Cổ vật Óc Eo đang chảy máu

Chủ đề thuộc danh mục 'Diễn đàn cổ vật' được đăng bởi nguyentrungtin, 4/3/14.

  1. (VienDongDaily.Com - 07/07/2013)

    Bài và hình: Thomas Trương

    Cả vùng đồng bằng sông Cửu Long trước đây được xem là vùng đất của người Chiêm Thành. Có một thời vương quốc cổ nầy có một nền văn minh nổi bật. Vào khoảng thập niên 80, 90, nhiều nhà khai quật bất ngờ tìm thấy nhiều di chỉ và cổ vật Óc Eo bằng đá, gốm, đồng, vàng ở vùng đất này. Nhiều nhất là ở vùng Tứ Giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười.


    [​IMG]
    Nhiều tượng cổ thời Óc Eo trong chùa ở vùng Bảy Núi luôn bị trộm ăn cắp​


    Dần dà, người dân vùng này biết được cổ vật Óc Eo rất có giá trị. Càng về sau, khi phong trào chơi cổ vật thịnh hành, thì cũng là lúc người dân lật tung đồng ruộng, kênh rạch để tìm cổ vật. Vào thế kỷ XIX, người dân vùng Đồng Tháp Mười thường nhặt được các vật lạ sau mỗi mùa nước nổi, có loại làm bằng vàng, bạc. Song, họ chỉ nghĩ đơn giản đó là của... trời cho.
    Sau nhiều năm khai quật, giới chơi cổ vật Việt Nam đánh giá trung tâm của vương quốc Phù Nam ngàn xưa thuộc về vùng đất Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn - An Giang. Từ đây giới sưu tầm cổ vật càng chú tâm đến vùng đất này. Nông dân làm ruộng làm rẫy thường nhặt được rất nhiều vàng, nhiều loại đá quí nên lập tức hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về đây đào xới, săn tìm. Vùng Óc Eo - Ba Thê trở nên lộn xộn, bát nháo.


    [​IMG]
    Bia đá cổ thời Óc-Eo​




    Trên thực tế, tình trạng đào bới, săn tìm cổ vật Óc Eo chưa bao giờ chấm dứt. Người dân sống gần khu di tích Gò Cây Thị ở thị trấn Óc Eo cho biết:
    “Trước đây, một số người chăn bò đã nhặt được nhiều lá vàng trồi lên mặt đất sau một cơn mưa. Ngay sau đó, nhiều người đổ xô về Gò Cây Thị bới tung gò cát để tìm vàng.Vụ đó vừa lắng xuống chẳng bao lâu thì lại rộ lên tin đồn ở lung Giồng Cát thuộc cánh đồng Óc Eo, phát hiện một “mỏ” vàng lớn. Có người còn quả quyết đã thấy nguyên cái đai lưng bằng vàng. Thế là, cả con lung dài bị hàng ngàn người chia cắt thành từng đoạn nhỏ tát nước để mò tìm vàng.”

    [​IMG]
    Khu di chỉ Óc Eo ở Gò Cây Thị​


    Người dân Thoại Sơn cho biết cánh đồng Óc Eo sau mỗi mùa lúa thu hoạch xong là bị lật tung để tìm cổ vật. Ngoài chủ đất tự săn lùng hoặc thuê mướn người tìm cổ vật, cũng có nhiều người lạ đến đây đào xới, bất chấp đất của ai. Chính quyền địa phương bắt đầu xiết chặt việc mua bán cổ vật. Từ đây lại xẩy ra nhiều vụ cổ vật bị chính những người chức sắc bắt giữ rồi lấy làm của riêng, hoặc mua lại của những người chuyên mua bán cổ vật. Sau khi vàng không còn bao nhiêu trong đất, thì người đào bới ở Óc Eo lại quay sang săn tìm các loại cổ vật như tượng Phật, đồ gốm và nhất là chuỗi hạt cổ.Các vật cổ này cũng có giá cao được bán ra trong thế giới ngầm của những người sưu tầm cổ vật. Người Khơ me theo đạo Phật sinh sống nhiều ở vùng Ba Thê, Bảy Núi, khi đào được tượng quí thường mang dâng cho Chùa để thờ cúng. Rồi cũng từ đây lại xuất hiện thêm một nhóm không phải chuyên sưu tầm cổ vật Óc Eo nữa mà đi “chôm” cổ vật tại các ngôi chùa Khơ-me trong vùng. Ngay tại Óc Eo, có cả một đường dây tổ chức từng lập đội ngũ nhân công đào bới, và thu mua cổ vật. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một xâu chuỗi cổ Óc Eo (dài khoảng 3 tấc) có giá chợ trời từ 30 chỉ vàng 24 K trở lên. Các “đại gia” ở An Giang và nhiều nơi khác rất mê sưu tầm loại chuỗi này. Ngoài ra, họ còn có cả những bộ sưu tập nồi, ơ, cà ràng, bình gốm... Óc Eo và sẵn sàng bán nếu được giá cao.


    [​IMG]
    Ngọc màu tìm thấy rất nhiều trong đất, đá ở vùng Ba-Thê thị trấn Óc-eo​

    Hầu như tỉnh thành nào cũng có nhà bảo tàng và đều có các trưng bày cổ vật Óc Eo. Tuy nhiên thay vì càng có thêm nhiều cổ vật được đưa vào bảo tàng thì ngược lại cổ vật trong bảo tàng không cánh mà bay vào tay các nhà sưu tầm. Cũng có những chuyện đổi chác cổ vật từ những người của bảo tàng hay là hội viên của hội cổ vật. Một phần các nhà làm công tác quản lý cổ vật cũng chưa đủ trình độ để giám định giá trị thật của cổ vật. Còn về sức cạnh tranh để truy tìm thu mua cổ vật cho bảo tàng thì càng thua kém những nhà sưu tầm độc lập. Trong những năm qua, hoạt động chính của các bảo tàng là kết hợp với các cơ quan chuyên ngành tổ chức khai quật những di tích Óc Eo. Dù vậy, hiện vật đưa về bảo tàng không nhiều, trong đó loại nguyên vẹn chiếm tỉ lệ rất thấp. Hiện nay, các cổ vật Óc Eo còn bị làm giả hết sức tinh vi như các tượng Phật bằng gỗ, tượng đá, tượng đồng Bà La Môn, đồ gốm... Các loại đồ giả này xuất xứ ngay trong nước và từ Campuchia, Thái Lan tràn qua.



    [​IMG]
    Gốm cổ vật Óc Eo ở kho của một nhà sưu tập


    [​IMG]
    Gốm Óc eo bị thu ở huyện Thoại Sơn rồi sẽ về tay các nhà sưu tập


    [​IMG]
    Một bộ Linga trong tay nhà một nhà sưu tập cổ vật​


    Bài và hình: Thomas Trương
     

Ủng hộ diễn đàn