“Em chưa yêu thì rồi sẽ yêu!”

Chủ đề thuộc danh mục 'Tư liệu tham khảo' được đăng bởi youngboss1vn, 15/1/10.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    SGTT - Tên tuổi luật sư Nguyễn Thành Vĩnh gắn liền với sự ra đời của “giấy bạc Cụ Hồ”. Ông là con nhà đại địa chủ ở Mỹ Tho, đi học luật ở Pháp, sau đó từ bỏ tất cả để tham gia kháng chiến. Tương truyền tướng Nguyễn Bình từng cất lời thán phục: “Giàu như vậy, sang như vậy, mà bỏ hết đi kháng chiến, dân miền Nam có khác!”…

    Bà Dung bên bàn thờ chồng, cố luật sư Nguyễn Thành Vĩnh
    [​IMG]


    “Chồng tôi hiền lắm, ở với ông ấy 46 năm, chưa lần nào ông to tiếng với vợ con”, bà Nguyễn Ngọc Dung, vợ của luật sư Nguyễn Thành Vĩnh tâm tình. “Chuyện dài lắm”, bà kêu tôi ngồi xuống bên cạnh và bắt đầu kể: “Chúng tôi gặp nhau ở trong rừng. Lúc đó tôi 17 tuổi, cũng con nhà tư sản Sài Gòn, lại là con gái độc nhứt. Nhưng vì mê cách mạng nên từ giã gia đình theo kháng chiến. Một năm sau ông ấy chuyển đến chỗ tôi. Ông cứ đi theo thủ trưởng của tôi là anh Kha Vạng Cân, nhờ nói là ông ấy muốn cưới tôi. “Cô này là cháu ruột của ông chủ pharmacy nổi tiếng Nguyễn Thành Nghĩa gởi cho tôi, nó chưa chồng mà còn nhỏ, nói sao được”. Nhưng sau khi ông Cân hứa sẽ nói, ông tìm đến bà Nguyễn An Ninh năn nỉ: “Chị Ninh ơi, chị nói với Dung đi chứ tôi không xa Dung được đâu!” Ổng làm dữ quá nên tôi cứ nghe đến tên ổng là trốn luôn. Nhưng rồi sau đó ông qua chỗ tôi chơi hoài, khi thì cho tôi cả thúng nem chua (vì ông biết tôi thích), khi thì thăm hỏi ân cần, âm thầm lo lắng. Ông là dân trí thức, có học nên trọng phụ nữ, lại là người mình thương, ông càng nhẹ nhàng. Ngay từ bé tôi vốn được cưng chiều hết mức. Ở trong khu mới hơn một năm tôi nếm mùi gian khổ cũng nhiều, giờ tự nhiên có người thương chiều mình thì cũng thích!

    Cuối cùng thì cũng cưới nhau, tôi 18 còn ổng 45 tuổi. Thú thiệt hồi đó tôi không có yêu ổng. Biết gì đâu mà yêu, với lại ông hơn tôi nhiều tuổi quá. Tôi nói luôn với ông. “Thôi được rồi, em chưa yêu anh thì từ từ em sẽ yêu”. Rồi sau đó ông không nói chuyện yêu đương gì nữa, mà chăm sóc tôi hàng ngày. Có đêm thấy ổng đem đèn cầy vô mùng, tôi nói: “Anh đem vô đây không sợ cháy mùng à, nguy hiểm quá!” – “Không sao, để anh đốt muỗi cho em chứ thấy nó đốt em anh nóng ruột lắm!” Người ta yêu mình như vậy mà mình không động lòng mới lạ. Đúng là dần dần sau này sinh lần lượt sáu người con, tôi bắt đầu yêu thương hơn và ngày càng kính phục nhiều hơn khi thấy những việc ông ấy làm cho lý tưởng cao đẹp của đời mình.

    Thời kháng chiến chống Pháp, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh là uỷ viên Tài chánh của uỷ ban kháng chiến hành chánh Nam bộ. Hoà bình lập lại, ông giữ chức chánh án Toà án nhân dân TP Hà Nội và sau 1975, là chánh án Toà án nhân dân TP.HCM cho đến năm 82 tuổi. Sau đó ông đảm nhiệm chức chủ tịch hội Luật gia TP.HCM. Ông qua đời ở tuổi 92 (năm 2003).


    Giám đốc Sở Tài chính Nam bộ Nguyễn Thảnh Vĩnh ký tên trực tiếp lên tờ Công thải Nam bộ
    [​IMG]

    [​IMG]
     
    Last edited: 5/4/10
  2. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Năm 1976, tôi cùng các con về thành phố. Gia đình cũng ổn. Nhưng bắt đầu những năm tháng mới, khó khăn, gian khổ không kém gì hồi kháng chiến, chỉ khác là không còn bom đạn nữa. Gia đình tôi và gia đình ông ấy đã hiến toàn bộ tài sản cho Nhà nước nên cũng không còn gì. Người ta ăn sao mình ăn vậy, người ta sống sao mình sống vậy. Ổng chưa một lời ta thán. Ngay cả sau này, khi về hưu, nhiều bạn bè đến than thở, ông vẫn lặng im không nói gì cả. Chỉ khi có ai quá lời, xúc phạm đến chính con đường ông đã lựa chọn, ông mới lên tiếng: “Chủ trương của Đảng và Nhà nước không sai mà chỉ là do một số người thừa hành làm sai, gây hiểu lầm cho dân”. Chính vì vậy mà khi còn làm nghề ông luôn thận trọng, luôn tự nhắc nhở: “Trí phải sáng, tâm phải chính”. Từ đó, ông đã giải bao nhiêu án tử hình cho những người bị oan. Mỗi lần có những vụ án như thế, ông kể cho tôi nghe, và còn dặn lại: “Mình chăm sóc gần con nhiều, nhớ dạy các con điều đó, nếu tôi quên”.

    Giấy chuyển công tác từ Hà Nội vào tpHCM của bà Dung
    [​IMG] [​IMG]

    Tôi không biết nói như thế nào cho đúng về ông, nhưng con người ông trước sau như một. Ở ngoài sao thì về nhà vậy. Ông dạy con không bằng răn đe, roi vọt bao giờ. Đứa con nào làm sai, ông viết thư để đầu giường, hôm sau nhắc: “Con trả lời thư ba chưa?”, con tôi nghe thế, lấy làm xấu hổ mà tự sửa lỗi lầm.

    Nhưng nói vậy, không phải ổng không có tính xấu. Hồi còn trong rừng, gian khó vậy mà ông nói tôi đẻ nhiều lên, tôi nói: “Đẻ nhiều em mệt, anh không thương em sao?”, ổng vừa nói vừa giỡn: “Đẻ nhiều cho em già đi, để không ai ngó vợ anh”. Là tôi nói đến chuyện ổng ghen, người hiền vậy mà ghen dữ lắm, lại lấy vợ trẻ nữa, cho nên dù có tế nhị đến mấy mà khi ổng ghen, ông nhắc chừng tôi từng chút. Mà cũng đúng thôi, vì yêu quá mới ghen vậy chứ!

    Vậy mà sau này tôi cũng già đi thiệt, đâm ra đổi ngôi. Lâu lâu ngó hình thấy có cô cứ đứng gần ổng chụp chung, tôi thắc mắc, hôm sau ổng cho cô ấy chuyển sang chỗ khác làm ngay. Có lần, người ta đưa một cô thư ký trẻ đẹp về chỗ ổng. Tuần sau đã thấy một anh chàng khác về thay vì ổng bảo: “Đưa cô này về phòng khác, không hợp với chỗ tôi cần!” Là ổng sợ tôi ghen!

    Bây giờ ngẫm lại, tôi vẫn thấy cuộc đời mình thật sướng vì ngay từ đầu đời đã gặp được đức lang quân tài giỏi, tử tế và quan trọng nhất là yêu thương mình thật sự. Cho dù có phải trải qua biết bao nhiêu cuộc chinh chiến, thì cuối cùng, gia đình vẫn là tất cả. Đất nước yên bình, gia đình êm ấm thì đời người hạnh phúc. Vậy thôi! Mà đó cũng là điều chồng tôi mong mỏi cho đến khi nhắm mắt”.

    (sưu tầm tin tức)
     
    Last edited: 6/4/10
  3. Dog

    Dog Guest

    Bạn nầy có trong tay tờ giấy "quyết định" thật tuyệt ! Chánh án lại đi làm bản sao y ! Bây giờ chắc không có chuyện đó. (Vì họ là 1 đôi mà !)
     
    Last edited by a moderator: 6/4/10
  4. tigon

    tigon Active Member

    Tờ giấy đó đúng như bác Trần Trọng Khải nói thật tuyệt và giá trị, vì nó là bằng chứng sống động cho nội dung bài báo:"...Hoà bình lập lại, ông giữ chức chánh án Toà án nhân dân TP Hà Nội và sau 1975, là chánh án Toà án nhân dân TP.HCM...", ngoài ra nó còn có giá trị cao về mặt thời gian,vì tờ giấy này được lập chỉ sau 8 tháng đất nước được giải phóng (năm 1975).
     
  5. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    THÊM 1 BÀI VIẾT HAY VỀ LUẬT SƯ NGUYỄN THÀNH VĨNH


    Phục vụ dân chứ không phải làm vừa lòng cấp trên

    [​IMG]

    LTS: Là một trí thức nhà giàu, yêu nước, theo Đảng, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh đã cống hiến toàn bộ trí lực, tài sản cho cuộc kháng chiến. Trong vai trò uỷ viên uỷ ban hành chánh kiêm giám đốc sở Tài chánh Nam bộ, ông là người tổ chức ấn hành giấy bạc Cụ Hồ giữa chiến khu. Ra Bắc, ông được bổ nhiệm phó chánh án Toà án tối cao kiêm chánh án Toà án nhân dân TP Hà Nội. Sau 30.4.1975, ông là chánh án Toà án nhân dân TP.HCM, rồi chủ tịch hội luật gia cho đến khi về hưu. Ông qua đời ở tuổi 91 (năm 1995).

    Trong số di cảo luật sư để lại, có cuốn hồi ký mà ông gọi là “Tiểu sử tự viết Nguyễn Thành Vĩnh từ 1904 đến nay”. Được sự đồng ý của gia đình cố luật sư, SGTT xin trích đăng một số đoạn ông kể về những trải nghiệm ông học theo lời dạy của Bác Hồ: Phục vụ quyền lợi chính đáng của dân là phục vụ Đảng. Trong phần lược đăng này, chúng tôi giữ nguyên cách diễn đạt của tác giả, tựa và tựa nhỏ sgtt đặt.

    Khi bắt đầu nhận thức cuộc sống sa đoạ của mình là vì bám vào chân của thực dân thống trị để chia phần bóc lột nhân dân, tôi nhờ bạn tốt là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giúp đỡ đưa vào Mặt trận Việt Minh để trở về với dân tộc. Được phân công làm công tác “trí vận” và “công giáo vận” tôi hoạt động liều lĩnh, ỷ lại vào quá khứ không tốt đẹp của mình.

    Chỉ từ 23.9.1945, khi thực dân Pháp bao vây để bắt, hướng là để thủ tiêu và được nhân dân cứu vớt, tôi mới hiểu giá trị của người dân Việt Nam, thêm vào đó được nhân dân quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, tôi mới thực sự giác ngộ.

    Từ năm 1946 khi được chỉ định làm uỷ viên Uỷ ban hành chánh Nam bộ kiêm giám đốc sở Tài chánh Nam bộ tôi đã làm được một số việc. Nhận thức được cuộc kháng chiến sẽ lâu dài mà quân đội phải đánh giặc và hành chánh phải sống để lãnh đạo thì tiền bạc được cung cấp không sao thiếu được.

    Nhân dân rất tốt, giúp quân đội và hành chánh bằng lúa, bằng tiền, lạc quyên. Số thu hoạch như vậy không đảm bảo được việc chống giặc lâu dài. Tuy trên cơ sở sách vở vì thiếu kinh nghiệm, tôi bắt đầu xây dựng ra khung thuế theo lối tư sản, thì tiền hay lúa thu được đã có tác dụng đảm bảo cho hoạt động quân sự và hành chánh khá vững.

    Thiếu tiền, tôi xuất tiền riêng để mua vũ khí, nhưng tài sản của tôi chỉ có hạn không phải là vô tận. Thực dân phải được quân đội đánh bại. Tuy đã lấy tài sản riêng (200 lạng vàng) cấp cho quân đội mua vũ khí đánh thực dân, nhưng số này không thấm vào đâu, phải có nhiều vũ khí hơn nữa mới mở được nhiều chiến dịch. Mua vũ khí phải dùng tiền Đông Dương ngân hàng (ĐDNH).

    Tiền ở đâu? Vô cùng khó khăn bối rối! Trước dấu hỏi của các quân khu, đòi hỏi đúng?

    Bán lúa cho Pháp để chống Pháp

    Một hôm tình báo của ta ở Sài Gòn báo tin là bọn tư sản Pháp – Hoa vừa ký một hợp đồng cung cấp gạo rất nhiều lời lãi. Được sở Kinh tế thông tin, tôi đề nghị liên lạc mở cuộc điều tra.

    Một thời gian sau, tình báo nhiều nơi ở Sài Gòn cho biết là hoàn toàn đúng như vậy. Biết rõ là vùng địch chiếm, mùa màng không sao cung cấp đủ cho bọn tư sản buôn bán lúa gạo và vùng giải phóng lại trúng mùa. Nông dân chở lúa ra thành bán với giá là 20đ ĐDNH (khoảng 20kg/giạ) chở ra nhiều thì giá hạ thấp.

    Tôi nảy ra ý nghĩ là nên thử nghiệm lời nhận định của anh Ba Duẩn, nếu đúng là cơ hội kiếm được nhiều tiền ĐDNH cho quân đội.

    Trên cơ sở thử nghiệm, tôi trình với Uỷ ban ý kiến là nên mua tất cả lúa của nông dân với giá 20đ/giạ, trả phân nửa bằng tiền ĐDNH. Trường hợp có người vùng tạm chiếm vào vùng giải phóng để mua lúa thì bắt giải dẫn sở Kinh tế Nam bộ.

    Ý kiến đề xuất của tôi được toàn thể Uỷ ban Nam bộ chấp nhận. Không lâu sau, công an Nam bộ đã giải đến sở Kinh tế Nam bộ một số người đã vào vùng giải phóng mua lúa cho bọn tư sản Pháp – Hoa. Khai thác bọn này, tôi biết được là vì không có lúa để thực hiện hợp đồng ký kết, chúng nhờ họ vào vùng giải phóng để mua. Nắm được cơ hội làm ra tiền ĐDNH cung cấp cho quân đội, tôi đề nghị với Uỷ ban đòi bọn họ được trả tự do một số điều kiện là:

    Nam bộ sẽ cung cấp lúa với giá 40đ ĐDNH/giạ.
    – Chỉ cung cấp lúa ở một cửa khẩu nào đó thôi.
    – Tại đây quân đội Pháp – nguỵ không được bắn phá.
    – Cung cấp đầy đủ những vật liệu mà kháng chiến yêu cầu.

    Chúng thoả thuận thay mặt bọn tư sản các điều trừ giá cả chúng hạ còn 32đ/giạ. Uỷ ban Nam bộ đồng ý vì nếu thực hiện được trót lọt đó là cơ hội để thu một số tiền ĐDNH rất lớn.

    Đúng với dự kiến, Nam bộ mua của nông dân một khối lượng lúa rất nhiều để xuất ra thành. Thuyền bè tấp nập ở cửa khẩu, không có quân đội Pháp – nguỵ bén mảng đến. Tiền trao cháo múc.

    Nông dân rất hồ hởi. Nam bộ thu được tiền ĐDNH với số lượng rất lớn.

    “Việt Nam hoá” đồng bạc của giặc

    Khi bọn phát xít Nhật xâm chiếm Việt Nam, chúng hùa với bọn thực dân để bóc lột nhân dân đến tận xương tuỷ. Một trong biện pháp để áp dụng, chúng ra lệnh cho nhà in I.D.E.O in nhiều giấy bạc ĐDNH loại 100đ. Giấy bạc này lưu hành song song với giấy bạc ĐDNH được đảm bảo bằng kim khí quý đến lúc bọn thực dân tái chiếm Việt Nam ngày 23.9.1945.

    Bọn thực dân biết được các cơ quan kháng chiến như nhân dân ở vùng giải phóng có nhiều loại giấy bạc do Nhật đã in và cho lưu hành. Để hạn chế mức đề kháng của Nam bộ, chúng tuyên bố là đến ngày nào đó, loại giấy bạc này phải được đổi vì sẽ không còn giá trị lưu hành. Ở vùng địch chiếm, việc đổi tiền không khó, song ở vùng giải phóng việc đổi chác gặp nhiều trở ngại. Vì vậy mà trong vùng giải phóng, nền kinh tế lâm vào cảnh bế tắc, việc mua bán không còn. Uỷ ban Nam bộ nhận điện mật của các tỉnh kêu cứu, Uỷ ban chỉ đạo tôi phải giải quyết. Làm gì đây? Tôi mất ăn mất ngủ một số ngày để tìm biện pháp tháo gỡ. Cuối cùng tôi nghĩ đến “Việt Nam hoá” loại giấy bạc này.

    Bước đầu, tôi nghĩ ra biện pháp Việt Nam hoá giấy bạc là dùng một loại con dấu để đóng vào loại giấy bạc. Biện pháp này đòi hỏi phải có nhiều con dấu để chuyển cho các huyện, các tỉnh. Vì bị chia cắt, việc đi lại rất khó khăn nên biện pháp này không sao áp dụng nổi. Cuối cùng tôi nghĩ ra được biện pháp có thể thực thi: nơi nào cũng có con dấu. Đóng con dấu vào giấy bạc không được lưu hành tạo cho giấy bạc giá trị lưu hành.

    Để kiểm tra ở các địa phương cần biết những đặc điểm (chỉ có lãnh đạo mới được thông báo) là mỗi tờ giấy bạc đều có con số và có mười góc (0 đến 9). Căn cứ vào con số để biết góc nào nên đóng con dấu. Tìm ra biện pháp này, tôi báo cáo với Uỷ ban và Uỷ ban nhất trí với tôi. Do đó, mật điện được gởi cho các tỉnh.

    Không lâu sau, nền kinh tế trở lại bình thường.

    Phục vụ dân chứ không phải phục vụ lãnh đạo


    Khi được phép yết kiến Bác Hồ ngày 4.2.1955, Bác đã dạy tôi: “Chú phải coi người dân Việt Nam là chủ của chú, dẫu chú ở bất luận công tác nào với cương vị gì. Vì vậy phụng sự người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ là một nhiệm vụ chủ yếu của cán bộ”.

    Trong quá trình công tác tại Hà Nội, tôi được Bác Hồ dạy dỗ. Người luôn nhắc tôi biện pháp công tác trên, có lúc Người còn nói thêm, đại ý: “Phục vụ quyền lợi chính đáng của nhân dân là phục vụ Đảng đó, chớ không phải phục vụ lãnh đạo, chớ không phải làm như vậy là mới coi là làm vừa lòng cấp trên có khả năng chưa nắm bắt được thực tế”.

    Lúc tôi làm công tác toà án, Bác còn nhắc tôi coi chừng đừng sa vào cảnh bị mua chuộc, phải trong sạch, liêm khiết. Dầu là đứa học trò dở nhất của Bác, lời dặn dò, dạy dỗ của Bác vẫn là kim chỉ nam đối với mọi hoạt động của một chánh án có nhiều quyền.

    Nhờ sự giáo dục tận tình như vậy, tôi tránh được hai lần bị mua chuộc bằng thể xác và nhiều lần bằng vật chất. Dẫu tôi ở cảnh túng thiếu nghèo nàn.
     
  6. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Giải oan cho một tử tội

    T.V.H bị toà án tỉnh xử tử hình về tội giết người để lấy người tình. Bị cáo kháng cáo kêu oan. Có trách nhiệm xét xử lại, tôi nhận nhiều đơn khiếu oan, nhưng không nói rõ oan ở chỗ nào. Hồ sơ chứng minh đầy đủ là vợ y bị giết và xác liệng xuống sông để phi tang. Đến tỉnh để xét xử, bị cáo đòi gặp chánh án, tôi xin công an tỉnh cho phép tôi gặp T.V.H. Bước đầu công an từ chối vì T.V.H bị xử tử hình nên giam ở xà lim, nếu gặp chánh án y có khả năng hành hung. Vì có đơn kêu oan hơn nữa vì quyền lợi của người dân, tôi phải gặp họ. Đó là trách nhiệm. Không trích xuất T.V.H để dẫn giải đến tôi, nhưng tôi có thể đến xà lim với sự bảo vệ của công an. Bởi yêu cầu của tôi là chính đáng nên cuối cùng công an chấp nhận. Gặp bị cáo tại xà lim, T.V.H không có đặc điểm gì cần lưu ý, song nhìn con người tôi cho rằng y có vẻ chất phác. Giọng nói của y, cách diễn tả sự việc, tôi nhận thấy có điều uẩn khúc.

    Tôi cho y biết là toà phúc thẩm cần biết hết sự thật và sẵn sàng minh oan cho y nếu y vô tội. Điểm mà toà án cần biết là lúc vợ y bị giết y ở đâu, phải nêu cho được bằng chứng cụ thể. T.V.H im lặng rất lâu và cuối cùng y thổ lộ là lúc đó y đang ở với một phụ nữ mà chồng đã đi B từ lâu. Nếu câu chuyện vỡ lở thì người phụ nữ mà y rất yêu mến sẽ rơi vào cảnh đau khổ, hạnh phúc cũng như cuộc đời sẽ tan vỡ, vì lẽ đó y không khai nên bị xử oan.

    Hôm sau, tôi hoãn xét xử vụ T.V.H. Tôi có thể giao hồ sơ và phản ảnh mọi sự việc với cơ quan điều tra tỉnh, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết là cơ quan tỉnh ít quan tâm đến điểm mới của hồ sơ, cứ bám vào cái cũ. Về Hà Nội, tôi giao hồ sơ cho cục Chấp pháp của bộ Công an tiến hành điều tra. Một thời gian, cục Chấp pháp hoàn thành cuộc điều tra, vì đã bắt kẻ giết người đã thú tội với chứng cứ rõ ràng.

    Theo hồ sơ mới thì tên bị bắt thú nhận là cùng đi buôn hàng chuyến và đã hẹn với vợ của T.V.H ở một nơi vắng. Biết chị ta có nhiều tiền nên tại nơi vắng người, y giựt số tiền của chị. Do phản ứng của nạn nhân, y bắt buộc phải bóp cổ, vì bóp quá mạnh nên vợ anh T.V.H nghẹt thở đã chết. Y đã liệng xuống sông để phi tang.

    Ngoài đồng bào địa phương cho biết tên này đã mua sắm nhiều và cục Chấp pháp đã tìm trong gối của y đôi bông tai của vợ T.V.H. Trước những bằng chứng cụ thể như vậy, tôi mở phiên toà tạm trả tự do cho T.V.H đã minh oan cho y.

    Cãi lệnh trên

    Một vụ điển hình khác. P.V.T chủ nhiệm xí nghiệp dược phẩm ở Hải Dương bị giam giữ và bị toà sơ thẩm xử về tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa dầu hồ sơ không có chứng cứ rõ ràng. Nguồn gốc của vụ án là do mâu thuẫn trong cấp uỷ và lãnh đạo địa phương ở chỗ anh T, đảng viên, bị bắt trước đây và bị đày ra Côn Đảo nên có nghi vấn khai báo đầu hàng địch. Dẫu nghi vấn được chứng minh nó không liên quan đến tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Vì lẽ đó mà cán bộ, đảng viên công tác tại Hải Dương không tán thành biện pháp truy tố và xét xử và đã có ý kiến phản đối.

    Dẫu thật trạng là như vậy, đồng chí uỷ viên Bộ Chánh trị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn ra lịnh truy tố và xét xử. Không rõ một số thẩm phán toà hình sự Toà án nhân dân tối cao cũng đồng tình và gợi ý là khi xử lại tôi nên y án sơ thẩm. Toà án tối cao cũng theo ý kiến của đồng chí uỷ viên Bộ Chánh trị. Biết tôi không tuân lịnh một cách mù quáng nên có đồng chí thẩm phán Toà án tối cao nói với tôi: “Coi chừng cái niêu của anh”. Tôi chỉ trả lời, nếu “vì cái niêu” tôi đã theo bọn thực dân.

    Tôi đi Hải Dương với tâm trạng như vậy. Để cho quần chúng, đặc biệt là công nhân viên chức ở Hải Dương có điều kiện tham dự phiên toà để chứng minh là toà án có trách nhiệm bảo vệ luật pháp là “chân lý”, là đường lối của Đảng, tôi có công văn chánh thức mượn hội trường lớn của uỷ ban nhân dân tỉnh để mở phiên toà, yêu cầu của tôi không được chấp nhận.

    Vì toà án Hải Dương xử sơ thẩm không thông với quyết định bị áp đặt của mình, tôi kiến nghị với toà án Hải Dương là sẽ xử vụ án tại phòng xử án nhỏ bé của tỉnh với điều kiện là cho mắc loa thêm ngoài đường phố xung quanh trụ sở của phòng xử án tỉnh. Để cho công nhân viên chức tỉnh Hải Dương có điều kiện dự phiên toà và theo dõi mọi diễn biến, phiên toà sẽ bắt đầu hồi 18 giờ. Cuộc thẩm vấn công khai tại phiên toà làm cho chứng cứ mong manh của hồ sơ bị phá sản. Mọi người dự và nghe cuộc phỏng vấn và chất vấn đều có thể nhận định như vậy. Viện kiểm sát phúc thẩm, một bộ phận của Viện kiểm sát tối cao đã nhận chỉ thị của lãnh đạo nên (dầu các chứng cứ đã bị đánh tan) vẫn cứ bám vào luận điểm buộc tội vì cho rằng có đủ cơ sở thành tội.

    Quần chúng đứng xung quanh phòng xử án phản ứng bằng cách la lối, Viện kiểm sát phúc thẩm không thuyết phục được quần chúng. Khi nghị án lời lẽ và lập luận của bản án với quyết định án cho rằng anh T. không có tội và được tha bổng thì cuộc vỗ tay không ngớt của quần chúng đã chấm dứt phiên toà. Tuy trời còn tối (khoảng 2 giờ sáng) Viện kiểm sát phúc thẩm vẫn lên đường về Hà Nội để báo cáo.
    (Sưu Tầm tin tức)
     
    Last edited: 28/4/10

Ủng hộ diễn đàn