Thăng Long giai thoại - Bài 5: Người phụ nữ 28 năm chỉnh giờ đồng hồ

Chủ đề thuộc danh mục 'Tư liệu ngoài sưu tập tiền' được đăng bởi youngboss1vn, 16/9/10.

  1. youngboss1vn

    youngboss1vn Admin Staff Member

    Nguồn: Đồng hồ Bưu điện Hà Nội - Ảnh: Trường Sơn
    [​IMG]

    Tuổi trẻ của bà Lê Thị Yến gắn liền với chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện thành phố, khi tiếng chuông của nó còn là nỗi xúc động và sự chờ mong của bao người Hà Nội.

    Công trình xây dựng “Nhà bưu điện mới” do Trung Quốc viện trợ được đặt tên là 7138. Theo cách viết của người Trung Quốc, 7138 nghĩa là công trình bắt đầu từ ngày 8.3.1971. Nhà giao dịch hai tầng mặt phố Đinh Tiên Hoàng bị đập bỏ, thay vào đó là tòa nhà 5 tầng và trên nóc đặt một chiếc đồng hồ. Năm 1976, tòa nhà dài 51 mét, trát đá rửa cơ bản hoàn thành. Bên trong không có đường nét uốn lượn. Bên ngoài nặng nề và thô vụng. Các kiến trúc sư lắc đầu vì công trình này phá vỡ sự mềm mại nhẹ nhàng của không gian phía đông hồ Gươm với nhiều công trình có kiến trúc nhẹ nhõm, sang trọng.

    Chăm sóc “biểu tượng Hà Nội”

    Trước khi chiếc đồng hồ trên nóc nhà bưu điện trung tâm xuất hiện thì Hà Nội có khá nhiều đồng hồ nằm rải rác ở các phố. Song đáng kể nhất là chiếc đồng hồ ở tháp chuông Nhà thờ lớn và nhà chính của ga Hà Nội. Cả hai chiếc chạy rất chính xác. Nhưng ngày 26.12.1972, Mỹ rải thảm bom bằng B52 đã phá tan chiếc ở ga Hà Nội.

    Sau khi lắp xong chiếc đồng hồ trên nóc nhà trung tâm, các chuyên gia Trung Quốc thấy Lê Thị Yến còn trẻ lại nhanh nhẹn nên đề nghị bưu điện để Yến trông coi chiếc đồng hồ. Giám đốc Bưu điện Hà Nội là ông Nguyễn Minh Chí đồng ý. Đồng hồ được sản xuất tại Trung Quốc và theo các chuyên gia, mẫu này chỉ sản xuất có 2 chiếc. Bốn mặt giống hệt nhau quay về bốn hướng: đông, tây, nam, bắc. Mặt đồng hồ hình vuông, mỗi chiều 4,5 mét. Phía dưới có 16 chiếc loa chĩa về 4 hướng. Lễ khánh thành chiếc đồng hồ diễn ra vào đúng 11 giờ trưa ngày 2.9.1978. Bản nhạc Ca ngợi Hồ Chủ tịch với nhịp điệu chậm vang xa làm nhiều người Hà Nội trong cả một khu vực rộng lớn xúc động. Phó đoàn chuyên gia Trung Quốc tham gia xây dựng Bưu điện, ông Vương Ngọc Dung trước khi rút khỏi Việt Nam đưa cho Lê Thị Yến sơ đồ của chiếc đồng hồ rồi bảo vẽ lại. Yến thức trắng một đêm và hôm sau mang đến trước sự ngạc nhiên và thán phục của chuyên gia. Rồi đoàn chuyên gia mang theo sơ đồ chính chiếc đồng hồ về nước sau khi bàn giao một ngày.

    Từ hôm ấy người phụ nữ rắn rỏi sinh ở ra ở Thái Bình đảm trách đời sống chiếc đồng hồ này. Hằng ngày, Yến có trách nhiệm chỉnh giờ sao cho chiếc đồng hồ chạy chính xác. Nhưng do không có thiết bị máy móc nên không biết thế nào là chính xác, bởi vậy thỉnh thoảng, Yến lại đạp xe đạp đến Nhà thờ lớn, lấy giờ chiếc đồng hồ đeo tay theo giờ của đồng hồ trên tháp nhà thờ mang về so sánh. Rồi tháng đôi lần, Yến đạp xe cách bưu điện mấy cây số để kiểm tra tiếng chuông và nhạc có vang xa không. Rồi lúc nào cũng lo tra dầu mỡ, chỉnh thanh đồng cho tiếng chuông trong hơn…

    Bà Yến hiểu chiếc đồng hồ không chỉ để xem giờ mà nó đã trở thành "biểu tượng của Hà Nội". Nhà bà ở ngách 15, ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên. Cái ngách sâu hoắm chật hẹp, nhà cửa san sát và cũng thường xuyên tắc nghẽn, cách bưu điện mấy cây số, nhưng dù là nghỉ lễ hay nghỉ chủ nhật, nếu không nghe tiếng nhạc, tiếng chuông là vội vã phóng ngay đến cơ quan để xem sự thể ra sao. Trong suốt 28 năm trông coi chiếc đồng hồ thì 20 năm liên tục bà Yến phải leo lên, leo xuống cầu thang cao chót vót vì thang máy không sử dụng được.

    Còn đâu tiếng chuông, tiếng nhạc...

    Không chỉ chăm chút, lo lắng cho chiếc đồng hồ "mẹ" mà bà Yến cùng anh chị em tổ viên còn phải lo 7 chiếc đồng hồ con mà chiếc đồng hồ mẹ có trách nhiệm truyền tín hiệu đến, lắp ở những địa điểm khác nhau trong thành phố. Gần là Bách hóa Tổng hợp, xa thì tận dưới Mơ và ngã tư Sở. Khi nhà khách Chính phủ xây dựng thêm đơn nguyên cao 5 tầng thì mặt đông của chiếc đồng hồ bị che lấp và người đi trên đường Lý Thái Tổ không thể xem được giờ, nhiều ngày liền bà đã khóc thầm. Thiệt thòi cho người dân đã đành, song đáng nói là làm mất giá trị của chiếc đồng hồ.

    Chồng bà Yến cũng làm cùng cơ quan và theo quy định của thời bao cấp, vợ chồng được phân phối nhà tập thể. Song gần đến ngày phân chia, chồng bà lại "được" điều đi Huế lắp tổng đài. Xong việc quay trở ra thì việc phân chia đã đâu vào đấy, "vợ chồng đồng chí Yến chờ đợt sau nhé". Tuy nhiên, bà cũng không phàn nàn vì "nhà mình tuy không rộng nhưng còn có chỗ riêng tư, nhiều anh chị em vẫn phải ở chung với bố mẹ, chật chội lắm". Năm 2006, trước khi nghỉ hưu, bưu điện cho bà Yến đi du lịch Trung Quốc. Ngồi trên xe buýt, bà cũng ngó nghiêng, đến thành phố nào cũng nhờ phiên dịch hỏi đồng hồ công cộng to nhất đặt ở chỗ nào. Nếu có, bà tìm mọi cách đến bằng được xem nó có phải là anh em với chiếc đồng hồ mà bà đã gắn bó cả đời không. Trước khi về hưu bà vẫn tự hỏi, Việt Nam và Trung Quốc đã nối lại quan hệ từ năm 1992 nhưng sao không thấy ai trong tổ chuyên gia quay lại thăm chiếc đồng hồ do họ lắp đặt xem nó sống chết thế nào.

    Bây giờ chiếc đồng hồ vẫn chạy tốt. Dù có đeo đồng hồ trên tay nhưng ai cũng ngước lên xem giờ rồi so với đồng hồ họ đang đeo nếu đi qua hồ Gươm. Còn bà Yến, hễ có ngày nào rảnh rỗi hay có việc phải ra đường, bà vẫn phóng lên bờ Hồ, chỉ có điều bà không vui như ngày xưa, bởi bây giờ người đông, xe máy ô tô chạy ầm ầm, đâu còn nghe thấy tiếng chuông, tiếng nhạc...

    Nguyễn Ngọc Tiến
     

Ủng hộ diễn đàn