Thợ cắt tóc sưu tập tiền cổ

Chủ đề thuộc danh mục 'Tin tức khắp nơi' được đăng bởi NgocNhung, 15/4/11.

  1. NgocNhung

    NgocNhung New Member



    Nằm thu nhỏ trong một góc cạnh đồn công an phường Phú Bình thành phố Huế, bao năm nay quán hớt tóc của anh Nguyễn Công Minh là điểm dừng chân của nhiều tay chơi tiền cổ ở Huế, mọi người tìm đến anh Minh vừa chia sẻ “thú chơi cổ ngoạn”, vừa trao đổi về nghệ thuật sắp xếp và bảo quản tiền cổ.

    Mặc dù là một thợ cắt tóc bình thường, nhưng Nguyễn Công Minh là một trong những người nổi tiếng của giới sưu tập tiền cổ thuộc thế hệ đầu của Huế. Theo anh Minh, hiện ở dưới lòng sông Hương của Huế là một kho tàng về tiền cổ.

    Thời gian qua, những người làm nghề khai thác cát sạn đã vớt được từ dưới lòng sông rất nhiều tiền của các nước như: Trung Quốc, Anh, Pháp; các thời kỳ như: Lê, thời Tây Sơn, và nhiều nhất là tiền thời các vua Nguyễn. Sự có mặt của nhiều loại tiền trên đất Huế đã chứng tỏ một thời giao thương phát triển mạnh mẽ tại kinh đô Huế xưa với thương cảng Thanh Hà, phố cổ Bao Vinh...

    Điều đặc biệt là việc sưu tập tiền cổ của anh Minh gắn liền với nhu cầu tìm hiểu lịch sử. “Người chơi tiền cổ nếu không hiểu biết lịch sử chẳng khác nào kiếm được “của quý” trong nhà mà bỏ thành phế liệu” - anh nói. Càng đọc, nghiên cứu, anh dần dần nhận ra những sự khác nhau trên các loại tiền cổ, mỗi đồng tiền đều có tiếng nói riêng của mình và cả về thời đại sản sinh ra nó. Qua đồng tiền, có thể biết được sự biến động của lịch sử.

    [​IMG]
    Anh Minh bên bộ sưu tập tiền cổ đã được sưu tầm hơn 15 năm nay. Ảnh: M.N

    Ví dụ vào thời các vua nhà Trần, đồng tiền xu được đúc to, hoạ tiết rõ ràng, đẹp thể hiện rõ nét ở hoa văn mặt phía sau đồng tiền. Điều này nó nói lên sự hưng thịnh của vương triều nhà Trần. Còn các loại tiền không chính triều của các lãnh chúa cát cứ một thời, như tiền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đồng tiền hầu hết bị đúc lỗi...

    Để đi đến những kết luận này, bên cạnh việc thông thạo về lịch sử, anh Minh còn phải dày công “rèn giũa” vốn chữ Hán của mình. Anh Minh tâm sự: “Càng sưu tầm, tìm hiểu, mình càng hứng thú với công việc này. Đặc biệt, kỹ thuật, khuôn đúc và thư pháp của tiền cổ luôn luôn hấp dẫn mình. Đồng tiền có nhiều điểm còn mập mờ càng thôi thúc người nghiên cứu tìm tòi để đưa ra những kiến giải hợp lý”. Với anh Minh, sưu tầm tiền cổ là thú vui. Những khi mệt mỏi, anh lại lần giở bộ sưu tập, mân mê, ngắm nghía từng đồng tiền là bao căng thẳng tan biến.

     
  2. NgocNhung

    NgocNhung New Member

    [​IMG]
    Bộ sưu tập những đồng xu Thái Bình Hưng Bảo niên hiệu Đinh Tiên Hoàng (970-980)

    Hiện tại, anh Minh đang có một bộ sưu tập tiền xu cổ “khổng lồ”, tập hợp tương đối đầy đủ các hiệu tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến nhà Nguyễn; trong đó, có các đồng tiền quý như: đồng “Thái Bình Hưng Bảo” thời Đinh Tiên Hoàng, đây là đồng tiền được đúc đầu tiên của Việt Nam; đồng “Đại Bảo Thông Bảo” (thời Lê Thái Tông). Ngoài ra, anh còn sưu tập tiền của Trung Quốc (thời Tần Hán, Tam Quốc, Đường...), Nhật Bản. Riêng bộ sưu tập tiền cổ các triều đại Việt Nam hiện có hơn 40 loại, mỗi triều có ít nhất 3-4 chủng loại.

    Và để có được bộ sưu tập quý giá đó, Nguyễn Công Minh đã phải bỏ ra rất nhiều công sức. Anh thường xuyên đến các cơ sở đúc đồng ở phường Đúc nhặt nhạnh hay săn lùng khắp các sạp đồ cổ ở Huế và các tỉnh lân cận để tìm mua những đồng tiền quý. Cứ nghe thông tin ở đâu có tiền cổ, có khai quật là anh tìm đến. Có khi, anh còn lặn lội ra đến Hà Nội hoặc vào TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hội An...

    Nghe đâu có người vừa nhặt được đồng tiền hiếm, dù xa hay trong túi không đủ tiền anh cũng vay mượn để mua. Với anh, sự “thích tiền… cổ” như đã “ăn sâu” vào máu.

    sưu tầm
     

Ủng hộ diễn đàn