Gỗ trắc thối

Chủ đề thuộc danh mục 'Diễn đàn đồ gỗ' được đăng bởi youngboss1vn, 3/8/11.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    (sưu tầm tin tức)

    Gỗ trắc thối cho mùi thơm quyến rũ thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là Trắc thối. Gỗ trắc thối chỉ dùng phần lõi những cây trên trăm tuổi. Gỗ sưa thớ mịn, vừa cứng lại vừa dẻo, có nhiều hoa văn đẹp. Thời phong kiến vua chúa dùng gỗ trắc thối để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Những năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô săn lùng trắc thối để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Trung Quốc trước đây. Người ta cho là quan tài đóng bằng gỗ trắc thối có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy. Ngoài ra, cây trắc thối thường gắn với các điển tích của Phật giáo, do đó ngày nay người ta làm những xâu tràng hạt với giá vài nghìn USD.

    Do đặc điểm hoa trắng, có mùi thơm, tán rộng, nên người ta có thể trồng làm cảnh tại các đường phố.

    Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi thì gỗ cây này còn được sử dụng cùng với dạ dày nhím làm vị chính trong đơn thuốc chữa bệnh đau dạ dày. Hiện tại ở trung Quốc người ta chiết suất một số chất có trong gỗ Sưa này để chế thuốc chữa ung thư dạ dày.
     
  2. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Thơm như trắc thối

    Trắc thối. Nhiều người phát cuồng lên vì nó. Kẻ thì nhờ nó mà phất lên thành tỷ phú, nhưng cũng có người vừa nghe nhắc đến đã đổ bệnh vì… tiếc của. Người ta săn lùng, tận diệt nó chẳng khác gì trầm kỳ và cơn sốt trắc thối dường như chưa có điểm dừng.

    ° Kỳ thú chuyện trắc thối

    Đến bây giờ mà những tay lâm tặc có hạng, những đầu nậu gỗ đã bạc tóc trong nghề cũng ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì đang xảy ra với cây trắc thối. Cách đây chục năm, cây trắc thối chỉ nhỉnh hơn cẩm lai, hương, gõ… một chút thì bây giờ đã sánh tựa trầm kỳ với mức giá tăng đến chóng mặt.

    Anh Long “sầu”, một chủ vựa gỗ và trại mộc nổi tiếng ở Nha Trang nhớ lại: Hơn 10 năm trước, giá 1m3 trắc thối chỉ khoảng 20 triệu đồng, tương đương với cẩm lai. Thế mà bây giờ đã tăng lên 700 triệu đồng và nếu đưa được ra Bắc thì phải lên đến bạc tỷ. Còn anh Trung, một tay sưu tầm đồ gỗ có tiếng, nhà ở đối diện trường Trưng Vương, Nha Trang đến bây giờ vẫn còn tiếc rẻ: Mới năm 2000 có người bạn ở Vạn Ninh vào năn nỉ mua giùm cho 2m3 gỗ trắc thối với giá hơn 20 triệu đồng nhưng tôi chẳng mua. Biết vậy bây giờ đã là tỷ phú.

    Cơn sốt thu mua trắc thối bắt đầu từ năm 2005 và thực sự phát hỏa từ giữa năm 2006 khi các đầu nậu ở Trung Quốc, Đài Loan và một số đại gia ở Hà Nội rải quân đi săn lùng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Thường dân buôn thu mua gỗ tròn có đường kính từ 20cm trở lên, nếu đã ra từng tấm thì phải có mặt ít nhất là 15cm và được tính thành khối. Ngoài tiêu chuẩn này thì được thu mua theo kg với mức giá dao động từ 300 - 500 nghìn đồng/kg.

    Tất nhiên không ít người thắc mắc: Trắc thối là cái giống gì mà đắt như vàng vậy. Tên khoa học của trắc thối là Dalbergia bouruana gagu, thuộc họ đậu, nó còn có tên gọi khác là huỳnh đàn, sưa, huê xà, hoàng hoa lý… tập trung chủ yếu ở Trung bộ và Tây Nguyên. Đây là loài thực vật rừng quý, hiếm thuộc nhóm IA cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

    Gỗ trắc thối màu vàng nhạt, lõi thẫm hơn, có mùi thơm như trầm, đặc biệt nó có vân gỗ bốn mặt chứ không chỉ 2 mặt như các loại gỗ khác và khi đưa ra ánh sáng thấy óng ánh 7 màu. Thời vua chúa phong kiến gỗ trắc thối dùng để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Những năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc quay ra săn lùng trắc thối để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Đại Hán trước đây. Được biết quan tài đóng bằng gỗ trắc thối có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy. Tuy nhiên, giá trị đích thực của nó lại thuộc về vấn đề tâm linh. Người ta quan niệm nếu chết được chôn bằng quan tài hoặc được ướp bằng bột trắc thối thì linh hồn người chết dễ được siêu thoát, đem lại điều may mắn cho gia đình. Ngoài ra, cây trắc thối thường gắn với các điển tích của Phật giáo, do đó ngày nay người ta làm những xâu tràng hạt với giá vài nghìn USD để bán cho các nhà sư và thiện nam tín nữ ở Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến giá của trắc thối được đẩy lên đến mức kinh hoàng như vậy.

    ° Săn lùng và tận diệt

    Vì những lý do trên, trắc thối đã bị tận diệt thảm khốc. Người ta triệt hạ cả những cây non, đào từng cái rễ trắc thối. Không chỉ trên rừng mà người ta còn “truy sát” nó đến từng nhà. Với mức giá quá hấp dẫn như vậy nên nhiều người sẵn sàng khuân bàn thờ, tủ áo quần, bàn ghế và thậm chí cả cái chày giã ớt đem đi bán.

    Chỉ cách đây ít tháng, Đội Kiểm lâm cơ động Khánh Hòa cũng gặp sự cố dở cười dở mếu với bọn buôn trắc thối. Một buổi chiều, bộ phận trực chiến của đội nhận được tin “mật báo” có một vụ vận chuyển trắc thối qua địa bàn. Nguồn tin còn chỉ điểm đích xác chỗ mà bọn buôn gỗ xuống hàng. Khi anh em đến nơi thì quả đúng có 3 tấm gỗ trắc thối được bó buộc thật kỹ ước chừng hơn 1m3. Khi mang gỗ về đến cơ quan thì nhận được một cú điện thoại của một đầu nậu ở Hà Nội xin “chuộc” ra với giá 300 triệu đồng. Trước thông tin này anh em càng lo sốt vó hơn, phải đi mua dây xích khóa lại thật chặt và đem giấu dưới giường ngủ. Thế nhưng khi đưa đi kiểm định mới phát hiện chỉ có lớp trắc thối được dán rất mỏng bên ngoài, còn bên trong là gỗ sơn huyết. Sau này qua quá trình tìm hiểu thì được biết, cánh lâm tặc đã chơi xỏ mấy bạn hàng ngoài Bắc, mượn tay Kiểm lâm bắt hàng để xù nợ món tiền đặt cọc trước cả tỷ đồng.
     
  3. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Vạn Ninh - Cái nôi “trắc thối”

    Thật bất ngờ khi đi sâu tìm hiểu mới thấy chính Vạn Ninh mới là cái nôi của trắc thối và điều lạ lùng hơn cả là nó chỉ có duy nhất ở núi Hòn Chảo thuộc xã Vạn Lương, Vạn Ninh. Thực ra lâu nay người ta chỉ gọi nó bằng cái tên huỳnh đàn mà huỳnh đàn thì đã quá quen thuộc với người dân Khánh Hòa.

    Những bô lão ở Vạn Lương cho biết, trước đây huỳnh đàn mọc san sát trên núi Hòn Chảo, có những cây đường kính 1m. Thế nhưng huỳnh đàn lại không được ưa chuộng bằng cẩm lai, gõ do đó chỉ có những gia đình “bậc trung” mới xài loại gỗ này. Chính vì vậy, ở Vạn Ninh có những căn nhà người ta làm toàn bằng gỗ huỳnh đàn, kể cả cày bừa cũng làm bằng gỗ này vì nó nhẹ và chắc, không bị mối mọt. Còn ở Nha Trang trước đây vẫn có nhiều gia đình đóng bàn ghế, tủ bằng gỗ trắc thối. Anh Long, chủ trại mộc cho biết có gia đình ở trước chợ Xóm Mới hiện vẫn còn giữ bộ giường tủ, bàn ghế mà giá trị hiện nay phải lên đến 1 tỷ đồng.

    Anh Lê Văn Quảng, Chủ nhiệm HTX Kinh doanh tổng hợp Vạn Lương 2 cho biết: Gỗ huỳnh đàn được sử dụng đại trà ở đây. Nhà tôi vẫn còn nguyên bộ cửa huỳnh đàn, riêng tấm phản dày 6cm, dài 2,2m được thương lái đặt mua 300 triệu đồng nhưng anh không bán.

    Trong “cơn bão” tận diệt trắc thối vừa qua, Vạn Lương cũng đã “tiêu điều”. Tất cả những vật dụng gì liên quan đến trắc thối đều được mang đi bán. Bi đát hơn cả là núi Hòn Chảo bây giờ không còn tìm đâu ra bóng dáng cây trắc thối. Hàng ngày có hàng trăm người “càn quét” khắp ngọn núi này, người ta còn đào hầm khai thác từ mẩu rễ con con, từng miếng dăm của nó để bán. Điều kỳ lạ hơn là chẳng thấy bóng dáng của lực lượng Kiểm lâm, ngành chức năng nào ra tay để ngăn chặn “thảm cảnh” này. Trao đổi với các vị lãnh đạo địa phương ở đây, họ cũng hết sức bức xúc, nhưng khả năng thì lại ngoài tầm tay.

    Có người nói, với đà này thì trắc thối sẽ bị tận diệt còn nhanh hơn cây dó bầu trước đây. Không tin thì đến Hòn Chảo sẽ thấy.
     
  4. sandep.org

    sandep.org Guest

    ô, vừa thắc mắc bên kia, giờ mới biết tại sao nó đắt thế, cảm ơn ad
     

Ủng hộ diễn đàn