Cách nhận biết và phân biệt tiền thật, tiền giả của một số loại tiền giấy (cotton)

Chủ đề thuộc danh mục 'Tư liệu tham khảo' được đăng bởi youngboss1vn, 27/3/10.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÂN BIỆT TIỀN THẬT, TIỀN GIẢ CỦA MỘT SỐ LOẠI TIỀN GIẤY (COTTON) VIỆT NAM.

    Tiền giấy do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, cũng như tiền giấy của nhiều quốc gia khác trên thế giới, được sản xuất bằng loại giấy đặc biệt và áp dụng công nghệ in tiền hiện đại nên có khả năng chống giả cao.
    Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ luật hình sự của nước ta nghiêm cấm, cũng như có khung hình phạt rất nặng về các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và lưu hành tiền giả. Tuy nhiên, bọn tội phạm vẫn luôn lén lút thực hiện các hành vi nêu trên với nhiều thủ đoạn khác nhau, làm phương hại đối với người dân và xã hội.
    Để giúp nhân dân có thể tự kiểm tra nhằm phòng ngừa và phát hiện tiền giả, Ngân hàng Nhà nước thông báo một số đặc điểm bảo an chính của các loại tiền giấy có mệnh giá lớn như: 100.000 đ, 50.000 đ và 20.000 đ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và một số đặc điểm của tiền giả cùng loại đã xuất hiện trong lưu thông như sau:
    1. Giấy in tiền:
    a) Tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành:
    Giấy in tiền được sử dụng để in các đồng tiền mệnh giá 100.000 đ, 50.000 đ và 20.000 đ là loại giấy trắng đặc biệt được Nhà nước bảo hộ, không có bán trên thị trường.
    Khi cầm tờ tiền, ta có cảm giác giấy trơn, dai, cứng, đanh. Nếu cầm và vẩy tờ tiền, ta nghe thấy tiếng kêu thanh, ròn đặc trưng.
    Ở phía trái mặt trước tờ bạc (là mặt in hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh), chỗ giấy để trắng (không có hình in), là hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (mệnh giá 100.000đ là chân dung nhìn thẳng, 50.000 đ và 20.000 đ là chân dung nhìn nghiêng). Hình bóng chìm này được tạo ra trong quá trình sản xuất giấy, qua kỹ thuật làm vị trí giấy dày, mỏng khác nhau tạo các nét sáng hơn và tối hơn nền giấy tương ứng. Có thể kiểm tra hình bóng chìm bằng cách đưa tờ bạc lên ngang hoặc trên tầm mắt ngược chiều nguồn sáng ta sẽ nhìn thấy hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh rõ nét, có chiều sâu.
    Trên mặt và trong nền giấy in có các sợi màu bảo hiểm mảnh như sợi tơ (màu xanh, đỏ ...) được phân bổ một cách ngẫu nhiên. Các sợi màu bảo hiểm này được đưa vào trong quá trình sản xuất giấy. Khi đưa tờ bạc vào ánh sáng của đèn cực tím, nền giấy của tờ bạc sẽ phát quang màu tím sẫm và các sợi bảo hiểm nêu trên sẽ phát quang ra các màu xanh lá cây, đỏ...
    Riêng loại 100.000 đ có thêm dây an toàn (bằng Polymer), nằm ở vị trí khoảng 1/3 chiều ngang, tính từ mép phải ở mặt trước của tờ bạc. Dây an toàn nằm chìm trong giấy (được đưa vào trong quá trình sản xuất giấy), trên sợi dây có các chữ cái và con số NHNNVN 100000 rõ nét và đảo chiều liên tục (viết tắt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 100.000 đồng). Kiểm tra dây an toàn bằng cách quan sát như cách kiểm tra hình bóng chìm nêu trên, rõ hơn nếu dùng kính lúp có độ phóng đại khoảng 10 lần và có nguồn sáng chiếu từ phía sau tờ bạc.
    b) Tiền giả:
    Khi cầm tờ tiền giả, ta có cảm giác giấy bì, nhũn và không dai. Nếu cầm và vẩy tờ tiền, ta nghe thấy tiếng kêu đục, không thanh, ròn như ở tiền thật. Khi soi tờ bạc dưới đèn cực tím, nền giấy tiền giả phát màu sáng trắng, màu đen hoặc màu tím không thuần nhất.
    Giấy in tiền giả phần lớn không nhìn thấy các sợi màu bảo hiểm màu xanh, đỏ... phát quang, khi kiểm tra bằng đèn cực tím. Một số loại tiền giả được in giả sợi bảo hiểm có phát quang (nhưng màu phát quang không giống ở tiền thật).
    Giấy in tiền giả thường được dán lại bằng 2 lớp giấy mỏng. Hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm giả bằng cách in vào mặt trong của 01 lớp giấy. Khi kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trước nguồn sáng, chỉ thấy các nét in màu đen nhạt ở mặt trong giữa 2 lớp giấy, hình chân dung Bác không rõ nét, không có chiều sâu.
    Tương tự, dây an toàn ở loại 100.000 đ giả được làm giả bằng cách in mực đen vào mặt trong của 1 lớp giấy, tạo ra dòng chữ số NHNNVN 100000, nhưng dòng chữ số này không rõ nét.
    2. Các đặc điểm:
    a) Tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành:
    Hình in trên các đồng tiền mệnh giá 100.000 đ, 50.000 đ và 20.000 đ được áp dụng bằng công nghệ in đặc biệt, hiện đại với thiết kế mẫu tiền có mỹ thuật và kỹ thuật chống giả cao.
    Màu tổng thể của đồng tiền mệnh giá 100.000 đ, cả ở mặt trước và mặt sau, là nâu đậm.
    Màu tổng thể của đồng tiền mệnh giá 50.000 đ, cả ở mặt trước và mặt sau, là xanh lá cây đậm.
    Màu tổng thể của đồng tiền mệnh giá 20.000 đ, cả ở mặt trước và mặt sau, là xanh tím.
    Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được thiết kế nổi bật ở mặt trước của cả 3 đồng tiền (100.000 đ, 50.000 đ và 20.000 đ) và được áp dụng kỹ thuật in nổi, cho nên hình chân dung sắc nét, cảm giác sinh động thể hiện rõ rệt ở hai con mắt. Tương tự, cụm chữ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM và cụm chữ thể hiện mệnh giá (MỘT TRĂM NGHÌN ĐỒNG, NĂM MƯƠI NGHÌN ĐỒNG, HAI MƯƠI NGHÌN ĐỒNG) có độ nổi cao, hình quốc huy có các nét nhỏ, tinh vi.
    Số sêri của cả 3 loại tiền (100.000 đ, 50.000 đ và 20.000 đ) có màu đỏ, khi kiểm tra bằng đèn cực tím số sêri phát quang màu da cam.
    Hình định vị được áp dụng trên đồng 100.000 đ và đồng 20.000 đ, có thể nhìn thấy trên cả hai mặt đồng tiền. Đồng 100.000 đ là hình định vị âm - dương (nằm ở vị trí sát hình bóng chìm, nhìn từ mặt trước và mặt sau); đồng 20.000 đ là Hình định vị hoa văn dân tộc (ở góc trên, bên trái mặt trước đồng tiền, ngay dưới Cụm chữ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM). Hình định vị được in bằng kỹ thuật cao, trên cùng một vị trí ở mặt trước và mặt sau của tờ bạc. Khi đưa đồng tiền lên trước nguồn sáng, ta thấy hình định vị khớp khít nhau, không bị lệch về đường nét, hoa văn.
    Chữ siêu nhỏ được áp dụng đối với đồng 100.000 đ và 50.000 đ. Ở đồng 100.000 đ, dòng chữ siêu nhỏ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM được in màu nâu đậm (có thể nhìn rõ bằng kính lúp), chạy ngang theo khung trang trí phía dưới, sát phần bo để trắng. Ở đồng 50.000 đ, trên các dòng kẻ ngang màu vàng và xanh lá cây nhạt, xung quanh hình chân dung Bác Hồ có các dòng chữ NHNNVN (viết tắt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) siêu nhỏ, màu trắng liên tục nhìn rõ bằng kính lúp.
    Riêng đồng 100.000 đ, ở góc dưới, bên trái mặt trước (dưới hình bóng chìm) có hình lá cây cách điệu được in bằng mực đổi màu. Do đó ta có thể thấy hình lá cây này đổi màu khi thay đổi theo từng góc nhìn khác nhau (từ màu vàng sang màu xanh rêu, hoặc ngược lại).
    b) Tiền giả:
    Tiền giả chủ yếu được in bằng công nghệ in offset, nên hình ảnh bị mờ nhạt và không có độ nổi của mực in. Kiểm tra hình in bằng cách vuốt ngón tay lên mặt tờ bạc ta không có cảm giác nhám, gợn như ở tiền thật.
    Số sêri được in bằng phương pháp in offset, không phát quang hoặc có loại cũng phát quang nhưng không giống như tiền thật khi soi dưới đèn cực tím.
    Hình định vị hoa văn âm - dương trên đồng 100.000 đ và hoa văn dân tộc trên đồng 20.000 đ bị lệch, không khớp khít như ở tiền thật.
    Chữ siêu nhỏ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM trên đồng 100.000 đ không thể hiện thành chữ, chỉ là các chấm, vạch khi soi bằng kính lúp, có loại tiền giả thể hiện được thành chữ nhưng không sắc nét như ở tiền thật hoặc các chữ cái bị mất nét. Dòng chữ NHNNVN trên đồng 50.000 đ in không đều và sắc nét như tiền thật khi soi bằng kính lúp.
    Hình lá cây cách điệu trên đồng 100.000 đ được in bằng loại mực có màu nhũ vàng hoặc xanh, do đó không thể đổi màu khi nhìn ở các góc độ khác nhau.
    Khi kiểm tra xác định tiền thật, tiền giả cần phải dựa vào các đặc điểm chính của giấy và các đặc điểm khác, như đã mô tả ở trên. Trong quá trình giao dịch tiền mặt nhưng không có dụng cụ kiểm tra (đèn cực tím, kính lúp...), ta cần chú ý kiểm tra tờ bạc bằng cảm giác của tay khi cầm, vẩy tờ bạc và nghe xem tiếng kêu có thanh, ròn không, dùng ngón tay vuốt lên vị trí hình in có độ nổi để xem có cảm giác nhám, gợn của mực in nổi không, quan sát kỹ hình bóng chìm xem hình chìm chân dung Bác Hồ có rõ nét, có chiều sâu không. Tốt nhất, khi thực hiện các cách kiểm tra nêu trên nên đối chiếu với tờ tiền khác cùng mệnh giá (nhưng phải đúng là tiền thật) để so sánh.
    (Sưu Tầm tin tức)
     
    Last edited: 28/4/10

Ủng hộ diễn đàn