo “có việc cần”, rồi dẫn ông đến gặp ông Phạm Văn Đồng lúc đó đang ở số 6 Lê Lai, Hà Nội, để “nhận nhiệm vụ”. Cùng đi với ông còn có ba họa sĩ nữa, đến nơi, họ mới biết là "đi vẽ tiền!" Ông Hiến tiếp: "Theo phân công, ông Nguyễn Huyến vẽ tờ 100 đồng, ông Nguyễn Văn Hanh vẽ tờ 20 đồng, ông Nguyễn Đỗ Cung vẽ tờ 1 đồng, còn tôi vẽ tờ 5 đồng. Sở dĩ chọn 4 mệnh giá như vậy vì lúc đó cấp thiết lắm. Việc vẽ tiền tất nhiên phải làm bí mật vì sợ kẻ thù “phá” nhưng thực tình tôi chẳng thấy có bóng dáng bộ đội công an, bảo vệ nào cả. Cũng có khi là do mình không có “nghiệp vụ” nên không biết. Anh em tôi cứ lặng lẽ ai vào việc nấy, trưa đến thì đi ăn “phở 3 xu”, hoặc ăn cơm “đầu ghế”. Hồi ấy nhà tôi ở ngã tư Sở, sáng nhảy tàu điện đến vẽ. Chiều tối được đến đâu lại cất vào hòm gỗ khoá lại, chỉ mình mình biết, rồi lại nhảy tàu điện về nhà ngủ. Mặc dù miệt mài làm việc nhưng do tình thế gấp rút, lần nào ông Phạm Văn Đồng xuống thăm cũng nhắc: Cụ (Bác Hồ) giục lắm! Thấy tôi đi lại mất nhiều thời gian nên họ cắt cử một người đến phục vụ cơm nước. Về sau còn cử 4 người ở Cục Bản đồ, ở Tây Nguyên ra hỗ trợ. Công việc của họ là thu nhỏ những hoa văn do chúng tôi vẽ lại, cho nhanh và chính xác. Hoạ sĩ lúc ấy cứ vẽ mẫu phác thảo ý tưởng rồi đưa cho ông Phạm Văn Đồng duyệt. Nhanh lắm! Công việc cứ âm thầm tuần tự như thế gần hai tháng trời mới xong. Một bận đã khuya đang miệt mài vẽ bỗng thấy tiếng kẹt cửa, thì ra là lúc ông Phạm Văn Đồng mới đi làm về. Ông ấy bảo lên chỗ ông ấy mà ngủ. Chúng tôi theo ông ấy lên gác, căn phòng chỉ có hai cái giường sắt bệnh viện. Mệt quá! Anh em tôi thiếp đi lúc nào cũng không biết. Gần sáng, tôi tỉnh giấc đã thấy ông Đồng ngồi làm việc từ bao giờ, và đang chuẩn bị đi làm. Ông nhẹ nhàng mở cửa để không làm chúng tôi tỉnh giấc. Điều ấy làm tôi rất cảm động và nhớ mãi về một người cách mạng!"
"Người mẫu chúng tôi tìm ở ga Hàng cỏ" Mặt trước tờ 5 đồng do ông Hiến vẽ - dòng "theo sắc lệnh..." và chữ Tàu , chữ Lào là do nhà in thêm vào. Ông Hiến lần tìm trong đống tư liệu cũ rồi đưa cho chúng tôi xem tờ 5 đồng ông vẽ ngày nào. Ông giải thích, ảnh cụ Hồ trong đồng tiền này lấy từ nguyên mẫu ảnh cỡ 9x12 chụp Cụ ngày đầu về tổ quốc sau chuyến bôn ba tìm đường cứu nước. Ảnh do nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An chụp, lúc ấy bức ảnh này đã được phóng to đăng tải trên nhiều tờ báo. Tôi cứ nguyên mẫu ấy mà vẽ. Có hình Bác là dân mình yên tâm về cách mạng rồi. Rồi ông nói tiếp, cái hình anh công nhân quai búa ở mặt sau đồng tiền lúc ấy, tôi phải “mò” ra ga Hàng Cỏ tìm tổ thợ rèn ở đó, và nói với họ là đi vẽ tranh cổ động, thế là họ đồng ý cho vào ngay. Cũng mất mấy ngày trời mới ưng ý cái tư thế khoẻ khoắn, tự tin, của người đại diện cho giai cấp tiên phong cách mạng... Ông Hiến bỗng trầm ngâm một lát rồi nói tiếp: "Cái người được tôi chọn “làm mẫu” ngẫu nhiên ấy, tôi cũng không biết họ tên, quê quán anh ta ở đâu, chỉ biết ước chừng người ấy khoảng 30 - 40 tuổi gì đó. Không biết bây giờ còn sống hay đã mất? Còn cái hình nhà máy này, là do tôi tự sáng tác lấy, chẳng chọn theo một mẫu cụ thể nào, chỉ với ý nghĩ đơn giản là nước mình độc lập rồi phải có nhà máy để xây dựng tổ quốc cho dân đỡ nghèo, đỡ khổ" Tôi chỉ vào những hoa văn trang trí... Ông Hiến cười bảo: Theo mẫu ở Văn Miếu Quốc Tử giám cả đấy, có đẹp không? A, tôi còn “vẽ” dòng chữ: "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa"; "Giấy Bạc Việt Nam" và mệnh giá "5 đồng" bằng chữ quốc ngữ. Còn những chữ như: "Theo sắc lệnh của chính phủ Việt Nam kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp". Và những chữ Tàu, chữ Lào… gì gì đấy là nhà in họ thêm vào, phải đến khi đồng tiền lưu hành tôi mới biết. Đồng tiền của ta lúc đó chỉ đơn giản vậy thôi nên dễ bị làm giả. Nhưng bọn làm giả lại làm “đẹp” hơn tiền thật mới “chết”, mới “lòi đuôi ra”, dân ta nhận ra ngay đâu là tiền cụ Hồ thật, đâu là tiền giả.
Đời họa sĩ… Mặt sau tờ 5 đồng- "người mẫu" ngẫu nhiên này không biết nay còn hay mất"?. Hoạ sĩ Mai Văn Hiến quê gốc Nam Bộ, năm 1937, đỗ Thành Chung ở Huế, rồi ra học trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Cách mạng tháng Tám bùng nổ ông tham gia phong trào sinh viên cứu nước, vẽ tranh cổ động ủng hộ kháng chiến. Từ tháng 9 -11/1945 ông tham gia vẽ tiền rồi sau đó gia nhập vào đoàn Văn hoá cứu quốc. Năm 1947 ông vào bộ đội, rồi làm ở Báo Vệ Quốc Quân, trực tiếp tham gia chiến dịch Đông Bắc, Vùng Mỏ... rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Với túi đồ của anh hoạ sĩ bên mình ông xông pha trận mạc phục vụ cuộc kháng chiến với tất cảnhiệt huyết thanh xuân của một trí thức cách mạng. Ông bảo chính cái không khí hào hùng của cuộc kháng chiến đã cho ông có đựợc những tác phẩm Những lời dạy bảo, Anh bội đội Cụ Hồ với dân Tây Bắc, Du kích, Trước giờ ra thao trường, Gặp nhau… được Giải thưởng Nhà nước. Hoà bình lập lại ông làm ở Báo Văn nghệ Quân đội, rồi ở Hội Mỹ thuật Việt Nam, vẫn là anh họa sĩ, vẽ và vẽ. Năm năm nay, ông mắc căn bệnh tắc động mạch chi, ốm liệt giường. Quây quần bên ông vẫn bộn bề những tranh đủ các kích cỡ; nhỏ có, lớn có. Chúng đều được "chào đời" vào cái khoảng thời gian ngắn ngủi giữa những cơn đau! Tôi tò mò hỏi ông: những bức tranh lớn thì ông vẽ bằng cách nào? Ông Hiến vẫn cười hóm hỉnh: "Cứ lấy những thứ xung quanh kê lên xoay xở, lựa thế là vẽ được". Tôi chợt nhớ cái thời ông tham gia kháng chiến ở Bản Kéo, chỉ trong một ngày mình ông đã vẽ xong bức tranh địch vận rộng tới 20m2 và chợt hiểu ra cái cười hóm hỉnh của người hoạ sĩ đã 82 tuổi với hơn 70 năm cầm cọ. Tôi ra về. Cửa vẫn mở. Ông ngồi như đang mơ màng về phương trời nào, chương trình trên ti vi cứ vuột trôi trước mặt... Tôi lặng lẽ ra về… Không biết khi ấy người hoạ sĩ vẽ tiền cho Cách mạng năm nào đang thiếp đi do thường xuyên làm việc khuya hay đang thai nghén cho một tác phẩm mới!? • Mai Hà