Những Nhân vật "Sài Gòn Đệ Nhất" - Tứ đại phú hộ

Chủ đề thuộc danh mục 'Tư liệu ngoài sưu tập tiền' được đăng bởi youngboss1vn, 24/8/10.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    (Sưu tầm)

    Tứ đại phú hộ là cụm từ dân gian ở miền Nam đặt ra vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 để chỉ bốn người giàu nhất Việt Nam thời bấy giờ. Để dễ nhớ, dân gian có câu Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định. Đây là câu được nhiều người biết. Tuy nhiên, về vị trí thứ tư, được dành cho một số đại phú hộ khác như Tứ Trạch, Tứ Hỏa hoặc Tứ Bưởi
     
    Last edited: 26/8/10
  2. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Nhất Sỹ


    Huyện Sĩ tên thật là Lê Phát Đạt (1841-1900), thuở nhỏ có tên là Sĩ. Ông sinh tại Cầu Kho (Sài Gòn) nhưng quê quán ở Tân An (Long An) trong một gia đình theo đạo Công giáo, tên thánh là Philipphê. Do vậy, ông được các tu sĩ người Pháp đưa sang du học ở Pénang (Malaysia). Ở đây, Sĩ được học các ngôn ngữ: La Tinh, Pháp, Hán và quốc ngữ (chữ Việt mới sơ khai), rồi do trùng tên với một người thầy dạy nên Sĩ đổi tên thành Lê Phát Đạt. Khi về nước, Lê Phát Đạt được Chính phủ Nam Kỳ bổ dụng làm thông ngôn, rồi làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (từ năm 1880). Tuy nhiên, dù đã đổi tên nhưng bà con lối xóm vẫn gọi ông bằng cái tên cúng cơm: Sĩ.

    Tượng bán thân ông Huyện Sĩ - Ảnh: H.Đ.N
    [​IMG]


    Theo học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa (NXB TP.HCM, 1991) thì cái sự "lên hương" của Lê Phát Đạt chẳng qua là... ăn may: "Tương truyền buổi đầu, Tây mới qua, dân cư tản mác. Pháp phát mãi ruộng đất vô thừa nhận, giá bán rẻ mạt mà vẫn không có người đầu giá (chú thích: "Hồi Tây qua, nghe nói lại, những chủ cũ đều đồng hè bỏ đất, không nhìn nhận, vì nhận e nỗi quan và triều đình Huế khép tội theo Pháp. Vả lại, cũng ước ao một ngày kia Tây bại trận rút lui. Chừng đó ai về chỗ nấy, hốp tốp làm chi cho mang tội... Không dè bởi đất không ai nhìn, nên Pháp lập Hội đồng Thành phố, Ủy ban Điền thổ rồi đưa nhau đi khám xét từng vùng. Đến chỗ nào địa thế tốt, thì những ủy viên bản xứ nhận là của mình: "Ùy" (Oui) một tiếng! Đến chỗ nào nẻ địa thì lắc đầu, tiếp theo nói "Nông" (Non) cũng một tiếng! Chung quy chỉ học hai tiếng "Ùy", "Nông" mà có ông lập nghiệp truyền tử lưu tôn. Trận bão năm Giáp Thìn (1904), đất Gò Công bỏ hoang vô số kể, ai đủ can đảm chịu ra mặt đóng thuế thì làm chủ chính thức, mà có ai thèm đâu..."). Thế rồi, nài ép ông, ông bất đắc dĩ phải chạy bạc mua liều. Nào ngờ vận đỏ, ruộng trúng mùa liên tiếp mấy năm liền. Ông trở nên giàu hụ, trong nhà có treo câu đối dạy đời: "Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ".

    Tương truyền ngôi nhà lầu đồ sộ của Huyện Sĩ tại Tân An (nằm gần ngã ba sông Tân An và Bảo Định) được cất trên thế đất hàm rồng nên gia đình ông trở nên giàu có, danh vọng bậc nhất thời đó. Nhiều tài liệu nói rằng khi đang xây nhà thờ Chợ Đũi (tức nhà thờ Huyện Sĩ), theo yêu cầu của giáo dân vùng Bảy Hiền, người ta đã cắt bớt một gian giữa của nhà thờ này để lấy tiền đó xây nhà thờ Chí Hòa; con trai của Huyện Sĩ là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền ra xây nhà thờ Hạnh Thông Tây (góc Quang Trung - Lê Văn Thọ, Gò Vấp). Tất cả những ngôi nhà thờ này đều xây trên đất của Huyện Sĩ. Ngày nay, nếu đi bằng xe máy từ nhà thờ Huyện Sĩ đến nhà thờ Hạnh Thông Tây phải mất gần một tiếng, đủ thấy "lãnh thổ" của Huyện Sĩ mênh mông chừng nào.

    Không chỉ có thế, các con của Huyện Sĩ như bà Lê Thị Bính (mẹ của Nam Phương hoàng hậu), Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân... đều là những đại điền chủ có rất nhiều đất đai ở Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và Đồng Tháp Mười... Riêng trưởng nam của Huyện Sĩ là Lê Phát An được vua Bảo Đại phong tước An Định Vương, là người duy nhất trong lịch sử Nam Kỳ thuộc hàng dân dã, không là "hoàng thân, quốc thích" được lên ngôi vị cao quý nhất của triều đình (vương, công, hầu, bá, tử, nam - NV). Năm 1934, nhân dịp gả cô cháu gái về Huế làm Hoàng hậu, Lê Phát An đã tặng cho Nguyễn Hữu Thị Lan 1 triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn (1 triệu đồng lúc bấy giờ giá vàng khoảng 50 đồng/lượng, vị chi món quà này tương đương 20.000 lượng vàng - NV). Gia đình Nguyễn Hữu Hào (cha của Nam Phương hoàng hậu, rể của Huyện Sĩ) giàu hơn Bảo Đại. Trong đời làm vua của mình, vị hoàng đế thích ăn chơi Bảo Đại xài tiền của vợ nhiều hơn của hoàng gia.

    Nam Phương hoàng hậu, cháu ngoại của Huyện Sĩ - Ảnh: tư liệu
    [​IMG]


    Huyện Sĩ mất năm 1900, hai mươi năm sau vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài cũng tạ thế. Người ta đưa xác hai ông bà vào chôn ở gian sau cung thánh nhà thờ Huyện Sĩ như một nhà mồ... Người viết đã may mắn quen biết với một người là thành viên của Hội đồng giáo xứ nhà thờ Huyện Sĩ nên đã nhờ ông dắt vào tận nơi (đây là khu vực đặc biệt, không phải ai muốn vào cũng được). Phía bên trái là tượng bán thân bằng thạch cao của ông Huyện Sĩ, kế đến là phần mộ bằng đá cẩm thạch được trang trí hoa văn (nghe nói là chôn nổi). Trên mộ là tượng toàn thân của ông Huyện Sĩ (cũng bằng đá cẩm thạch) nằm kê đầu lên hai chiếc gối, đầu chít khăn đóng quay mặt về phía cung thánh, mình mặc áo dài gấm có hoa văn rất tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày. Phía bên phải, ở những vị trí đối xứng là tượng bán thân của vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài (1845-1920), rồi đến mộ và tượng toàn thân của bà: búi tóc, cũng nằm kê đầu lên hai chiếc gối, hai tay nắm trước ngực, mặc áo dài gấm, chân mang hài. Phía trong cùng còn có tượng bán thân của con trai và con dâu của ông bà là Lê Phát Thanh (bên trái) và Đỗ Thị Thao (bên phải)...

    Đứng bên phần mộ của những con người đã từng có một thời giàu có và tiếng tăm nhất nước này, mới thấy kiếp người phù sinh. Tuy nhiên, phải thừa nhận phần mộ có tạc tượng của ông bà Huyện Sĩ xứng đáng là công trình nghệ thuật tuyệt tác.


    Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201035/20100823015120.aspx
     
    Last edited: 26/8/10
  3. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    "Nhì Phương" Trong Tứ Đại Phú


    Cho đến nay, vẫn còn nhiều người nhầm lẫn Tổng Đốc Phương là Danh tướng Nguyễn Tri Phương lừng lẫy.Thực ra chính cái HàmTổng Đốc đã khiến nhiều người ngộ nhận...


    [​IMG]


    Tổng Đốc Phương tên thật là Đỗ Hữu Phương sinh năm 1841 tại chợ Đũi (Sài Gòn), cha ông là Bá Hộ Khiêm (gốc Minh Hương) lấy con gái của 1 quan tri phủ ở Nam Kỳ gốc Quảng Nam.Đỗ Hữu Phương biết chữ Hán và nói được 1 ít tiếng Pháp.
    Sau khi Pháp chiếm Đại đồn Kỳ Hoà (1861), ông nhờ Cai tổng Đỗ Kiến Phước dẫn đến giới thiệu với Tham biện hạt Chợ Lớn là Francis Garnier (là viên Đại uý Pháp sau này đã tấn công và chiếm thành Hà Nội do Nguyễn Tri Phương chống giữ.Chỉ ít lâu sau đó, y cũng đền tội do bị quân Cờ Đen phục kích ở Ô Cầu Giấy, Hà Nội).Bước đầu, Garnier cho Đỗ Hữu Phương làm Hộ trưởng (bấy giờ Chợ Lớn gồm 20 Hộ).Từ đó, Đỗ Hữu Phương cộng tác đắc lực cho Pháp, nhất là trong việc dọ thám và kêu gọi những lãnh tụ nghĩa quân ra hàng.Tuy thế, Phương rất khôn ngoan, chỉ trực tiếp tham gia vài trận cho người Pháp tin cậy như trận đánh vào lực lượng Trương Quyền (Con của Trương Định) ở Bà Điểm và truy nã ông này đến tận Bến Lức (tháng 07.1866).Ba tháng sau, Đỗ Hữu PhươngTôn Thọ Tường đi Bến Tre chiêu dụ 2 con trai của Phan Thanh Gỉan (Phan TônPhan Liêm).Tháng 03.1868, ông xuống Rạch Gía dẹp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực.Nghĩa quân chống trả quyết liệt,Phương suýt chết...
    Nhờ đó Đỗ Hữu Phương được cất nhắc lên các chức vụ: Tri Huyện, Tri Phủ rồi Đốc Phủ Sứ Vĩnh Long (tháng 07.1868)....
    Từ năm 1872, Đỗ Hữu Phương được chỉ định làm uỷ viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn, rồi chở thành Phụ tá Xã Tây Chợ Lớn (1879).Thời gian giữ các chức vụ này, Đỗ Hữu Phương thường ngầm làm trung gian để giới thương gia người Hoa "đi đêm" (hối lộ) cho các viên chức khác, nhờ đó ông giàu lên mau chóng.Cơ ngơi, sản nghiệp "nứt khố đổ vách", uy danh đến nỗi quan toàn quyền Paul Doumer khi vào Nam công cán cũng ghé vào nhà Đỗ Hữu Phương thăm và dự tiệc thết đãi.Có lẽ nhờ dịp này mà quan toàn quyền ban đặc ân cho Phương được khẩn trưng một sở đất ruộng lên đến 2.223 mẫu Tây.
    Học giả Vương Hồng Sển viết trong Sài Gòn năm xưa: "sự nghiệp (của ông Phương) trở nên đồ sộ nhứt nhì trong xứ, phần lớn do tay Phu nhân Trần thị gây dựng.Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài, làm của đẻ thêm ra mãi,lại được trường thọ, mất sau chồng...".
    Chính bà vợ của Tổng Đốc Phương đã bỏ tiền ra xây trường Collège de Jeunes files Indigènes, tức trường Áo tím (Gia Long) mà bây giờ mang tên trường Nguyễn Thị Minh Khai(nằm trên đường Điện Biên Phủ,Q.3, tpHCM) và cúng dương trùng tu một ngôi chùa khác.Tuy nhiên, những ''việc thiện" này không đủ khoả lấp "thành tích" của Đỗ Hữu Phương trong quan hệ với Thủ Khoa Huân.



    Nguyễn Hữu HuânĐỗ Hữu Phương vốn là bạn từ thời thơ ấu.Ông Huân sinh năm 1830 và đỗ đầu Khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1852) nên được gọi là Thủ Khoa Huân.Khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (có Định Tường quê ông) thì ông cũng giống như nhiều sĩ phu khác: tham gia kháng Pháp.Ông từng sát cánh chiến đấu bên các lãnh tụ nghĩa quân Trương Định, Vũ Duy Dương (tức Thiên Hộ Dương), Âu Dương Lân....Năm 1864, ông bị Pháp bắt và kết an khổ sai, đày đi Cayenne (thuộc địa của Pháp tại Nam Mỹ).Ở tù được 5 năm, Thủ Khoa Huân được Pháp ân xá nhờ Đỗ Hữu Phương bảo lãnh và xin chứa chấp ở trong nhà để giám sát, đồng thời đề nghị phía Pháp cho ông Huân làm giáo thụ dạy các sinh đồ vùng Chợ Lớn để lôi kéo họ về phía Pháp.Lợi dụng hoàn cảnh, trong suốt 3 năm Thủ Khoa Huân đã bí mật liên lạc với các Hoa kiều trong Thiên Địa hội, họ mua 1 thuyền vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa nhưng việc vỡ lở, Thủ Khoa Huân trốn khỏi nhà Đỗ Hữu Phương về Mỹ Tho cùng Âu Dương Lân tiến hành khởi nghĩa lần thứ ba (1872).
    Hai năm sau, Đỗ Hữu PhươngTrần Bá Lộc đưa quân Pháp truy bắt Thủ Khoa Huân. Ông chạy thoát, nhưng 3 tháng sau thì bị Pháp bắt.Ngày 19.05.1875, Pháp cho tàu chở Thủ Khoa Huân xuôi dòng Bảo Định về Mỹ Tịnh An và hành quyết ông lúc 12 giờ trưa (Âu Dương Lân sau đó cũng bị Trần Bá Lộc bắt sống và xử tử)...
    Cụ Vương Hồng Sển có bình: "....Tiếng rằng "hiền", là hiền hơn 2 ông kia (Trần Bá Lộc, Huỳnh Công Tấn), chớ xét ra 1 đời mâu thuẫn: lấy 1 tỉ dụ là đối với Thủ Khoa Huân.Che chở cũng y (Đỗ Hữu Phương), đem về nhà bảo đảm và cấp dưỡng cũng y, mà rồi bắt nạp cho Tây hành hình cũng y nốt..."
    Theo từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam thì Đỗ Hữu Phương được Pháp thưởng Tam đẳng Bội tinh, Triều đình Huế phong Hàm Tổng đốc.Trước năm 1975, Sài gòn có đường Tổng Đốc Phương ở Quận 5, sau này, đổi thành đường Châu Văn Liêm.


    Nguồn: Báo THANHNIÊN số 236 (5358) Thứ ba 24.08.2010 - HÀ ĐÌNH NGUYÊN viết
     
  4. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Tam Xường “oai thấu trời”


    Nhân vật được xếp hạng ba về sự giàu có thời Sài Gòn - Chợ Lớn mới hình thành là bá hộ Xường. Ông tên thật là Lý Tường Quan, tự Phước Trai, gốc người Minh Hương (tức những Hoa kiều trung thành với nhà Minh, không chịu thần phục nhà Thanh và sang tị nạn ở nước ta), theo đạo Công giáo và gia nhập Việt tịch với tên thường gọi là Xường. Ông Xường được theo học trường thông ngôn nên thông thạo tiếng Pháp và tiếng Hoa, được chính quyền Pháp ở Sài Gòn trọng dụng.

    Để biết các thầy thông ngôn thời đó (bây giờ gọi là thông dịch viên) “oách” như thế nào, hãy xem một đoạn trong Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển: “Xưa thầy “thông ngôn” oai lắm: chức làm “interprète” khi “đứng bàn ông Chánh” (thông dịch viên của Tham biện chủ tỉnh) thét ra khói, khi “đứng bàn ông Phó”, làm tay sai và thông dịch viên cho Phó tham biện, hét ra lửa. Ngày sau thầy thông ngôn có đủ năm làm việc thì được (làm) một (nhiệm) kỳ nữa rồi được bổ làm Huyện, lên Phủ, rồi Đốc phủ sứ, làm Chủ quận, đại diện cho quan Pháp trong một vùng, “oai thấu trời”, “oai hơn ông ghẹ”!” (ông Sĩ - Lê Phát Đạt cũng đi lên từ ngạch thông ngôn rồi được phong hàm “huyện”, nên người dân gọi là Huyện Sĩ).
    Giàu có và oai phong như vậy nhưng đến năm 30 tuổi, bá hộ Xường từ bỏ địa vị mà nhiều người mơ cũng không có được ấy để bước vào thương trường. Lĩnh vực kinh doanh mà ông nhắm đến là dịch vụ cung cấp lương thực, thực phẩm (lúa gạo, thịt cá...) cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Gặp thời điểm xuôi chèo mát mái, lại biết khôn khéo lấy lòng các quan Tây để được họ che chở, nâng đỡ, chẳng mấy chốc bá hộ Xường trở thành nhà trọc phú quyền uy, nhất là trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm lúc bấy giờ. Dinh thự của ông nguy nga bề thế, tọa lạc trên đường Gaudot (nay là đường Hải Thượng Lãn Ông) nhưng sau khi ông qua đời, tài sản của ông bị con cháu ăn xài, phung phí hết. Trước năm 1975, mộ của ông vẫn còn ở Gò Vấp, nhưng nay không tìm ra dấu tích.


    Nguồn: Báo THANHNIÊN số 237 (5359) Thứ tư 25.08.2010 - HÀ ĐÌNH NGUYÊN viết
     
    Last edited: 26/8/10
  5. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Tứ Định phất nhờ thời


    Người xếp hạng tư là bá hộ Định, tên thật Trần Hữu Định. Xuất thân là chủ tiệm cầm đồ (hóa ra thời ấy đã có dịch vụ “cầm, cắm”), rồi được chính quyền Pháp cho làm Hộ trưởng (bấy giờ, Chợ Lớn là một tỉnh riêng biệt gồm 20 hộ, độc lập cùng với tỉnh Gia Định) kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vải sợi. Ông phất lên nhanh chóng nhờ biết nắm thời cơ những lúc hàng khan hiếm. Trần Hữu Định có biệt thự ở nhiều nơi, và cũng như bá hộ Xường, danh xưng bá hộ Định (hoặc Hộ Định) là do dân Chợ Lớn thấy ông giàu có nên gọi như vậy.

    Sau khi ông mất, con cháu không biết giữ của, tiêu xài và xóa sạch vết tích của nhà cự phú này. Năm 1960, trong tác phẩm Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển mô tả cơ ngơi của Trần Hữu Định như sau: “Nhà ở khoảng giữa đường Trần Thanh Cần, gần dốc cầu Palikao một đầu và chợ Quách Đàm một đầu. Ngôi nhà năm căn trệt chạm trổ thật khéo, cột cẩm lai bóng ngời ngó thấy mặt; trong nhà từ cái bàn, cái ghế, cái đôn sành đều có vẻ cũ xưa. Mấy năm trước chính mắt tôi còn thấy làu làu vững chắc tuy khuỷnh vườn sân trước đã bị cắt xén sát mặt tiền nhường chỗ làm thềm và đường cái mở rộng nên lấp kênh. Gần đây, vì đất chợ cao giá nên tuy nhà lập làm phần hương hỏa mà con cháu đã bán và dỡ đi. Thay vào đó là một dãy phố lầu tiệm buôn khách trú. Phần hoa lợi tuy có thêm, nhưng thiệt hại về cổ tích từ đây và cứ theo đà này, đô thành Sài Gòn ngày một mất dần những dấu vết xưa...”.


    Nguồn: Báo THANHNIÊN số 237 (5359) Thứ tư 25.08.2010 - HÀ ĐÌNH NGUYÊN viết
     
    Last edited: 26/8/10
  6. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Những người được xếp vào vị trí thứ tư khác


    Tứ Hỏa

    Tên thật là Hui Bon Hoa (1845-1901) hay Hứa Bổn Hòa, Jean Baptiste Hui Bon Hoa, dân gian thường gọi là Chú Hỏa. Ông là người Việt gốc Hoa, theo đại Công Giáo.

    Ông thành lập công ty Hui Bon Hoa, có thời là công ty bất động sản lớn sở hữu trên 20.000 căn nhà ở Sài Gòn đồng thời xây dựng rất nhiều công trình có giá trị lớn ở vùng Sài Gòn-Gia Định vẫn còn tồn tại đến ngày nay: Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, khu nhà khách chính phủ, nhiều ngân hàng, trụ sở mua bán ở quận 5 và các công trình nhà riêng, chùa chiền, bệnh viện khác. Các công trình này đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ mặt thành phố Sài Gòn.

    Ông Hứa Bổn Hòa có người con gái, không may chết sớm khi đang tuổi xuân xanh. Từ cái chết này và những điều huyền ảo trong đó, người ta truyền nhau những câu chuyện ma quái xuất hiện trong nhà của Hui Bon Hoa. Câu "Con ma nhà họ Hứa" xuất phát từ gia đình này.


    Tứ Trạch

    Tên thật là Trần Trinh Trạch (1872-1942), do từng tham gia thành viên Hội đồng Tư mật Nam Kỳ (Conseil privé), nên dân gian còn gọi là Hội đồng Trạch.

    Tương truyền ông xuất thân nhà nghèo, đi làm mướn cho một điền chủ nhập tịch Pháp. Do được mướn đi học thay cho con của người điền chủ, ông có vốn chữ nghĩa tiếng Pháp, về sau đi làm viên chức cho tòa bố (tòa hành chánh) tỉnh Bạc Liêu. Cũng nhờ vốn kiến thức về luật pháp mà ông giàu lên nhanh chóng nhờ thu mua tài sản điền địa của các địa chủ thất vận.
    Ông được xem là một trong những đồng sáng lập ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành, trụ sở đặt tại Sài Gòn (1927), tên là Ngân hàng Việt Nam (công ty trách nhiệm hữu hạn), do ông làm chánh hội trưởng.

    Giấy chứng nhận cổ phần VIỆT NAM NGÂN HÀNG - Hình ông Trần Trinh Trạch trên cùng phía bên phải)
    (Hình ảnh trích trong Bộ sưu tập cá nhân)
    [​IMG]
    [​IMG]

    Ông có người con trai thứ ba tên là Trần Trinh Huy, nổi tiếng với danh xưng Công tử Bạc Liêu.


    Tứ Bưởi

    Tên thật là Đỗ Thái Bưởi (1874–1932), do làm con nuôi trong một người nhà giàu họ Bạch nên ông còn có tên là Bạch Thái Bưởi. Dân gian còn gọi ông là Ký Năm do có thời gian ông làm ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội.

    Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Cha mất sớm, ông phải phụ giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Sau được nhận làm con nuôi và được cho ăn học.

    Ông nổi danh khi cạnh tranh với người Pháp và người Hoa trong các lĩnh vực vận tải thủy, khai thác mỏ và xuất bản với các công ty Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi công ty, Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi (sau là Đông Kinh ấn quán).

    Ông được xem là nhà tư sản dân tộc tiêu biểu của thế kỷ 20.
     
    Last edited: 26/8/10
  7. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Một số đại phú gia khác


    Bên cạnh Tứ đại phú hộ, còn khá nhiều đại địa chủ và đại tư sản khác khá nổi tiếng như:

    * Quách Đàm (1863-1927) là một thương gia gốc Hoa, có công xây dựng nên Chợ Bình Tây.
    * Trương Văn Bền (1883-1956), người xây dựng thương hiệu Xà bông Cô Ba nổi tiếng.
    * Trần Chánh Chiếu (1968-1919), một đại điền chủ ở Nam Kỳ
     

Ủng hộ diễn đàn