Hàng ngàn đồng tiền cổ được đặt ngay ngắn trong từng cuốn sổ bằng polystyrene dày cộm. Có loại mới được sưu tầm đang nằm trong vại sành, niêu đồng, nồi đất lấm lem bụi cát. Bộ tiền cổ này đã được nhiều “chuyên gia” săn lùng trong nước hỏi mua nhưng chủ nhân của nó vui vẻ trả lời: “Phát hiện được một đồng tiền cổ là có thêm một thú vui. Tôi đang cất công đi “săn” thêm nhiều loại tiền cổ khác”. Anh là Đào Tam Tĩnh - phó giám đốc Thư viện Nghệ An. Những cuộc “săn”... Nghề chính của anh Đào Tam Tĩnh là lo chuyện lưu giữ sách trong thư viện và viết sách. Ngoài tác phẩm Khoa bảng xứ Nghệ, anh có một số công trình in chung:Tác gia Nghệ Tĩnh (hai tập), Danh sĩ vịnh Kiều, Câu đối xứ Nghệ, Bóng thi nhân... Còn chuyện đi “săn” tiền cổ thì mới “phát” từ năm 1998, bắt đầu từ một cú điện thoại của người bạn ở huyện Nam Đàn khi người này thấy một phụ nữ chuyên nghề rà sắt vụn xăm trúng một hố tiền đồng khổng lồ, đào lên cân nặng hơn 2 tạ. Anh Đào Tam Tĩnh với bộ sưu tập tiền cổ Nghe tin, anh phóng xe máy lên thì tiền đồng đã nêm chặt trong bao tải, chậu nhôm, máng cho heo ăn. Nhờ biết ít chữ nho, anh chọn lựa nhiều loại khác nhau rồi mua mỗi ký giá 6.000-10.000 đồng. Tiền đem về liền được anh và vợ con kỳ cọ, đánh sạch bùn đất, phân loại theo cách hiểu của anh từ hàng trăm trang tư liệu về lịch sử và tiền cổ. Có những đồng tiền anh Tĩnh phải đi hỏi các cụ thông hiểu chữ nho, về đối chiếu so sánh mất ba tháng tra cứu tư liệu mới đọc được. Từ đây những đồng tiền theo từng triều đại phong kiến từ Trung Quốc đến Việt Nam được sắp xếp ngay ngắn trong những bộ sưu tập đồ sộ. Tranh thủ những ngày nghỉ, ngày lễ anh tiếp tục đi “săn” theo các nguồn tin của những ông chủ phế liệu mà anh đặt cọc trước. Một lần anh sướng run lên khi thấy trong quán nước của ông già dưới chân núi - đường lên chùa Hương Tích ở xã Thiên Lộc (Hà Tĩnh), có hai đồng tiền cổ đặt trong cái đĩa sứ để bói âm dương. Anh tò mò xin xem và phát hiện một đồng rất quí mang niên hiệu “Nguyên Phong thông bảo” của thời vua Trần Thái Tông. Anh hỏi mua nhưng ông già không chịu bán bởi ông là cháu của cụ Võ Liêm Sơn cũng thông hiểu chữ nho và giữ gìn đồng tiền do dân làng đào được dưới chân núi Thiên Lộc đã lâu. Anh đi “săn” tiền cổ đến mê và kiên quyết không lần nào về không. Không nhớ hết bao lần anh đến nơi thì trẻ con đã vứt những đồng tiền cổ, vậy là anh cất công đi tìm lại. Một lần trời đang đổ mưa dông, nghe tin người bên xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đào ao thả vịt trúng một cái liễn gốm trong có nhiều tiền cổ, anh nhảy xe ôm đi ngay. Rất vui là khi anh đến cơn mưa đang làm xói bờ ao và lộ ra một ổ tiền khác. Mới đây, anh đến xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lùng một hố tiền cổ được phát hiện khi người ta di chuyển một ngôi mộ tổ cạnh đền thờ Lý Nhật Quang. Trong hố, tiền đồng xếp thành khoanh xâu bằng dây dứa dại bện rất đẹp, khoảng 1 tạ. Đây cũng là dịp anh nghe kể chuyện suối “xôi tiền” ở lạch Trắp đối diện cửa đền Cờn thi thoảng lại trôi ra một ít tiền... Anh tiếc ngơ ngẩn vì có những đồng tiền lạ chưa một lần thấy trong suối “xôi tiền’ trôi ra người ta bán 5-7 triệu đồng nhưng “mình không đủ sức để mua”. Anh kể: “Có đợt đi “săn” tôi gặp cả một bình nguyên vẹn đầy ắp tiền cổ nhưng mua dăm mười đồng họ không bán. Mua cả bình thì mình lại mắc cảnh túi rách. Thường những bình như thế dân buôn tiền cổ Nam Định, Hà Nội đã đặt mua trước để bán cho người nước ngoài. Nghe nói người nước ngoài rất chuộng loại tiền đồng cổ còn nằm nguyên trong bình cổ”. Một hũ tiền cổ
250 loại tiền đồng xưa Cổ nhất có trong tay anh Đào Tam Tĩnh là đồng tiền có in chữ “Bán tuyền” và “Bán tuyền ngũ thập” (in bằng chữ triện) của thời nhà Hán. Tiếp đó là đồng tiền “Ngũ thù” mỏng mảnh có lỗ vuông to ở giữa. Các triều đại kế tiếp đều có một loại tiền riêng, thậm chí cùng một triều nhưng có nhiều loại niên hiệu tiền khác nhau. Theo anh Tĩnh, nếu nhà Đường và nhà Nguyên chỉ có vài loại tiền thì đến nhà Tống là triều vua có nhiều loại tiền nhất, gồm chín loại: Hoàng Tống thông bảo; Thánh Tống nguyên bảo; Tống Nguyên thông bảo; Trị Bình thông bảo; Hoàng Nguyên thông bảo; Cảnh Đức thông bảo; Tường Phù nguyên bảo; Chính Hòa thông bảo; Thiên Hỉ thông bảo. Riêng vua Tống Chân Tông ở ngôi 25 năm (997-1022) nhưng cũng có đến sáu loại tiền (Chí Đạo, Hàm Bình, Cảnh Đức, Đại Trung, Thiên Hi và Càn Hưng), trong đó loại tiền mang niên hiệu “Thánh Tống nguyên bảo” được xem là đẹp nhất vì chữ của vua viết theo kiểu thư pháp được đúc trên mặt đồng tiền. Đến nhà Minh và nhà Thanh lại xuất hiện nhiều loại tiền: từ Hồng Vũ thông bảo, Vĩnh Lạc thông bảo đời nhà Minh đến Càn Long thông bảo và Khang Hi thông bảo đời nhà Thanh... Thực tế sự hiện diện của đồng tiền đã chứng tỏ uy lực kinh tế, xã hội của từng ông vua khi vừa lên ngôi. Chỉ trừ những triều vua đang lên nhưng gặp phải hoạn nạn chưa kịp xây xưởng đúc tiền nên đành chịu. Tiền đồng cổ nhất của VN được sưu tầm có chữ “Thái Bình thông bảo” thời vua Đinh Tiên Hoàng và “Thiên Phúc trấn bảo” thời Lê Hoàn. Tiếp theo các triều Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn đều có tiền đồng đúc ở Thăng Long, Huế và Vinh. Theo Lê Quý Đôn, đồng tiền “Thuận Thiên nguyên bảo” thời Lê Lợi và đồng tiền “Hồng Đức thông bảo” thời vua Lê Thánh Tông được xem là đồng tiền đẹp nhất VN lúc bấy giờ bởi hình đồng tiền xinh xắn, tròn trịa, lỗ vuông sắc cạnh, chữ nét, rõ. Chất lượng đúc những đồng tiền này khá tốt, nét chữ thể hiện đẹp không hề thua kém tiền đồng của Trung Quốc. Thời nhà Nguyễn, vua Hàm Nghi (1885) chỉ tồn tại trong vòng một năm nên “Hàm Nghi thông bảo” là loại tiền duy nhất và có số lượng ít nhất của các triều vua phong kiến. Nhưng thứ tiền hiếm hoi này đang có giá. Được biết hiện chỉ còn ba đồng tiền “Hàm Nghi thông bảo” (ở Thư viện Quốc gia Paris, Hong Kong và trong bộ sưu tập của một gia đình tại Huế). Đồng tiền này đang được giới tiền cổ quan tâm và họ sẵn sàng ngã giá 30 - 40 triệu đồng/đồng “Hàm Nghi thông bảo”.
Những đồng tiền lạ Anh Đào Tam Tĩnh còn sưu tầm một số loại tiền đồng của Trung Quốc được các nhà vua dùng làm tiền thưởng cho các quan chức có công với triều đình. Đặc điểm các loại tiền này là to quá cỡ (gấp bốn lần đồng tiền thường) và dày, nặng gấp mười lần tiền thường. Cùng với tiền thưởng là đồng tiền dùng để coi tướng số, hai mặt đồng tiền đều có in hình và chữ; có đồng mặt trái in hai chữ “Bát quẻ”, mặt phải là hình 12 con giáp; một đồng khác mặt phải hiện hình hai con hạc đang ngơ ngác chầu mặt nguyệt, mặt trái in bốn chữ “Phú quí khang vinh”. Tiền đá Đó là đồng tiền duy nhất thời văn hóa Đông Sơn còn sót lại trong bộ sưu tập tiền cổ của anh. Đồng tiền có đường kính 4,2cm, hình dẹt, xung quanh vát cạnh biểu lộ kỹ thuật chế tác, ghè đẽo rất khéo léo của người nguyên thủy trên một loại đá quí màu xanh thẫm. Khi soi đồng tiền đá qua ánh đèn hoặc kính lúp thấy ánh sáng mặt trời huyền ảo chiếu qua li ti vân đá màu hổ phách và trắng. Rất tiếc đây chỉ là một đồng tiền “trơn” (không hề có một dấu tích, hình thú vật, cây cối...) để lại. Tiền thưởng thời vua Quang Trung thì ngoài các họa tiết hoa văn sông, núi, rong, cá, đầu rồng còn có hai vế đối trịnh trọng: “Quốc phú binh cường - Nội yên ngoại tĩnh”. Tiền thưởng thời Minh Mạng cũng có câu đối bằng tám mỹ tự: “Chí công, Chí chính - Vô đẳng, Vô thiên”. Thời vua Bảo Đại cũng không hiếm tiền lạ. Đó là đồng tiền nhỏ nhất (đường kính khoảng 1cm) thường gọi là tiền gián. Triều Tây Sơn có ba loại tiền đồng “Thái Đức thông bảo” của Nguyễn Nhạc, “Quang Trung thông bảo” của Nguyễn Huệ và “Cảnh Hưng thông bảo” của Quang Toản được đúc rất mỏng nhưng chất lượng tốt, hình thức đẹp. Anh Tĩnh nói rằng sở dĩ phải đúc tiền mỏng và nhỏ như vậy là vì thời đó triều Tây Sơn ban hành chính sách tiết kiệm đồng để đúc vũ khí đánh giặc. Riêng có một đồng tiền rất đặc biệt: mặt trước đề hàng chữ “Quan Nguyên thông bảo”, mặt sau đúc nổi hình một con rồng và một vị tướng đứng cầm ngọn giáo. Hiện anh Tĩnh chưa biết niên đại chính xác của đồng tiền này. Theo anh, khả năng đây là đồng tiền Việt dành riêng cho vua dùng làm vật tín giao vị tướng cầm quân trấn giữ vùng biên ải. sưu tầm