Người 35 năm giữ gìn kho cổ vật

Chủ đề thuộc danh mục 'Diễn đàn cổ vật' được đăng bởi thanh_an, 12/9/09.

  1. thanh_an

    thanh_an New Member

    Toquoc)- Gia đình nghèo, bỗng dưng phát hiện cổ vật nhưng không bán lấy tiền mà gìn giữ cho khách thập phương tham quan, bà là Trần Thị Nghiên (xã (nay là phường) Trung Hưng, thành phố- nay là thị xã Sơn Tây, Hà Nội).



    Đói cũng không bán cổ vật



    Suốt 35 kể từ ngày phát hiện được những cổ vật quý hiếm trong khuôn viên khu đất của gia đình, sát nền của ngôi miếu cổ, nay là Đền Trình Phủ Mẫu, bà thủ từ Trần Thị Nghiên luôn gìn giữ, bảo quản cẩn thận. Giờ đây, những cổ vật quý giá này vẫn được trưng bày, phục vụ du khách thập phương chiêm bái hàng ngày tại Đền Trình Phủ Mẫu (Cầu Cộng, phường Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội).







    Suốt 35 năm qua, bà Trần Thị Nghiên luôn gìn giữ những cổ vật quý, trưng bày phục vụ khách thập phương chiêm bái



    Bà Nghiên dân gốc của đất Sơn Tây, sinh ra trong một gia đình nghèo. Vào năm 69 của thế kỷ trước, vợ chồng bà được xã Trung Hưng cấp cho khu đất ở bãi nổi ven sông Tích Giang, trong đó có phế tích Đền trình Phủ Mẫu là một ngôi miếu cổ (nằm trong quần thể di tích Đền Và) để tăng gia sản xuất. Năm 1974, gia đình bà Nghiên trong lúc cải tạo vườn đã phát hiện ra một số cổ vật quý giá như: Tượng thờ và tranh thờ cổ; Đồ tượng khí gồm một quả chuông thờ bằng đồng kích cỡ 15-22 cm đậm nét hoa văn thời Lê, trên khắc dòng chữ Hán “Đông giáp Nguyễn Khắc Thư cung tiến”; hai lư hương, hai cây nến, hai con hạc làm bằng đồng, chóe cổ gốm đời Thanh. Đặc biệt còn có hai cuốn sách, một cuốn cổ sử có tên “Hán Việt sử tam ước toàn biên” ghi lại đất nước từ thời Hồng Bàng đến thời Hậu Lê và một cuốn Địa mẫu chân kinh, ghi lại sự tích các vị tiên thánh và địa điểm thờ đạo mẫu ở nước ta từ thời Bắc thuộc đến thời nhà Nguyễn...



    Ngay khi đào được kho cổ vật, nhiều người khuyên bà nên đổ đi vì sợ “phạm tội với ngài”, nhiều kẻ gạ gẫm, mua bán, đổi chác...



    Biết là cổ vật quý hiếm, dù chữ nghĩa ít, đông con, gia đình lâm vào cảnh khó khăn nhưng bà Nghiên nhất mực không bán. Bà bảo gia đình tôi có chết đói hết tôi cũng không bán, vì đó là những cổ vật quý của lịch sử để lại. Bà đã trình báo với UBND xã Trung Hưng, phòng VH-TT thị xã Sơn Tây, Viện Bảo tàng Dân tộc. Sau đó, các đơn vị có thẩm quyền thuộc cấp cơ sở và thành phố Sơn Tây ghi nhận vào biên bản chờ giám định niên đại cổ vật cho bà. Cũng trong thời gian đó, gia đình bà Nghiên đã làm đơn xin được xây dựng một ngôi đền trên nền ngôi đền cổ đã bị đổ nát để kho cổ vật được giữ gìn, bảo quản tốt nhất. Cùng chung tay với gia đình bà là đông đảo khách thập phương khi về tham quan Đền trình Phủ Mẫu cũng góp một phần công đức để trùng tu ngôi đền ngày càng uy nghi hơn.



    Theo cụ Thán, cụ Thượng (từ chính ở Đền Và) kể lại, chính nền ngôi miếu cổ theo truyền thuyết là nơi thờ Đức Thành Tản Viên, xưa kia đi kinh lý ngồi nghỉ câu cá và truyền cho nhân dân nghề chài lưới để mưu sinh. Nằm bên bờ sông Tích, ngôi miếu là di chỉ vật thể, liên quan đến truyền thuyết “Đàn cá đá và ông Thánh ngồi câu cá” trong kho tàng huyền tích xứ Đoài. Theo khảo cứu của các chuyên gia Viện nghiên cứu Hán Nôm và Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, những hiện vật hiện được trưng bày tại Đền Trình là cổ vật có giá trị rất lớn về văn hóa lịch sử từ thời Trần Lê- Nguyễn, nằm trong quần thể di tích lịch sử Đền Và của thành phố Sơn Tây.



    Chính quyền xã 2 lần đập phá



    Suốt 35 năm trông coi, gìn giữ kho cổ vật, giờ bà Nghiên đã 76 tuổi nhưng công việc chăm lo nhang đèn và bảo quản kho cổ vật còn nguyên vẹn. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nghiên cho biết các hiện vật được trưng bày đúng vị thế, nguyên bản. Gia đình bà được chính quyền giao trọng trách trông coi và tôn tạo ngôi đền theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng thị xã Sơn Tây, tuân thủ theo các nội dung đã quy định và đều có sự giám sát của ban văn hóa địa phương.







    Điều lo lắng nhất của bà là việc bảo quản cổ vật cho thế hệ sau này sẽ được lưu giữ dưới hình thức nào?



    Tuy nhiên, sau khi được thị xã Sơn Tây cho phép treo biển chỉ dẫn để khách thập phương tìm về với Đền trình Phủ Mẫu thì đã bị chính quyền xã Trung Hưng chỉ đạo đập phá hai lần trong khi gia đình bà chưa có sai phạm về tín ngưỡng.



    Trong trí nhớ của người thủ từ ở tuổi cổ lai hy vẫn nhớ nguyên vẹn những lần bị đập phá đó, bà than thở: “Vừa dựng được tấm biển hiệu của Đền Trình thì có người của xã đến đập phá, tôi còn nhớ có ông Chu Đức Nhân nói trên đài truyền hình Hà Tây đây là đền giả, rồi biên bản đập biển hiệu có bà Phùng Thị Yến ký, rồi lần thứ hai có cả ông Phó chủ tịch xã Phùng Văn Cường cũng đến đập... Tôi còn nhớ những người kéo đến đập phá biển hiệu ngôi đền đều là Đảng viên, biên bản đập phá ghi rõ đầy đủ tên họ của những người này, có ông Phan Huy Đô ký và làm chứng cho chúng tôi, trong khi phía Thành phố Sơn Tây lại rất ủng hộ. Vậy họ kéo đến đập phá biển hiệu của đền là vì lý do gì?”



    Điều lo lắng nhất của bà là việc bảo quản cổ vật cho thế hệ sau này sẽ được lưu giữ dưới hình thức nào? Bà mong muốn, sau khi bà không còn nữa, ngôi đền và đặc biệt là kho cổ vật tâm huyết cả cuộc đời bà đã trông giữ sẽ được giao lại cho nhà nước quản lý, giữ gìn. "Giờ các con tôi đều đi làm xa, mình tôi ở lại trông coi ngôi đền này, quan điểm của tôi là đền là tài sản của quốc gia, người dân ai cũng có quyền bảo quản. Tôi cũng đã ở tuổi gần đất, xa trời, nếu chẳng may khi tôi mất đi, nhà nước sẽ bảo quản, lưu giữ những cổ vật này. Tôi có biên bản giao nhận, nếu nhà nước lấy lại ngôi đền, tôi sẽ giao lại cho nhà nước quản lý...", bà Nghiên bộc bạch.



    Đền Trình Phủ Mẫu là một phần trong quần thể di tích Đền Và (di tích cấp Quốc gia). Thiết nghĩ, Đền trình Phủ Mẫu xưa kia đã không còn, nay ngôi đền được dựng lại trên nền quần thể cũ là điều đáng mừng, mừng hơn nữa là có những người dân tự ý thức được điều đó. Nên chăng các cơ quan quản lý sớm thẩm định cổ vật hiện có của ngôi đền và cùng với gia đình bà Nghiên có kế hoạch bảo tồn, giữ gìn.



    Bài&ảnh: Hạnh An - Nguồn từ toquoc.gov.vn
     
  2. thanh_an

    thanh_an New Member

Ủng hộ diễn đàn