Đôi điều về sưu tập tiền cổ ở Việt Nam

Chủ đề thuộc danh mục 'Diễn đàn sưu tập tiền xu việt nam' được đăng bởi tigon, 12/5/11.

  1. tigon

    tigon Active Member



    Tiền cổ gồm dạng công cụ và loại tròn lỗ vuông đang hiện hữu trên lãnh thổ việt Nam tạm chia ra 3 loại chính:

    1/Loại tiền của các nước khác thông thương đến Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau.(đăng 1 số hình ảnh minh hoạ)

    [​IMG]
    [​IMG]

    [​IMG]
    [​IMG]

    [​IMG]
    [​IMG]

    2/Loại tiền mang niên hiệu , niên biểu của các quốc gia khác nhưng do chính người Việt cổ chế tác để tiêu dùng, và dùng vào các mục đích khác.

    [​IMG]
    [​IMG]

    [​IMG]
    [​IMG]

    3/Loại tiền do chính các triều đại phong kiến đương triều cho chế tác theo đúng niên hiệu của mình và niên hiệu trước của các triều đại trước đó. Hoặc loại tiền không mang niên hiệu của bất cứ triều đại nào nhưng được chế tác tại lãnh thổ Việt Nam

    [​IMG]
    [​IMG]

    [​IMG]
    [​IMG]

    Các tài liệu ở Việt Nam nói về tiền cổ còn quá ít. Nhất là đương thời, các nhà chép sử chỉ thiên về chính sự. Trong đó nói đủ các hoạt động trong triều đại, từ kinh thành cho tới các vùng thôn dã, những sự hưng suy của mỗi thời…Để cấu thành các hoạt động xã hội ấy, đâu chỉ có sự quản lý hành chính đơn thuần, mà phải có các hoạt động giao thương mãi, mại. Đó là một hoạt động then chốt, vì nó đóng góp không nhỏ vào sự hưng thịnh mỗi thời đại. Vậy mà có mấy tài liệu nói rõ: Thời ấy các vị quân vương cho đúc loại tiền gì, số lượng bao nhiêu…? Mặc dù hàng ngày hàng giờ mọi người vẫn phải dùng chúng, coi chúng là phương tiện thiết yếu trong cuộc sống…Ngày nay tuy ít nhưng đã có một vài tài liệu, hay sách ảnh nói về tiền cổ ở Việt nam, ngoài văn kiện còn được minh hoạ bằng tranh ảnh rất sinh động. Nhưng thật khổ cho các tác giả đó, vì chắc chắn họ phải dành nhiều, thậm chí rất nhiều thời gian để đi sưu tầm tư liệu. Đó là các tư liệu của rất nhiều cá nhân những người chơi sưu tập gộp lại…Ai cũng biết sách là nguồn tư liệu quý, nó không những là món ăn tinh thần cho người đương thời, chúng còn là những tư liệu lưu trữ cho hậu thế. Nhưng hậu thế nghĩ gì khi lần giở những trang sách này để thưởng thức, nghiên cứu và họ hỏi:Vậy những mẫu tiền đẹp đẽ và quý báu của tổ tiên, cha ông ở đâu? Hãy mở ra cho con cháu thưởng ngoạn…! Chắc chắn tới nay chưa có sách nào đính chính: Đây là tư liệu lấy từ cá nhân các nhà chơi sưu tập, muốn mục sở thị xin hãy đi tìm họ… Đã gọi là cá nhân thì không có gì bảo đảm chắc chắn cho sự tồn tại của những mẫu tiền…Bởi hôm nay nó còn ở đây ngày mai có thể chúng sẽ đi xa trước sự mời mọc với giá cả hấp dẫn của đối tác…Tóm lại nếu không được hệ thống bảo tàng nhà nước lưu giữ, hay nói cách khác: chúng không hiện hữu trong các tủ trưng bầy tại bảo tàng thì sách vở cũng chỉ là những tài liệu bác học dùng trong nhà trường và làm món ăn tinh thần cho những độc giả ưa thích, hiếu kỳ. Mẩu chuyện có thực sau đây khiến cho không khỏi suy nghĩ.

    Ở một tỉnh nọ…có anh thợ buôn đồ cổ do có hiểu biết về tiền cổ và giá cả của chúng nên kết hợp mua tiền phôi về chọn rồi bán cho thợ buôn tiền ra nước ngoài những mẫu có giá trị từ 5 ngàn 10 ngàn trở lên…số không bán được(gọi là bã thừa)anh ta tích lại cho thành món lớn mới bán (mức bán bã dao động từ 90-100 ngàn đồng tiền Việt 1 kg). Chỉ trong khoảng thời gian 5 đến 6 năm thu mua chọn lựa và lưu giữ anh ta đã bán bỏ số bã thừa cho thợ buôn Trung Quốc, nhân việc kiến thiết lại nhà cửa. Số lượng bán cộng được 20 tấn còn mức giá bao nhiêu thì anh ta không nói; sơ tính cũng có thể biết được giá trị …chỉ thấy anh ta đã xây một căn biệt thự to đẹp để ở…Thế là mừng cho họ. Nhưng vẫn cứ thắc mắc vì chắc chắn với vị trí địa lý của mình, anh ta không thể thu mua trên khắp cả đất nước, mà mới 5- 6 năm đã gom được lượng tiền lớn như thế. Vậy thì số người thu gom như anh ta trên cả nước sẽ là bao nhiêu? Và lượng tiền xuất đi lớn tới mức nào? Nghe thì có vẻ khó tin nhưng để ý sẽ thấy có cơ sở…Những năm trước có lẽ chỉ có quân đội mới được trang bị những phương tiện kỹ thuật như máy dò mìn để làm nhiệm vụ, ngày nay có biết bao người tự trang bị cho mình phương tiện máy móc này, họ họp nhau lại thành từng tốp đi hết các hang cùng ngõ hẻm từ Nam tới Bắc dò tìm, hết ngày này qua tháng khác tới mức thành thục, họ như những đội quân chuyên nghiệp với thâm niên hàng chục năm trong nghề…Bên cạnh đội quân này còn lực lượng người thu gom cho các đại lý thu mua đồng , sắt vụn. Những người làm nghề hút sỏi cát trên các sông suối…Như vậy họ sẽ khui lên từ lòng đất, trong các hang động, dưới đáy các lòng sông, suối và trong các xóm làng với số lượng lớn đến bao nhiêu loại tiền cổ này...? Nhưng lượng bã tiền lớn đến như thế đưa xang nước ngoài để làm gì?
     
  2. tigon

    tigon Active Member

    Như đã biết Trung Quốc là 1 quốc gia rộng lớn với hàng tỷ dân, họ lại có truyền thống thưởng ngoạn và sưu tầm, sưu tập cổ vật nói chung từ hàng ngàn năm. Trong đó tiền cổ đã được họ lập trương trình đưa vào nhà trường thành 1 môn học.Với điều kiện dân trí như thế hẳn sẽ là chiếc thùng không đáy để chứa các sản phẩm loại này. Hơn thế theo thiết chế thời trung cổ: họ không được phép lưu giữ tiền tệ, để tiền đời trước tiêu được cả ở đời sau. Bởi sau mỗi triều đại , tiền cũ phải bị huỷ bỏ để đúc loại tiền mới đương triều, mặt khác họ không có thói quen chôn giấu tiền của như người Việt cổ, có chăng họ chỉ dùng tuỳ táng cho người quá cố song số lượng ít ỏi đó chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu hiện tại của họ.

    Nghĩ thì xót nhưng những cuộc ra đi của tiền cổ như nêu ở trên cũng được an ủi đôi chút, vì chắc chắn chúng còn được coi trọng chứ không chịu số phận hẩm hưu như chúng phải nằm lại ở Việt Nam, để bị đưa vào lò nung chảy ra, đúc thành những vật dụng khác…Kể cũng hơi quá nếu cứ nói tiền cổ Việt Nam lớn bé cứ bị đưa cả ra nước ngoài…

    Ở Việt Nam những người chơi sưu tập đồ cổ nói chung cũng đã có từ rất sớm tuy số lượng còn khiêm tốn, nhất là trong những năm gần đây do đời sống khá giả, số người có tiềm năng kinh tế đã mua về cho mình nhiều món đồ đắt tiền quý giá, thậm chí họ còn ra cả nước ngoài mua về với giá cả cao gấp nhiều lần trong nước. Nhưng điểm mặt số người chơi sưu tập tiền cổ lại quá ít, một phần cũng tại chữ nghĩa bất đồng, bởi ngày nay mấy ai đã thuộc chữ Hán, phần khác những đồng xu rỷ xanh, nhỏ tí, lại còn bị mục nát vì bị chôn vùi nơi xó xỉnh lâu ngày. Chúng đâu được hoành tráng, bóng bẩy như những đồ gốm sứ…Rõ ràng nhìn chúng không được bắt mắt, và chưa thể trở thành hàng hoá thì còn lâu chúng mới là đối tượng tiêu dùng.

    Có không ít những lời nhận xét, gán cho người chơi sưu tập tiền cổ: Nếu đầu óc không có vấn đề thì phải là loại người dũng cảm và tiềm năng lắm mới dám đến với thú chơi này. Qủa thực nếu không có niềm đam mê cháy bỏng thì không thể vượt qua được cửa ải này, đấy là nói đầy đủ theo đúng nghĩa đen của việc sưu tập, bởi cổ nhân đã đúc kết “Làm thì dễ, giữ lễ mới khó”

    Tuy là ít người chơi như thế nhưng xem ra cũng chẳng ai giống ai. Có người trong các lần đi sưu tầm cổ vật, gặp những mẻ tiền cổ. Lúc dăm ba cân, khi thì vài yến…Tiện chuyến đi anh ta đã mua về. Rồi tích tiểu thành đại. Trọng lượng đã lên tới cả tấn:Tiền ta ,tiền Tầu với đủ các chủng loại, lỗ rộng, lỗ hẹp, tiền đồng, tiền kẽm…Thôi thì đống lớn , đống nhỏ, hũ to, hũ bé. Anh ta xếp la liệt trong các tủ kính bầy đồ. Trông cũng hay mắt…Những người chơi sưu tập tiền cổ đánh giá: đó cũng là 1 cách chơi, không mất nhiều thời gian công sức cho việc sàng lọc tuyển lựa.Tuy chúng không nói lên được điều gì khác, ngoài ý nghĩa cổ vật. Nhưng còn hơn chúng bị biến thành đồng nát, rồi tống vào các lò hoả thiêu, hay bị đưa mất ra nước ngoài, để rồi vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại. Có người tính thực tiễn chỉ chuyên sưu tập các loại tiền Việt Nam…nhưng trên con đường hoạn lộ anh ta mới thấy mình như đang đứng ở ngã ba đường, vì trên thực tế tiền cổ Việt Nam xuất hiện quá ít mà tiền cổ Trung Quốc lại xuất hiện quá nhiều (đấy là nói tới cả các loại tiền thông dụng) bỏ thì lãng phí, mà lưu giữ để chơi thì trái với tiêu chí. Nhưng đem bán thì cũng chẳng bõ vì có được nhiều nhặn gì đâu? Có người có tiềm lực kinh tế anh ta chỉ săn lùng những mẫu tiền quý hiếm, chính triều, sẵn sàng chấp nhận bỏ ra những món tiền lớn để có cho bằng được những mẫu tiền hiếm hoi đó, nhưng dở một nỗi: Lúc có hứng, lấy chúng từ trong két sắt ra để ngắm, nhưng khi sếp chúng đứng cạnh bên nhau, trông những mẫu tiền cứ khập khiễng thế nào? Nhìn bộ sưu tập có giá trị kinh tế cao ngất ngưởng mà chúng vẫn chẳng có hồn, vì đơn thuần chúng chỉ là đống của cải quý giá . Tiêu chí của một bộ sưu tập tiền đầy đủ đòi hỏi chúng phải có đời trước, đời sau nối nhau không ngừng nghỉ.

    Người thì linh hoạt hơn, anh ta sưu tầm tất cả tiền Ta, tiền Tầu và cả tiền Nhật Bản, Triều Tiên với đủ các loại: chính triều, không chính triều và cả “ tiền gián”gồm các chất liệu vàng bạc, đồng và kẽm…Đi theo hướng này có khá nhiều thuận lợi vì đối tượng các loại tiền cổ, những năm gần đây xuất lộ khá nhiều khi có đội quân thu gom, khai thác đông đảo, người chơi sưu tập tiền lại chưa nhiều. Lợi thế quan trọng nữa là tiền cổ xuất lộ ở Việt Nam rất phong phú về chủng loại. Thường trong mỗi hũ tiền có tới hàng chục thậm chí hàng vài chục triều đại nằm lẫn với nhau. Tiền cổ nói chung được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống nên sẽ có rất nhiều khuôn đúc cùng thi công 1 lúc và đúc làm rất nhiều lần trong 1 đợt vì thế có rất nhiều các tự dạng khác nhau, tiện cho việc sưu tập, chọn lựa, sắp xếp và phân loại. Nếu may mắn và chịu khó 1 chút thì chỉ với 1 số vốn không nhiều, trong khoảng thời gian không lâu, anh ta đã có được bộ sưu tập khá phong phú về chủng loại và số lượng. Nhưng nếu để có cho được đầy đủ thì cách chơi này là hơi tham lam vì quá sức đối với 1 cá nhân… Thế là phải cố để hoà nhập vào luật chơi. Anh ta như bị lạc vào một chốn mê cung. Đường thì không bị tắc nhưng đi mãi, đi mãi vẫn chưa tới được điểm cuối cùng. Vẫn biết làm bất cứ việc gì đều phải dùng chữ “Nhẫn” nhưng trong chuyện này chỉ chữ nhẫn thì chưa đủ vì ngoài yếu tố chủ quan, con người ta còn chịu tác động cả những yếu tố khách quan.

    Có câu chuyện liên quan tới việc sưu tập tiền của một người. Năm nay cụ dễ tới ngót 90 tuổi, là người Hà Nội lại là nhà trí thức (cụ làm nghề giáo học)do hiểu biết và có vốn tiếng Hán, lại sẵn lòng đam mê, cụ bỏ công sưu tập tiền cổ từ những năm đầu thế kỷ 20. Vào thời điểm ấy việc sưu tập tiền cổ tương đối dễ, tuy chúng không phát lộ bằng các cách khai thác như bây giờ nhưng trong dân gian còn rất nhiều nhà lưu giữ được những mẫu tiền từ thời phong kiến, họ không hiểu biết nhiều về chúng nên thậm chí có thể xin, cho được…Cứ thế, mỗi ngày qua đi cụ cần mẫn bổ sung vào bộ sưu tập của mình những mẫu tiền cổ với đủ các chủng loại cả tiền Việt Nam và tiền Trung Quốc. Đến những năm 2003-2004 bộ sưu tập của cụ đã nổi tiếng trong giới sưu tầm. Các con cái cụ: trai, gái đủ cả, họ đều vương trưởng, có nghề nghiệp, công việc làm ăn và tất nhiên kinh tế khá giả…Nhưng rất tiếc chẳng ai nối nghiệp chơi của cụ vì đó chỉ là thú vui. Sở thích của mỗi người không thể gượng ép. Tuổi cao sức yếu nên cụ biết không thể giữ mãi chúng bên mình được. Động viên con cháu kế tục nhiều lần không xong, cụ viết thư tới các cơ quan quản lý chuyên ngành xin hiến tặng, đợi mãi cũng chẳng thấy hồi âm…Trăn trở tới vài năm cụ đành dứt ruột nhượng lại chúng cho những người sưu tầm…Khi trao đổi chuyển nhượng ai cũng nói lấy về để chơi; nên cụ nhượng lại mà gần như cho họ…Té ra họ đa phần là những thợ buôn…Và thế là biết bao năm với bao nhiêu mồ hôi công sức gom góp…những đứa con tinh thần của cụ bỗng chốc tan đàn xẻ nghé, làm cụ ngơ ngẩn mãi không nguôi…

    Những mẩu chuyện trên đã cho những người sưu tập tiền cổ nói riêng và tình hình tiền cổ ở Việt Nam nói chung thấy 1 tương lai không hề sáng sủa. Thực tế đúng là như vậy. Hoàn cảnh chung ở nước ta hiện nay như đã có nhà khoa học làm công tác lãnh đạo, quản lý 1 viện bảo tàng danh tiếng phải thốt lên trong 1 bài báo rằng: “…Với một quốc gia có lịch sử tiền tệ hàng ngàn năm…mà không có 1 bảo tàng tiền, thì thật có lỗi với tiền nhân và hậu thế…Tôi đã nhiều lần đề nghị với chính phủ giao cho ngân hàng nhà nước lập một bảo tàng tiền cổ, vì với đà buôn bán và thu mua tiền cổ với giá cả hấp dẫn của những tay chơi sưu tập tiền cổ nước ngoài tràn vào Việt Nam như hiện nay…thì chỉ vài năm nữa thôi nhà nước có chi nhiều tiền cũng không thể thu mua nổi. Nhưng lời đề nghị của tôi chỉ như hòn đá ném xuống ao bèo…”Cũng phải thông cảm với các nhà chức trách trong khi họ đang phải lo đủ các vấn đề thiết yếu, nóng bỏng khác cho 1 xã hội vừa mới thoát khỏi cảnh lầm than qua bao năm chiến tranh giặc dã…Chắc chắn trong tương lai không xa các vấn đề bức xúc của nhà khoa học nêu trên sẽ được xúc tiến dù phải trả tới mức giá nào…!

    Chỉ có những người đã, đang và sẽ chơi sưu tập tiền cổ sẽ phải đối diện với những vấn đề thực tế trong bối cảnh hiện tại này, bởi vì họ là những cá nhân, họ phải bỏ ra của cải, mồ hôi công sức của chính bản thân và gia đình cho cuộc chơi. Họ phải tự chịu trách nhiệm cho sự đam mê của chính mình...Nên họ cần phải biết những điều gì đang diễn ra xung quanh, vì những điều đó sẽ cho họ những bước đi đúng đắn.

    Bức tranh tiền cổ ở nước ta hiện nay quả rất nhiều sắc thái chúng được những người chơi sưu tập tư nhân vẽ lên nhưng lại bằng những loại phẩm màu rất nhạy cảm, chẳng lấy gì làm bảo đảm chúng sẽ bền vững mãi với thời gian.

    Cho dù việc sưu tầm và lưu giữ tiền cổ ở Việt Nam trước bối cảnh trên sẽ gặp vô vàn khó khăn và thách thức, những khoảng trống về tiền tệ trong suốt triều dài lịch sử hàng mấy ngàn năm của dân tộc từ thời kỳ bắc thuộc , đến những giai đoạn tự chủ sau này. Hiếm có 1 quốc gia nào có phong cách, hệ thống sử dụng tiền tệ phức tạp như ở Việt Nam dưới thời phong kiến…Đó là những ẩn số rất cần có lời giải. Chắc chắn sẽ kích thích sự hiếu kỳ cho những người chơi sưu tập. Nên sẽ có những con người vẫn ngày đêm miệt mài với công việc ,nhẫn nại vượt qua những áp lực của cuộc sống… Bổ xung thêm vào bộ sưu tập nho nhỏ của mình những mẫu tiền mới.Và cố gắng đạp bằng những trở ngại để lưu giữ chúng.Vì họ luôn sẵn niềm tin “Rồi ngày mai trời sẽ sáng”…Họ sẽ được mọi người biết đến, và trân trọng những thành quả lao động của họ, đồng cảm và chia sẻ với những nỗi vất vả mà họ đang phải gánh chịu, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, sưu tập được những bộ tiền cổ quý giá, có giá trị lịch sử ngàn năm văn hiến của đất nước.
     
    Last edited: 12/5/11

Ủng hộ diễn đàn