“Thú chơi nào cũng tốn kém cả” – Đối với máy ảnh thì thời gian, tiền bạn dành cho nó có lẽ không có điểm dừng. Lỡ nghiện vào thì khó mà ngừng lại, một khi luôn có “chiến hữu” cùng niềm say mê thì lại càng có nhiều nốt thăng trầm của cuộc sống thêm phần thi vị. Chiếc máy ảnh là một sản phẩm khá thú vị, đối với người kia nó là công cụ lao động, khi đến với người nọ nó lại là một thiết bị làm nên nghệ thuật, một số người thì nó là món đồ chơi lạ mắt đắt tiền. Do nhiều sự nhìn nhận như thế, máy ảnh luôn có sức hút mỗi khi ta cầm nó trên tay. Từ đường nét, gờ kim loại uốn lượn, độ nhám của thân máy, các chi tiết chức năng khác nhau, ốc vít sắc xảo luôn cho người xem bị mê hoặc. Mò kim đáy bể Ngày nay, chiếc máy ảnh càng được số hóa với nhiều tính năng mới, công nghệ hiện đại, giá thành tuy không hề rẻ nhưng vấn đề sở hữu cũng dễ dàng. Nhưng đối với những dòng máy ảnh cổ còn đủ chất nguyên thủy thì việc tìm kiếm, sở hữu được chúng thì rất nan giải. Máy ảnh được du nhập vào nước ta khá sớm, thời Pháp thuộc nó được mang về từ những gia đình địa chủ, công chức chính quyền. Vào những năm trước 1975, tại Sài Gòn các tiệm ảnh xuất hiện khá nhiều, dịch vụ chụp ảnh làm ăn rất phát đạt. Đồng thời, nhiều gia đình giàu có cũng đã sở hữu những thương hiệu máy ảnh đắt giá như Leica, Contax, Rolleiflex… Giá trị một chiếc máy ảnh lúc đó khá lớn, gần như có thể tương đương một căn nhà nhỏ. Trong giai đoạn trước hội nhập kinh tế thị trường 1986, số máy ảnh cổ đã theo chân một số người Việt định cư ra nước ngoài, một số khách Tây sang Việt Nam săn lùng mua lại. Hiện nay, gần như các tiệm bán máy ảnh lớn trên các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ đều không có mặt hàng này, thậm chí trên đường Lê Công Kiều chuyên kinh doanh đồ cổ cũng không có những món hàng đáng giá nào để trưng bày. Người sở hữu máy ảnh cổ thường không bao giờ có ý định bán đi, thậm chí họ cũng không muốn nhiều người bíết mình đang sở hữu những chiếc máy quý giá. Những dòng máy có tuổi thọ cao, hoặc thuộc những loại sản xuất có sổ lượng giới hạn thường có giá thành rất lớn, có thể lên vài chục ngàn đô la Mỹ. Đa dạng trường phái Giới săn máy ảnh cổ cũng chia ra nhiều thành phần, tùy theo tiêu chí riêng của cá nhân họ. Có thể chia làm 3 thành phần tương đối phổ biến. Thành phần thứ nhất, họ chuyên săn tìm hàng “độc hại”, bắt buộc người chơi cần phải khá am hiểu về nhiều dòng máy ảnh, đầu tư rất nhiều thời gian để tra cứu, tìm hiểu quá trình phát triển của các hãng máy ảnh. Mục đích là săn tìm những đời máy được sản xuất với số lượng giới hạn hoặc những dòng máy ảnh đã mang đến sự thành công của hãng, thậm chí trở thành “huyền thoại”. Đối với người chơi này, túi tiền của họ cũng thuộc dạng “nặng ký” để có thể bất cứ lúc nào cũng có thể móc hầu bao mua ngay, vì chỉ trong tích tắc món đồ sẽ có người khác sở hữu. Phạm vi hoạt động của họ mang tính chất toàn cầu và quan hệ bạn bè rất rộng trên các nước. Thành phần thứ hai, người chơi thường chăm chỉ tìm kiếm cho mình đủ bộ những dòng máy ảnh hoặc vô số ống kính với đầy đủ tiêu cự của một hãng máy ảnh nào đó. Đi đôi với việc như vậy, người chơi cũng ưu tiên làm cho bộ sưu tập của mình phải là những sản phẩm tuy tuổi thọ cao, nhưng phải có độ mới càng nhiều càng tốt. Việc này đi đôi với hành động tìm kiếm những món cùng loại có độ mới hơn, đồng thời bán đi những thứ đang có nhưng cũ hơn. Thông thường, người chơi dạng này tương đối kỹ tính, thu nhập trung bình khá và có quan hệ rộng trong giới mua bán máy ảnh. Thành phần thứ ba, đa số họ bị mê hoặc bởi các tính năng riêng biệt của từng đời máy ảnh, bởi phụ kiện “thiên la địa võng” ra mắt qua nhiều năm tháng. Họ thu gom máy cổ với giá vừa phải, vừa nghiên cứu sách báo, internet và tụ tập các anh em cùng sở thich để đàm đạo, chuyện trò trao đổi kinh nghiệm. Đa số họ là những người trẻ tuổi có đam mê kỹ thuật, có thu nhập trung bình khá. Nhìn chung, những giao dịch mua bán thường là sự trao tay giữa các nhà sưu tập, săn hàng trên mạng và nhờ người quen xách tay từ nước ngoài về. Xu hướng người mua vào nhiều hơn bán ra, do vậy lượng máy cổ càng ngày càng ít đi, trong khi lượng người có “máu” sưu tập lại tăng lên nhiều hơn. Máy ảnh, ống kính là một thế giới kỹ thuật đầy đam mê nhưng cũng lắm nhọc nhằn khi tìm hiểu và sở hữu nó. Để sở hữu một chiếc máy trong bộ sưu tập còn thiếu của mình, người chơi lắm khi phải tốn kém không ít tiền của để tìm kiếm. Việc mua đúng giá trị của món đồ cũng lắm khi nhiều nước mắt, chỉ vì thiếu thông tin mà người mua phải tắc lưỡi hoặc khóc thầm. Chiếc Hasselblad sản xuất kỷ niệm 20 năm. Mẫu Hasselblad được sử dụng trên phi thuyền Apollo 11 đổ bộ lên Mặt Trăng, có thiết kế nút bấm riêng biệt cho phi hành gia sử dụng. Konica M-Hexanon 50mm f/1.2 Limited số hiệu 1914/2001 được sản xuất mừng Thiên niên kỷ thứ 3 (đầu năm 2001) Chiếc Leica có số hiệu 194/300 sản xuất cuối Thiên niên kỷ thứ 2 (cuối năm 2000), số lượng 300 cái do Hiệp hội Leica châu Á đặt hàng Rolleiflex được sản xuất kỷ niệm 75 năm (1920-1995) có số serie 7/5 đặc biệt từ trước đến giờ. Số lượng 900 cái được sản xuất trong 12 tháng, một tháng chỉ 75 cái được bán ra. sưu tầm tin tức