Gia định báo

Chủ đề thuộc danh mục 'Tư liệu ngoài sưu tập tiền' được đăng bởi youngboss1vn, 23/6/11.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    1. Lịch sử hình thành

    [​IMG] [​IMG]

    Khai sinh sớm nhứt trong làng báo quốc ngữ Việt Nam là Gia Định báo. Tờ báo tổng hợp này có khuôn khổ 25 x 32 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau khi phát hành số đầu vào ngày 15/4/1865.
    Gia Định báo (嘉定報) là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến trong dân chúng.
    Sau khi Trương Vĩnh Ký trở về nước vào năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi đấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời ông ra làm quan. Petrus Ký đã từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng 4 năm 1865, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ. Và phải đến ngày 16 tháng 5 năm 1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Đến năm 1897, Gia Định báo chấm dứt hoạt động.
    Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nhắc lại một cứ liệu xác định Gia Định báo tồn tại đến ngày 31 tháng 12 năm 1909 (44 năm), và chính thức đình bản vào 1 tháng 1 năm 1910 .
    Sau "Gia Định báo", nhà cầm quyền Pháp cũng cho phép phát hành một số báo tư nhân khác ở Nam Kỳ thuộc địa như Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1910).

    2. Phạm vi phát hành và nội dung chính

    Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp lúc đó là 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Gia Định báo có khổ 25x32cm và giá 0,97 đồng/tờ. Thời gian đầu, báo ra mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 15 hàng tháng. Báo ra mỗi tháng 2 kỳ, rồi mỗi tuần 1 kỳ, tuy nhiên ngày ra báo của Gia Định báo không cố định, khi thì thứ ba, thứ tư, lúc lại thứ bảy. Số trang của Gia Định báo cũng không cố định, khi thì 4 trang, lúc 12 trang.
    Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ. Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân; còn phần tạp vụ gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa - xã hội... Sau khi Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Gia Định báo được thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích... Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa.
    "Cũng như một số văn sĩ sinh ra ở miệt vườn phương Nam, nhà báo họ Trương chủ trương dùng một thứ chữ dễ dãi, như tiếng nói thường ngày, không một chút chải chuốt, sang sửa, viết như nói, không hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng có ý thức giữ gìn sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ dân tộc, nhưng không dung tục, thực dụng, ngôn ngữ vỉa hè, văn chương cống rãnh, mà là ngôn ngữ của những người bình dân tự trọng, có văn hóa."
    Ðơn cử nghị định ngày 16-9-1869 của Thống Soái Nam Kỳ G. Ohier, đăng trên Gia Ðịnh Báo :

    "...Kể từ ngày hôm nay, việc biên-tập tờ báo An-nam Gia Ðịnh Báo được giao cho ông Pétrus Trương-Vĩnh-Ký với tư cách Chánh-tổng-tài tờ báo nầy, ông sẽ lãnh một bổng-cấp hàng năm 3.000 phật-lăng.

    Tờ báo tiếp-tục ra hàng tuần. Nó chia làm hai phần, phần công-vụ gồm các văn-thư, quyết-định của quan Thống Soái và của nhà cầm quyền, nguyên văn bằng tiếng Pháp do Nha Nội-trị cung cấp và ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ An-nam; phần tạp-vụ gồm các bài có ích cho sự học và vui thích với các bài sử-học, luân-lý, thời-sự để có thể đọc trong các trường bản xứ và làm cho dân chúng An-nam chú ý."

    Sau đây là phần công vụ, đăng ở số 3 năm thứ 10, phát hành ngày 1-2-1874, đăng nghị định thăng trật của hai công chức như sau :

    Trường Hậu-bổ Sàigòn

    Trần Nguyên Hanh làm thông ngôn hạng 3, lên hạng nhì, đồng niên ăn 1.400 quan tiền.

    Trường Khải Tường

    Trương Minh Ký, nguyên làm thầy dạy giúp hạng ba, lên hạng nhì, đồng niên ăn 1.400 quan tiền.

    Về phần tạp vụ, một bài thuộc vào loại phiếm luận ngày nay, đăng trong số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16-2-1870:

    Người bên Tàu thường gọi là người Trung-Quốc nghĩa là nước ở giữa vì thuở xưa bên ấy có 18 nước chư hầu; chỗ Kinh thành Hoàng-đế ở lại vô ở giữa các nước chư hầu nên gọi là Trung Quốc.Người bên Tàu thường kêu mình là Ðường-nhơn hay Thanh-nhơn, nghĩa là người nhà Ðường nhà Thanh.An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v...

    Người Bắc thì kêu là Ngô, nghĩa là nước Ngô, có kẻ lại cắc nghĩa rằng vì bởi nó hay xưng mình là Ngô nghĩa là tôi.

    Kêu Các-chú là bởi người Minh-hương mà ra; mẹ An-nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy.

    Còn kêu là Chệc là tại tiếng Triều Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép, cũng như An-nam ta, thấy người ta tuổi đáng cậu, cô, chú, bác thì kêu tâng là chú là cậu vân vân. Người An-nam ta nghe vậy vịn theo mà kêu các ảnh là Chệc ...

    Còn tin tức, như mẫu tin sau đây, đăng vào Gia Ðịnh Báo số 8 năm thứ 6, phát hành ngày 8-3-1870:

    ... Có một người tên là Thiện, nhà ở gần chợ Hốc-môn. Tối 12 tháng giêng nầy người ấy xuống ghe mà ngủ, còn vợ con thì để ngủ ở nhà. Vừa đặng một hồi kế lửa phát lên, thím Thiện chạy ra la, làng xóm chạy đến, khuân đồ giùm đặng phân nửa, rồi nhà cháy trụm đi, chú Thiện có tật điếc, vợ kêu, la làng trốc trôn lồi đít, làng xóm khuân đồ tở mở, lửa cháy đùng đùng, mà cho lọt vào tai va thì nhà cửa, tài vật đã ra tro rồi...

     
    Last edited: 23/6/11
  2. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Chánh Tổng Tài Trương Vĩnh Ký muốn có những tin tức mới lạ, cùng khuyến khích những thông tín viên tự nguyện, để góp cho Gia Ðịnh Báo được dồi dào tin tức khắp Nam kỳ lục tỉnh, ông đã có lời rao sau đây, đăng trong số 11 năm thứ 6, phát hành ngày 8-4-1870
    Lời cùng các thầy thông-ngôn, ký-lục, giáo tập vân vân đặng hay:

    Nay việc làm Gia Ðịnh Báo tại Sàigòn, ở một chỗ, nên không có lẽ mà biết các việc mới lạ các nơi trong 6 tỉnh mà làm cho thiên hạ coi; nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay nửa tháng phải viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở, như:

    Ăn cướp, ăn trộm.
    Bệnh-hoạn, tai-nạn.
    Sự rủi-ro, hùm tha, sấu bắt.
    Cháy chợ, cháy nhà; mùa màng thể nào.
    Tại sở nghề nào thạnh hơn vân vân

    Nói tắt một lời là những chuyện mới lạ, đem vô nhựt-trình cho người ta biết, viết rồi thì phải đề mà gửi về cho Gia Ðịnh Báo Chánh tổng-tài ở Chợ-quán.

    Trong tờ báo, như đã nói có phần công vụ và tạp vụ, có những bài không ghi rõ xuất xứ. Trương Vĩnh Ký giải thích phần nầy:

    Những kẻ coi nhựt-trình phải có ý cũng hiểu điều nầy là:

    Thường những chuyện Tạp-vụ các nơi trong đất Nam-kỳ gửi về cho kẻ coi Gia-Ðịnh Báo, thì có kẻ coi lại, có trắc thì sửa lại cho xuôi cho dễ nghe vì các thầy gửi cho nhựt-trình thì cũng ưng chịu làm vậy; lại cũng để tên các thầy ấy ký lấy vì là của các thầy ấy viết và gửi. Còn như phần công-vụ, các bài nghị-luận quan lớn Nguyên-Soái cùng những khúc chẳng có tên ai đứng là kẻ coi nhựt-trình làm. Mà những khoản thẩm xét án các quan tham-biện hay là trả lời cho kẻ quì đơn, việc nọ việc kia thì của Hội-đồng quan Thống-soái Nam-kỳ luật-vụ làm ra sẵn rồi mà gửi đem vô Gia-Ðịnh Báo, có tên người đứng ký vô đó, thì hể gửi thế nào thì in ra thế ấy mà thôi. Cho nên khi có điều gì không được cho rõ mấy thì xin kẻ coi nhựt-trình chớ trách-cứ kẻ coi việc ấy ...

    Cũng có phần văn chương như bài sau đây, đăng trong số 39 năm thứ 19, ngày 13-10-1883:

    Nồi Ðất Với Nồi Ðồng

    Nồi đồng tính việc đi đàng,
    Rủ ren nồi đất cùng trang đang thì.
    Kiếu rằng: Chẳng tiện nổi đi,
    Ở an xó bếp, không ly góc lò.
    Vì e sẩy bước rủi ro,
    Rách lành chịu vậy, đói no vui vầy.
    Rằng da đấy cứng hơn đây,
    Phận kia dễ tính, thân nầy khó toan.
    Ðáp rằng: rủi gặp dọc đàng,
    "" Vật chi cứng cát cảng ngang không vì.
    Ðể ta qua bửa lo chi,
    Bên thì vật ấy bên thì nhà ngươi.
    Tai nghe nói ngọt tin lời,
    Chìu lòng bạn hữu bèn dời chân đi.
    Bước khua lộp cộp dị kỳ !
    Xa nhau e sợ, gần thì đụng nhau.
    Hai nồi đi chẳng đặng mau,
    Chưa đầy trăm bước đụng nhau rã rời.
    Hởi ôi Nồi đất rồi đời,
    Khôn lời năn nỉ, khôn lời thở than.
    Nơi nghèo khổ, chỗ giàu sang,
    Ở đời giao kết kẻ ngang vai mình.

    Diễn quốc âm Trương Minh Ký
    Huỳnh Ái Tông

    3. Các đánh giá về Gia định báo

    Bước đầu, Gia Định báo có mục đích chủ yếu là công cụ thông tin của thực dân Pháp ở Đông Dương với tư cách là một tờ công báo chuyên đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân. Sau này, khi Trương Vĩnh Ký chính thức làm giám đốc, tờ báo mới được phát triển mục biên khảo, thơ văn, lịch sử... Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa. Gia Định báo cũng có góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam.

    4. Các bài viết liên quan đến Gia định báo

    140 năm trước lần đầu tiên xuất hiện báo tiếng Việt
    Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt có cơ hội phổ biến trong dân, chấm dứt thời kỳ e dè, trì trệ mấy trăm năm về trước.
    Qua 140 năm gắn liền với sự phát triển của lịch sử báo chí nước nhà qua hai chế độ xã hội khác nhau (1865-2005) chữ quốc ngữ đã được cải thiện, chuyển biến để có một thứ chữ hoàn hảo như bây giờ.
    Sau 4 năm tồn tại ở Nam Kỳ, đến năm 1869 "Gia Định báo" được giao cho nhà giáo, nhà ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký "trông coi" theo một nghị định tháng 9 năm đó của thống đốc Nam Kỳ. Với tài năng bẩm sinh, nhà báo họ Trương đã tạo được sự thu hút của độc giả đương thời. Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân.
    Cũng như một số văn sĩ sinh ra ở miệt vườn phương Nam, nhà báo họ Trương chủ trương dùng một thứ chữ dễ dãi, như tiếng nói thường ngày, không một chút chải chuốt, sang sửa, viết như nói, không hoa mĩ, cầu kỳ, nhưng có ý thức giữ gìn sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ dân tộc, nhưng không dung tục, thực dụng, ngôn ngữ vỉa hè, văn chương cống rãnh, mà là ngôn ngữ của những người bình dân tự trọng, có văn hóa.
    Tờ "Gia Định báo" ra ngày 23/1/1886 thời vua Đồng Khánh đã đăng, đưa tin: Mỹ Tho ngày 14 Janvier (tháng 1) 1886, 8 giờ 15 phút buổi sáng, quan Tham biện Mỹ Tho gửi cho quan Khấm mạng, cho quan Thượng thư cùng quan Chưởng lý ở Sài Gòn, ngày hôm qua tại làng Bình Cách, tôi có bắt được một số bọn đúc đồng bạc giả, lập ra tề chỉnh đã từ lâu, bắt nhằm hồi nó đương đúc bạc, nó bằng đồng, nguyên là tiền lái "Lan Xa" (Pháp) bìa vành có đề "8.RDO.1883MC", lấy được đồ nghề nó hết, tôi không biết nó bán ra được bao nhiêu, có lẽ chắc nó bán ra nhiều lắm, ngày bắt nó, nó đã đúc được 55 đồng.
    Lối loan tin "dây thép" thuở ban đầu ấy luộm thuộm dài dòng rắc rối và nhiều lời như vậy, còn các lập quy tiếng Việt cũng không được sử dụng một cách ngắn gọn hơn, chỉ có 1 bản tin nhỏ như trên mà ngày nay chúng ta phải vất vả lắm mới hiểu được ý của cổ nhân, của tờ báo tiền bối của báo chí nước ta thuở sơ kỳ.
    Sau "Gia Định báo", nhà cầm quyền cũng cho phép phát hành một số báo khác ở Nam Kỳ thuộc địa như "Phan Yên báo" (1868), "Nông cổ mín đàm" (1900), "Lục tỉnh tân văn" (1910), cách trình bày sắp đặt tin tức, bài vở của báo chí hồi ấy rất khôi hài, đơn điệu tuy đã tạo được một hướng đi riêng dù còn giản dị, thô thiển. Khi loan tin trên báo thường xen vào các nhận xét có tính luân lý, câu văn thì mộc mạc viết đúng như lời nói, thường áp đặt lối văn có vần, có điệu trong khi viết tin hoặc tranh luận.
    Đến năm 1892, thời vua Thành Thái, khi "Gia Định báo" đã tồn tại gần 30 năm, người ta mới thấy ở xứ Bắc kỳ bảo hộ có tờ báo đầu tiên được phát hành, đó là tờ "Đông Nam đồng văn nhật báo" nhưng lại bằng chữ nho, mãi 13 năm sau (đầu thế kỷ 20) tờ "Đại Việt nhật báo" mới được xuất bản, và chỉ dùng có một nửa là tiếng Việt.
    Cho đến khi hai tờ "Đông Dương tạp chí" và "Nam Phong tạp chí" ra đời (thời kỳ 1913-1917), chữ quốc ngữ mới mang một sắc thái riêng, vừa trang trọng vừa kiểu cách.
    Song, 2 phong cách văn xuôi bằng tiếng Việt ở cả 2 miền không hẳn là có một đặc tính chung nào. Báo chí Nam Kỳ dùng văn nói lối, ở Bắc Kỳ lại viết văn pha vào những vần thơ.
    Để đạt địa vị ưu thắng, chữ quốc ngữ cũng trải qua cuộc đấu tranh vất vả, lâu dài, người Tây học thích dùng Pháp văn, lớp sĩ phu còn tiếc thời vàng son của chữ Hán. Lớp người cổ động dùng chữ quốc ngữ đã gặp khó khăn vất vả trường kỳ bởi bước cản ngăn của cả lớp tân tiến và thủ cựu, cuối cùng đã đạt địa vị độc tôn trên mặt báo từ đó đến nay./.
    (Giàng Xênh, SGGP)
     

Ủng hộ diễn đàn