Hành trình phát hành Giấy bạc Việt Nam

Chủ đề thuộc danh mục 'Tiền việt nam qua các thời kỳ' được đăng bởi youngboss1vn, 6/4/10.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    (Sưu Tầm tin tức)

    Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chủ trương phát hành tiền - khẳng định chủ quyền và sự độc lập về chính trị, kinh tế của nhà nước cách mạng non trẻ. Nhân kỷ niệm 58 năm thành lập ngành Ngân hàng, Thời báo Ngân hàng xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Nguyễn Tường Khanh về những ngày đầu in ấn và phát hành Giấy bạc Việt Nam.

    Chủ trương phát hành Giấy bạc Việt Nam đã được đề ra sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Đồng chí Phạm Văn Đồng, Uỷ viên Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ việc in và phát hành Giấy bạc Việt Nam.

    Ngày 1/12/1945 Sở Ngân khố bắt đầu phát hành các loại 2 hào, 5 hào, 1 đồng bằng nhôm và 2 đồng bằng đồng. Tuy nhiên, những loại tiền kim loại này chưa trở thành "vũ khí" để ta đấu tranh nhằm thay thế và loại hẳn tiền Đông Dương ra khỏi nước ta. Vì thế, ngày 15/11/1945 Cơ quan ấn loát thuộc Bộ Tài chính được thành lập với nhiệm vụ sản xuất Giấy bạc Việt Nam để đưa ra lưu hành phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân ta.

    Do điều kiện cách mạng mới thành công, chúng ta chưa sử dụng được nhà in cũ của người Pháp nên phải mượn máy in của nhà in Quốc Hoa (phố Hàng Bông) đưa xuống ấp Thái Hà (Đống Đa) in tiền giấy. Để tăng nhanh số lượng tiền phát hành ta phải sử dụng thêm nhà in Nguyễn Ninh (phố Hàng Than); nhà in Việt Hưng (phố Cửa Nam) và nhà in Ngô Tử Hạ (phố Lý Quốc Sư). Sau đó Bộ Tài chính quyết định điều đình để mua lại toàn bộ Nhà in Taupin của một chủ người Pháp (cửa hàng Bách hoá số 5 Nam Bộ, nay là Trung tâm thương mại) để dành riêng cho việc in tiền. Nhằm che mắt bọn phản cách mạng, nhà in được mang tên Việt Nam Quốc gia Ấn thư cục.

    Ngoài việc in giấy bạc, Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ còn có cơ sở dập tiền nhôm loại 2 và 5 hào ở phố Lò Đúc, Hà Nội; khuôn được khắc dưới hầm nhà Bát Giác (nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam). Sau đó, nhà in được dời lên đồn điền Chi Nê (của ông Đỗ Đình Thiện - một nhà dân tộc yêu nước) và một số nơi ở chiến khu Việt Bắc.

    Về mẫu giấy bạc, đích thân Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã cho mời một số họa sĩ nổi tiếng đương thời, chia ra làm nhiều nhóm: nhóm của họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ mẫu giấy bạc 5 đồng; nhóm họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ mẫu giấy bạc 10 đồng; nhóm họa sĩ Nguyễn Khanh vẽ mẫu giấy bạc 20 đồng; nhóm họa sĩ Nguyễn Văn Huế vẽ mẫu giấy bạc 100 đồng... và các họa sĩ khác như Nguyễn Sáng, Bùi Trang Trước, Lê Phả... đều tham gia vẽ mẫu tiền.

    Về hình thức, thông thường mặt trước Giấy bạc Tài chính Việt Nam có quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt sau có ảnh về công, nông, binh, và dòng chữ "Giấy bạc Việt Nam". Giá trị giấy bạc được ghi bằng tiếng Việt, Miên, Lào; số dùng là số Ả rập. Trên mỗi giấy bạc đều có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính, và Giám đốc Ngân hàng Trung ương.

    Ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 18b cho phép phát hành Giấy bạc Việt Nam từ nam vĩ tuyến 16 trở vào. Nơi Giấy bạc Việt Nam được phát hành thí điểm đầu tiên là thị xã Quảng Ngãi vào ngày 3/2/1946 (ngày mồng 2 tết Bính Tuất). Sau đó ở hầu khắp các tỉnh miền Nam Trung bộ, Giấy bạc Việt Nam - biểu tượng cho nền độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia thiêng liêng được nhân dân chào đón và hoan nghênh nhiệt liệt.

    Ở Liên khu V, theo Sắc lệnh 243 ngày 18/7/1947, Chính phủ cho phép Uỷ ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung bộ chỉ phát hành tín phiếu. Ngày 13/8/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh 154 cho mở rộng và phát hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra. Tại kỳ họp thứ hai (tháng 11/1946), Quốc hội khoá I đã quyết định cho phát hành rộng rãi Giấy bạc Việt Nam trong toàn quốc. Đó là thắng lợi lịch sử trong việc in và phát hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam, đánh dấu bước phát triển rất quan trọng của nền tài chính nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tờ bạc Việt Nam đã có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc, trở thành một vũ khí sắc bén để chúng ta đấu tranh trên mặt trận kinh tế, tài chính góp phần quyết định vào việc đảm bảo cung cấp cho nhu cầu to lớn về mọi mặt của cuộc kháng chiến.

    Sự ra đời của Giấy bạc Tài chính Việt Nam - tiền thân của Giấy bạc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày nay, là một phương tiện đắc lực để chính quyền cách mạng non trẻ huy động được sức người sức của ứng phó với muôn vàn khó khăn đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Đồng thời sự ra đời của Giấy bạc Tài chính Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền về kinh tế - tài chính độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
     
    Last edited: 28/4/10

Ủng hộ diễn đàn