Hào khí cách mạng Tháng 8 – Sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử

Chủ đề thuộc danh mục 'Tư liệu ngoài sưu tập tiền' được đăng bởi youngboss1vn, 19/8/10.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Nguồn: http://tin247.com/hao_khi_cach_mang..._xuyen_suot_chieu_dai_lich_su-7-21636043.html


    Cách mạng tháng Tám là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sau thắng lợi này, nước ta từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ nước nhà. Trải qua nhiều năm, hào khí cách mạng Tháng Tám như một sợi chỉ đỏ, xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc

    Từ thủ đô gió ngàn

    Trở lại Tuyên Quang – thủ đô kháng chiến năm xưa - vào những ngày tháng Tám lịch sử này, chúng tôi có cơ hội được đến thăm một số cán bộ lão thành cách mạng và được nghe kể về không khí sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Một niềm tự hào xen lẫn sự trân trọng thành quả giữ vững và bảo vệ chính quyền cách mạng trong 65 năm qua của nhân dân ta.

    Phát lệnh Tổng khởi nghĩa năm 1945
    [​IMG]

    Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Nghiên Bút Ngọc, cán bộ lão thành cách mạng, trú tại tổ 3, phường Phan Thiết (thành phố Tuyên Quang). Khi chúng tôi đề nghị ông kể lại kỷ niệm kháng chiến, vị lão thành cách mạng đã vui vẻ cho biết: Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, mặc dù chưa nhận được chỉ thị trực tiếp của Trung ương, đồng chí Song Hào, Bí thư Khu uỷ Nguyễn Huệ cùng các đồng chí Tạ Xuân Thu, Khánh Phương… đã họp bàn cần nhanh chóng hành động, tổ chức quần chúng đấu tranh, từng bước giành chính quyền. Thanh La (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương ngày nay) được chọn là trọng điểm chỉ đạo. Cuộc thử sức bắt đầu bằng việc tước vũ khí của lính dõng ở một xóm. Bọn địch hầu như không có phản kháng. Khởi nghĩa ở Thanh La ngày 10/3/1945 nổ ra là khởi nghĩa sớm nhất trong cả nước đã thắng lợi, mở đầu tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

    Sau khởi nghĩa Thanh La, từ tháng 3 đến tháng 5, nhân dân các xã trong huyện Sơn Dương và các huyện, thị xã trong tỉnh đã đứng lên tự giải phóng, cướp chính quyền về tay nhân dân.

    Đáng chú ý là trận đánh đồn Đăng Châu (thị trấn Sơn Dương ngày nay) vào ngày 15/3/1945 đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đây là trận thử sức đầu tiên của quân cách mạng, bộc lộ rõ nét tình thế của Cách mạng Tháng Tám: Từ khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa, cho thấy sự lãnh đạo nhạy bén, kịp thời nắm thời cơ của Đảng ta. Giải phóng Đăng Châu dẫn đến thành lập Ủy ban nhân dân châu Tự Do, đó là ủy ban nhân dân cấp huyện được thành lập đầu tiên trong cả nước.

    Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào chuẩn bị lãnh đạo Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.

    Ông Phùng Hậu Giành, năm nay đã 91 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng ở tổ 8, phường Tân Quang (thành phố Tuyên Quang) cũng không giấu được nỗi xúc động khi nhắc lại kỷ niệm những ngày tham gia kháng chiến. Ông kể rằng, tháng 3/1945, khi đó ông là công nhân lái xe hơi tại khu phố Tam Cờ (thành phố Tuyên Quang ngày nay) được phân công phụ trách Đội nhi đồng cứu quốc của khu phố với gần 100 em thiếu nhi. Là người thông thạo đường, phố nên ông đã được chọn vào chiến khu để chuẩn bị cho khởi nghĩa giải phóng thị xã Tuyên Quang.

    Ngày 17/8, sau khi làm lễ tế cờ, đồng chí Song Hào đã đọc bản Quân lệnh số 1 ra lệnh tiến về giải phóng thị xã Tuyên Quang, giao cho ông làm tổ trưởng tổ lái xe hơi cứu quốc gồm 7 người. Chỉ với 1 khẩu súng duy nhất, tổ đã tiến đánh kho bạc, thu súng của địch trang bị cho các đồng chí trong tổ.

    Sau 4 ngày đêm chiến đấu anh dũng, ngày 21/8, toàn bộ quân Nhật rút khỏi thị xã, thị xã được giải phóng. Đêm 21/8, thị xã Tuyên Quang tổ chức mít tinh, thành lập chính quyền cách mạng, ra mắt Ủy ban lâm thời. Mỗi người dân đem theo một bó đuốc, cả thị xã rực sáng trong ánh đuốc, trong niềm hân hoan của chiến sỹ và nhân dân.

    Và Hà Nội ngày này năm xưa

    Tháng 8/1945, khắp nơi quần chúng hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa đã đồng loạt nổi dậy. Thủ đô Hà Nội những ngày Tháng Tám ấy cũng hừng hực khí thế giành chính quyền.

    Hà Nội những ngày Tháng 8 năm 1945
    [​IMG]

    Cụ bà Nguyễn Thị Tố ( Hoàng Hoa Thám – Hà Nội) năm nay đã 81 tuổi, xúc động kể lại: “Ngày đó tôi là cô bé 16 tuổi, theo các anh chị lớn hơn tham gia vào các phong trào đoàn thể. Tôi còn nhớ, ngày 17/8 năm ấy, có một cuộc mít tinh rất lớn ở Nhà hát thành phố, tôi đã đến xem. Khi cuộc mit tinh vừa khai mạc thì cờ đỏ sao vàng bất ngờ xuất hiện trước đám đông. Các đội viên tuyên truyền của Việt Minh xông lên giành lấy diễn đàn, thông báo tin Nhật đầu hàng và kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh khởi nghĩa. Hôm đó, mọi người tự động xếp thành hàng lối ngay ngắn, có các đội viên tự vệ chiến đấu dẫn đầu, đi từ Nhà hát lớn qua các phố trung tâm, hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”…

    Trước khí thế cách mạng của quần chúng dâng cao, chính quyền bù nhìn đã không dám chống cự. Theo các tài liệu sử học, ngày 18/8, cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện trên các đường phố Hà Nội, từ Bưởi qua Dịch Vọng, xuống Tương Mai, Mai Động…

    Ông Vũ Văn Lượng, một cán bộ lão thành cách mạng Hà Nội năm xưa, cho biết thêm: “Sáng 19/8, hàng chục vạn nhân dân nội thành, ngoại thành Hà Nội đã xuống đường biểu dương lực lượng. Tất cả tập trung trước Nhà hát lớn. Đúng 11 giờ, Ủy ban khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó, cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng, có sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu, lần lượt chiếm các cơ quan đầu não của địch như: Phủ Khâm sai Bắc Bộ, Sở mật thám, Sở Bưu điện….Tối 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi.”

    Trải qua nhiều năm, cảnh vật năm xưa giờ đã khác, những con người làm nên lịch sử đã người còn người khuất…nhưng hào khí cách mạng năm xưa vẫn còn nguyên trong lòng mỗi người dân Việt. Hào khí cách mạng như sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử, để mỗi năm đến ngày này, những người con đất Việt lại lâng lâng niềm tự hào dân tộc.
     

Ủng hộ diễn đàn